"Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi" (Thi-thiên 103:10).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa nhận lễ vật của ông A-bên mà không nhận lễ vật của ông Ca-in? Hình phạt của Chúa đối với ông Ca-in có công bằng không? Sự tha thứ của Chúa nhằm mục đích nào và có ảnh hưởng ra sao?
Tội lỗi đã đi vào lòng loài người và làm biến đổi bản chất của họ, những điều tốt lành của sự sáng tạo ban đầu mà Đức Chúa Trời ban cho, đã bị thay chỗ bằng bản tính gian ác. Bản tính đó hình thành trong con người đầu tiên là ông A-đam và bà Ê-va, và tiếp tục di truyền trong mỗi con người sinh ra trên đất.
Của lễ mà ông Ca-in và ông A-bên dâng lên Chúa đều là sản vật tốt nhất theo suy nghĩ của họ, nhưng chúng khác nhau ở chỗ "Bởi đức tin A-bên đã dâng lên Đức Chúa Trời một sinh tế tốt hơn lễ vật của Ca-in" (Hê-bơ-rơ 11:4a BDM). Từ mối tương giao với Đức Chúa Trời đã bị gãy đổ, con người đánh mất luôn điều cần thiết để đến gần Chúa: Đức tin. "Không có đức tin thì không thể nào đẹp lòng Đức Chúa Trời vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin Ngài..." (câu 6).
Đức Chúa Trời nói với ông Ca-in"Tại sao nét mặt ngươi gầm xuống? Nếu ngươi làm phải, lẽ nào không được chấp nhận?" để ông Ca-in có cơ hội xét lại sự sai trật của mình, nhưng cơ hội đó đã bị bỏ qua. Đức Chúa Trời hỏi"A-bên, em ngươi ở đâu?" để ông Ca-in có cơ hội ăn năn tội lỗi, nhưng cơ hội đó lại bị từ chối. Khi Đức Chúa Trời hình phạt ông Ca-in về tội lỗi của ông, thì ông than thở: "Hình phạt con nặng quá, mang không nổi... Có ai gặp con, họ sẽ giết con đi" (câu 13-14). Lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đã không để cho việc đó xảy ra, Chúa đáp: "Không đâu, nếu ai giết Ca-in sẽ bị báo thù gấp bảy lần’. Chúa cũng đánh dấu trên người Ca-in để có ai gặp người, sẽ không giết" (câu 15). Một người hung dữ và đáng tội như ông Ca-in, Chúa vẫn không muốn tiêu diệt ngay vì Ngài là Đấng hay tha thứ. Dù hình phạt của Chúa với ông Ca-in là công bằng vì xứng với tội lỗi ông đã gây nên, nhưng tha thứ là bản chất của Đức Chúa Trời, Ngài luôn luôn là "Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi" (Thi-thiên 103:8-10). Sự tha thứ của Đức Chúa Trời không có nghĩa là Ngài chấp nhận tội lỗi, dung dưỡng tội lỗi, hay không kể đó là điều quan trọng, nhưng sự tha thứ nhằm tạo điều kiện cho con người phục hồi mối tương giao với Chúa vốn đã bị gãy đổ, và là điều kiện để lòng tin của một người tìm đến với Chúa được Ngài chấp nhận. Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài phải có cùng một bản chất với Ngài: "Tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho anh chị em trong Chúa Cứu Thế" (Ê-phê-sô 4:32).
Bạn có từng dâng lên Chúa những của lễ vô ích không? Chúa muốn gì khi Ngài mong mỏi bạn đến gần Ngài? Bạn bày tỏ thái độ nào khi nhận lãnh sự tha thứ của Chúa?
Lạy Chúa, nhiều lúc con đã đến với Ngài nhưng chẳng hiểu Ngài, cư xử với Ngài bằng những hành động bất khiết, dâng lên Ngài những lễ vật thiếu vắng niềm tin. Cám ơn Chúa vì Ngài vẫn cứ yêu thương con và chấp nhận con cho đến hôm nay.
(c) 2024 svtk.net