“Đa-vít cất cho mình những cung đền tại thành Đa-vít, và sắm sửa một nơi cho hòm của Đức Chúa Trời, cùng dựng nhà trại cho hòm ấy” (câu 1).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Đa-vít đã xây dựng những công trình nào? Tại sao? Vua chọn ai để khiêng Hòm Giao Ước của Chúa? Những người được dự phần trong sự thờ phượng Chúa cần phải làm gì?
Nhờ ơn Chúa ban, Vua Đa-vít chinh phục được kẻ thù, vương quốc Ít-ra-ên trở nên cường thịnh và giờ đây vua xây dựng cung điện cho kinh đô mình. Nghĩ đến vinh quang của Đức Chúa Trời, là Đấng phù hộ mình, vua quyết định xây dựng một nơi riêng biệt đặng để Hòm Giao Ước của Chúa, vì Hòm đó được xem là biểu tượng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa dân Ít-ra-ên. Vua Đa-vít cảm thấy bất an nếu chỉ thụ hưởng hạnh phúc của mình mà không quan tâm gì đến biểu tượng về sự hiện diện của Chúa. Trong sinh hoạt đời thường của người Cơ Đốc, người tin Chúa luôn luôn nghĩ đến vinh quang của Chúa đi đôi với việc nghĩ về phúc lợi hàng ngày của mình. Đời sống thờ phượng Chúa không chỉ là sự tuân giữ các nghi lễ trong những ngày thánh nhật, nhưng tinh thần thờ phượng đó cũng chan chứa trong các sinh hoạt hằng ngày; chính Đức Chúa Trời rất muốn tham dự trong các sinh hoạt của chúng ta.
Trong lần đầu ra đón Hòm Giao Ước từ người Phi-li-tin trả về, Vua Đa-vít và toàn dân đã học được bài học về sự thất bại của mình (I Sử-ký 13). Giờ đây, Vua Đa-vít tập hợp những người thuộc bộ tộc Lê-vi để khiêng Hòm Giao Ước đến chỗ được sắm sẵn, tất cả có 862 thầy tế lễ thuộc con cháu của A-rôn và Lê-vi được chọn ra cho công tác nầy. Không ai khác được đụng đến Hòm Giao Ước, ngoại trừ người Lê-vi, vì họ là bộ tộc được Chúa biệt riêng cho sự phục vụ nơi Đền Thánh. Trong Hội Thánh ngày nay cũng có những chức vụ Chúa đã lập ra cho sự thờ phượng. Dù trong lãnh vực nào, người phục vụ cũng phải nhận biết tiếng gọi của Chúa cho mình, để dâng vinh quang lên Đức Chúa Trời qua công việc mình đảm trách (Rô-ma 12:6-8).
Vua Đa-vít căn dặn các trưởng tộc và người Lê-vi phải thanh tẩy mình trước khi bước vào trong công tác phục vụ nhà Chúa. Ngày nay, chúng ta phải thanh tẩy đời sống mình bằng Lời Chúa, có thì giờ biệt riêng cho Chúa song song với thì giờ sinh hoạt của mình, biệt riêng tài chánh cho Chúa trong nguồn thu nhập của mình, tham gia công tác phục vụ nhà Chúa bên cạnh những công việc và thú vui của mình, v.v.... Tất cả sự thanh tẩy và biệt riêng đó nói lên đời sống mình đã thuộc về Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu sự thờ phượng không phải chỉ là giữ những lễ nghi trong ngày Chúa Nhật nơi đền thờ, nhưng mỗi ngày trong đời sống, con vẫn thờ phượng Chúa. Xin dạy con luôn luôn có sẵn chỗ cho Chúa trong lòng mình.
(c) 2024 svtk.net