“Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết nầy: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi” (câu 13).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao các nỗ lực trên đời không cho chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống? Câu 1-8 cho chúng ta thấy ý nghĩa cuộc sống thế nào? Trong sách Truyền-đạo, Vua Sa-lô-môn đã có lời kết luận nào về phận sự con người? Tại sao?
Trong bài hôm qua tác giả sách Truyền-đạo cho thấy mọi nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa cho đời sống của ông đều thất bại. Giờ đây, sau khi tra xét tất cả các nỗ lực trên đời xem điều gì có ý nghĩa chăng, Vua Sa-lô-môn xác quyết rằng mọi sự đều hư không (câu 8).
Lý do đầu tiên khiến cho mọi sự trên đời đều bất lực trong việc cung cấp cho chúng ta ý nghĩa cuộc sống là vì đời sống con người mong manh, không có gì là vững chắc, không có gì lâu bền. Khi sự chết đến con người chỉ như “vò vỡ ra bên suối,” bánh xe gãy bên giếng và chỉ còn là bụi tro trở về với bụi tro (câu 1-8).
Lý do thứ hai khiến cho mọi sự trên đời bất lực trong việc cung cấp ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta là vì tất cả đều không đem lại sự thỏa mãn (câu 1). Chúng ta háo hức phấn đấu để đạt được điều mình mong muốn. Nhưng khi đạt được rồi, những điều ấy cũng chỉ làm chúng ta vui thích chốc lát mà thôi. Trong lãnh vực thời trang chẳng hạn, cố sức để mua sắm một kiểu dáng mới nhất, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đã bị lỗi thời, chúng ta lại bắt
đầu thèm muốn những kiểu dáng mới hơn. Xe cộ, máy móc cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ngay cả chức vị cũng vậy, phấn đấu đạt được chức vị mơ ước, nhưng khi đạt được rồi thì lại mơ ước đạt chức vị cao hơn. Làm sao thấy được cuộc đời có ý nghĩa khi mà cuộc sống không bao giờ thỏa lòng?
Lý do thứ ba khiến cho mọi sự trên đời bất lực trong việc cung cấp ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta là vì tất cả đều không đem đến giải thoát (câu 9-12). Dù giàu có, tài ba, đạo đức, không ai có thể căn cứ trên những thành đạt của mình mà biết chắc rằng mình sẽ được về cõi vĩnh phước sau khi qua đời.
Vì những lý do trên cho nên tận sâu trong đáy lòng, bạn vẫn thấy có một điều gì thiếu sót, trống vắng, bất ổn. Thánh Augustine đã để lại một nhận định vô cùng sâu sắc: Trong lòng chúng ta có một khoản trống mênh mông, không gì có thể lấp đầy, trừ ra chính Chúa. Chỉ có Chúa mới cho chúng ta ý nghĩa cuộc sống.
Thật vậy, khác với tất cả mọi sự vật trên đời, là những thứ nay còn mai mất, không thể làm nền tảng vững chải cho chúng ta; Chúa là Đấng hằng còn, hằng có, vĩnh cửu. Ngài là nền tảng vững bền. Khác với mọi sự vật trên đời là những thứ giới hạn, không làm thỏa mãn chúng ta; Chúa là
Đấng tốt lành, vô hạn. Chính Ngài mới có thể làm chúng ta thỏa mãn. Khác với tất cả mọi sự trên đời là những thứ bất năng, không thể cứu vớt chúng ta; Chúa là Đấng Toàn Năng. Chính Ngài mới là Đấng cứu vớt chúng ta. Nói cách khác, chỉ có Chúa mới cho chúng ta ý nghĩa cuộc sống.
Vì vậy, sau khi suy xét mọi điều, tác giả sách Truyền-đạo đi đến kết luận rằng điều mà mọi người cần làm là “hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi” từ khi còn thơ ấu và cho đến cuối cuộc đời (12:1), và “khá kính sợ Đức Chúa Trời, và giữ các điều răn của Ngài, ấy là trọn phận sự của ngươi”( 12:13). “Trọn phận sự” nói lên sự hoàn tất, thỏa lòng, mới thấy rõ mục đích, ý nghĩa của đời sống. Chỉ khi nào chúng ta đặt nền tảng cuộc đời mình trên Chúa, thì cuộc đời chúng ta “trọn phận sự”, mới có ý nghĩa, và chỉ khi nào chúng ta lấy Lời Ngài làm phương châm thì cuộc sống chúng ta mới càng thêm ý nghĩa.
Bạn đã đến với Chúa và Lời Chúa thế nào mỗi ngày?
Lạy Chúa, xin cho con biết đặt Chúa làm nền tảng cho cuộc đời để cuộc sống của con thật sự có ý nghĩa.
(c) 2024 svtk.net