"Các anh đừng sợ! Tôi thay thế cho Đức Chúa Trời được sao? Các anh định hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại định cho nó thành điều lành…" (câu 19-20a).
Câu hỏi suy ngẫm: Các anh của ông Giô-sép đang đối diện với nỗi lo lắng nào? Vì sao ông Giô-sép có thể quên những việc xử tệ của các anh với mình dễ dàng như vậy? Nhận biết quyền tể trị của Chúa trên cuộc đời mình có ích lợi thế nào trong việc tha thứ người khác?
Cụ Gia-cốp đã dẫn các con mình đến Ai Cập sống đoàn tụ cùng ông Giô-sép, đang là tể tướng. Đến khi cụ qua đời, các anh của ông Giô-sép lo sợ bị báo thù vì đã hại em mình trước đây. Họ mượn uy danh của cha mà xin ông Giô-sép tha thứ các lỗi cũ của họ, đồng thời tự xưng mình là nô lệ cho em để khỏi bị báo oán. Tuy nhiên, trong lòng ông Giô-sép hoàn toàn không ghi nhớ đến các việc tồi tệ do các anh đối xử với mình ngày trước. Sự tha thứ của ông Giô-sép đến từ những nhận thức:
Thứ nhất, ông Giô-sép nói: "Xin các anh đừng sợ. Tôi đâu dám thay thế Đức Chúa Trời" (câu 19). Ông Giô-sép là người kính sợ Đức Chúa Trời, tin rằng mọi sự xảy ra nằm trong quyền tể trị của Chúa. Nếu phải sửa phạt các anh, đó là việc của Đức Chúa Trời, không vì đang nắm giữ cương vị cao trọng mà ông có quyền báo thù hay làm hại các anh mình. Sứ đồ Phao-lô cũng giải thích điều nầy cho chúng ta rằng: "Anh chị em thân yêu, đừng tự báo thù ai, nhưng hãy nhường chỗ cho cơn thịnh nộ của Chúa, vì Kinh Thánh đã chép: ‘Sự báo trả thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng! Chúa phán vậy’" (Rô-ma 12:19).
Thứ nhì, trong quyền tể trị của Chúa, Ngài có thể dùng những hoàn cảnh, hoặc những điều kiện dường như không thuận lợi, để thành ích lợi cho người yêu kính Ngài. "Các anh có ý làm hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại dụng ý làm điều ích lợi để hoàn thành mọi việc đã qua" (câu 20). Trong quyền hạn tuyệt đối và sự khôn ngoan lạ lùng của Đức Chúa Trời, Ngài luôn luôn có giải pháp cho mọi nan đề. Sứ đồ Phao-lô ghi trong thư gửi cho người La Mã: "Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài" (Rô-ma 8:28). Còn lời khôn ngoan trong Châm Ngôn 16:9 thì viết: "Lòng người hoạch định đường lối mình, nhưng Chúa hướng dẫn các bước người." Không có điều chi nằm ngoài sự cho phép và kiểm soát của Đức Chúa Trời.
Thứ ba, ông Giô-sép nhận biết những điều tốt lành mình nhận từ Chúa đều có mục đích rõ ràng. Chúa không ban cho để chúng ta thụ hưởng một mình, nhưng nguyên tắc của sự ban cho là để người khác nhận biết sự giàu có của Chúa. Chúa chuẩn bị cho ông Giô-sép có được chỗ đứng cao trọng là vì Pha-ra-ôn, vì nhà Gia-cốp, và vì các anh em trong gia đình ông giữa lúc nạn đói rất lớn xảy ra kéo dài suốt bảy năm. Ông Giô-sép trấn an các anh bằng những lời thật dịu dàng: "Tôi sẽ cấp dưỡng cho các anh và con cái các anh" (câu 21). Luận về điều nầy, Sứ đồ Phao-lô nói: "Đức Chúa Trời có thể ban cho anh chị em mọi ân phúc dồi dào để anh chị em luôn luôn được đầy đủ trong mọi sự, lại còn dư dả để làm mọi việc lành,… nhờ thế mà nhiều người tạ ơn Đức Chúa Trời" (1 Cô-rinh-tô 9:8, 11).
Cũng như ông Giô-sép, lòng tha thứ càng dễ thực hiện và có ý nghĩa hơn khi mỗi chúng ta nhận biết quyền tể trị của Chúa trên mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong cuộc đời người kính sợ Ngài.
Bạn có đối diện với một người nào nghịch mình mà bạn thấy không sao tha thứ được không? Bạn khám phá được điều gì qua nhận thức của ông Giô-sép để áp dụng vào việc tha thứ cho người khác?
Lạy Chúa, vì Ngài vẫn đang nắm quyền tể trị, xin cho con tuân theo ý thánh của Ngài hơn là chiều theo bản ngã mình, xin giúp con hiểu giá trị của lòng tha thứ theo cách nhìn của Chúa.
(c) 2024 svtk.net