“Người phụ nữ đáp: Thưa Chúa, không ai cả. Đức Chúa Giê-xu phán: Ta cũng không kết án chị đâu, hãy đi, đừng phạm tội nữa” (câu 11 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Sau lễ Lều Tạm kết thúc, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si có mưu đồ gì với Chúa Giê-xu? Họ làm gì để thử Ngài, và với mục đích gì? Bạn thường có thái độ, hành động nào với tội lỗi của mình? Của người khác? Bạn học được điều gì qua bài học nầy?
Sau khi lễ Lều Tạm kết thúc, đoàn dân trở về nhà riêng mình. Dù đại đa số khước từ Chúa Giê-xu, nhưng một số người đã gặp mặt đối mặt với Ngài và tin cậy Ngài, đó là lý do những lãnh đạo Do Thái càng cương quyết tiêu diệt Chúa Giê-xu. Họ xem Ngài là mối đe dọa tôn giáo và nếp sống của họ. Họ tìm cách gài bẫy Chúa Giê-xu để có cớ kết tội Ngài. Họ đem một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội tà dâm để xem Chúa Giê-xu giải quyết vấn đề nầy như thế nào. Theo Luật Pháp Môi-se, nếu một người phạm tội tà dâm mà có chứng cớ rõ ràng, thì người đó phải bị ném đá chết. Họ muốn xem Chúa Giê-xu phạm Luật Pháp Môi-se thế nào vì Ngài thường nói đến tình thương và sự tha thứ. Nếu Chúa mâu thuẫn với Luật Môi-se trong khi giải quyết tội lỗi của người phụ nữ thì họ sẽ kêu gọi dân chúng đứng lên chống lại Ngài.
Chúa Giê-xu đã biết ý đồ của họ, nên Ngài yên lặng, cúi xuống và lấy ngón tay viết trên đất (câu 6). Khi họ áp lực để Ngài trả lời thì Ngài phán: “Ai trong các ngươi là người không có tội, hãy lấy đá ném vào chị ấy trước đi.” Chúa Giê-xu muốn mọi người biết rằng chỉ có những người không phạm tội mới có quyền kết án. Như vậy, Chúa đã ủng hộ Luật Pháp Môi-se. Sau khi nghe Chúa nói, những người có tuổi bỏ đi trước, kế sau là những người trẻ tuổi và không ai dám ném đá người phụ nữ phạm tội. Chúa không nói nên tha người phụ nữ nầy khỏi án phạt của Luật Pháp, nhưng Chúa muốn mỗi người nhìn lại chính mình, xét những tội mình đã phạm trước. Muốn kết án người khác thì chính bản thân mình phải thanh sạch trước . Những người bắt phụ nữ nầy bị chính lương tâm mình cáo trách. Vì vậy họ rời nơi đó. Khi Chúa nói với người phụ nữ “hãy đi và đừng phạm tội nữa” có nghĩa Ngài xác nhận chị đã phạm tội, nhưng Ngài giúp cho chị cơ hội ăn năn, quay khỏi con đường tội lỗi. Yêu thương là giúp người có tội thấy được tội và ăn năn chứ không phải kết án hay thỏa hiệp.
Bạn có thường biện minh cho tội lỗi của mình, nhưng lại dễ kết án người khác không? Bạn cư xử thế nào với một người phạm tội tỏ tường? Kết án? Dung dưỡng? Thỏa hiệp? Hay bỏ mặc không quan tâm?
Lạy Chúa Giê-xu, con cầu xin Ngài thăm viếng con, tha thứ mọi tội lỗi của con và giúp con đừng tái phạm những tội lỗi mà con đã từng phạm, xin cho con có cái nhìn yêu thương, rộng lượng với người khác.
(c) 2024 svtk.net