Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Không Hổ Thẹn

Rô-ma 1:16-17

"Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin" (c. #16).

Câu hỏi suy ngẫm: Thế nào là hổ thẹn về Tin Lành? Tại sao Phao-lô lại nói: Tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu? Bạn có bao giờ hổ thẹn về Tin Lành không? Trong trường hợp nào? Tại sao? Sự không hổ thẹn về Tin Lành được bày tỏ qua điều gì?

Phao-lô bị tù tại Phi-líp, bị đuổi khỏi Tê-sa-lô-ni-ca, bị cười nhạo tại A-thên. Sứ điệp của ông bị người Hi Lạp cho là điên dại, người Do Thái cho là hòn đá vấp chân. Trong tất cả những người rao giảng Phúc Âm, Phao-lô hẳn là người bị chống đối, cười nhạo, chê bai, bắt bớ nhiều hơn cả. Bị như vậy thường làm nản lòng thối chí. Nhưng Phao-lô thì không, ông quả quyết: Tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu:

1. Ông thấy những người nhạo báng, chống đối ông không biết rõ về họ, về nhu cầu của họ, về ơn lớn lao của Chúa và tình yêu của Ngài. Họ đang bị hư mất, đáng tội nghiệp.

2. Sứ điệp ông rao giảng là chân lý duy nhất mà người đời chưa hiểu, chưa biết. Ông có sự xác tín vững chắc và mạnh mẽ về Phúc Âm ông rao giảng.

3. Ông kinh nghiệm về quyền năng của Đức Chúa Trời. Phúc Âm không phải là lý thuyết đạo đức, nhưng là quyền năng cứu rỗi của Chúa mà người tin kinh nghiệm được.

Thương cho tình trạng tối tăm hư mất của người khác, xác tín về chân lý cứu rỗi có một không hai của Phúc Âm và kinh nghiệm quyền năng của Chúa sẽ giúp ta không hổ thẹn về Tin Lành.

Lý do Hội thánh ít gia tăng là vì tín hữu ít chịu chứng đạo. Một trong những lý do chính của việc không làm chứng đạo là hay hổ thẹn về Tin lành.

Lạy Chúa, xin tha tội con vì đã hổ thẹn về Tin Lành. Xin giúp con nói được như Phao-lô: "Tôi không hổ thẹn về Tin Lành." Và thể hiện sự không hổ thẹn qua việc mạnh dạn làm chứng về Chúa cho người khác.

(c) 2024 svtk.net