“Ban đầu, Đức Chúa Trời sáng tạo trời và đất” (Sáng-thế Ký 1:1).
Câu hỏi suy ngẫm: Phần Thi-thiên nầy gợi nhớ về giai đoạn nào được ghi lại trong Kinh Thánh? Bạn được nhắc nhở gì qua bài học nầy?
Đọc Thi-thiên nầy, chúng ta thấy những ngày sáng tạo trong Sáng-thế Ký 1 như sống lại. Trước hết, tác giả nhắc lại cách Đức Chúa Trời lập trái đất trên các nền vô hình, để nó trở thành nơi cư trú vững chắc, không hề rúng động (câu 5). Ban đầu, nước bao phủ cả trái đất, đến nỗi các đỉnh núi cũng chìm dưới nước (câu 6). Ngày thứ ba, Đức Chúa Trời phán: “Nước dưới bầu trời phải tụ lại một nơi và phải có chỗ khô cạn xuất hiện” (Sáng-thế Ký 1:9). Theo tiếng phán của Chúa, nước lập tức rút lui (câu 7), tụ lại thành biển, có ranh giới rõ ràng để nước không phủ khắp đất nữa (câu 9). Núi và thung lũng xuất hiện ở những vị trí mà Đức Chúa Trời sắp đặt cho chúng (câu 8).
Những câu hỏi về sự sáng tạo có lẽ thường xuyên xuất hiện trong đầu trẻ con. Được ba mẹ cho đi tắm biển, trẻ con kinh ngạc khi trước mặt mình mênh mông là nước, rồi chúng tự hỏi: “Sao nước nhiều như vậy mà đến đây thì nước ngừng lại!?” Các em nhỏ cũng thắc mắc: “Sao có những ngọn núi cao như vậy, mà lại có những nơi trũng sâu?” Khi biết được trái đất các em đang sống là một trong vô vàn tinh tú treo lơ lững trong không trung theo một trật tự nhất định, và nhất là các em không hề hấn gì trong khi trái đất vẫn không ngừng xoay và chuyển động quanh mặt trời, các em không thể kiềm chế óc tò mò: “Sao có thể như vậy!?”
Là người lớn, chúng ta sẽ trả lời như thế nào trước những thắc mắc nầy của con, cháu mình? Chúng ta sẽ trả lời dựa trên những kiến thức khoa học hay niềm tin Cơ Đốc? Chúng ta cần biết rằng hai lãnh vực nầy không mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, khoa học không sáng tạo mà chỉ tìm hiểu và khám phá những quy luật Đức Chúa Trời đã đặt ra; Đức Chúa Trời là Đấng vô hạn còn khoa học luôn bị giới hạn; Đức Chúa Trời là chân lý còn khoa học thường sai lầm, luôn phải điều chỉnh.
Những câu hỏi nêu trên không chỉ là câu hỏi của trẻ con, mà là thắc mắc về những vấn đề cơ bản mà đôi khi người lớn xem thường, không để ý và cho đó là chuyện đương nhiên. Chúng ta cần quan tâm để có cơ hội giãi bày cho các em chân lý cơ bản về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, giúp các em nhận biết về Đấng Tạo Hóa của cả vũ trụ và Đấng Cứu Chuộc của chính các em.
Trước những câu hỏi tương tự, bạn sẽ giải đáp như thế nào cho con, cháu mình?
Lạy Chúa, xin giúp con nắm bắt cơ hội để trung tín truyền dạy những chân lý về sự sáng tạo và chính Ngài cho con, cháu mình cũng như những người chung quanh.
(c) 2024 svtk.net