1 Khi Đức Chúa Jêsus đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt, có mấy thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem, 2 mà hỏi rằng: Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài. 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rốt cùng cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối. 4 Vua bèn nhóm các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân lại mà tra hỏi rằng Đấng Christ phải sanh tại đâu. 5 Tâu rằng: Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê; vì có lời của đấng tiên tri chép như vầy: 6 Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa! Thật ngươi chẳng phải kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu, Vì từ ngươi sẽ ra một tướng, Là Đấng chăn dân Y-sơ-ra-ên, tức dân ta.
7 Vua Hê-rốt bèn vời mấy thầy bác sĩ cách kín nhiệm, mà hỏi kỹ càng về ngôi sao đã hiện ra khi nào. 8 Rồi vua sai mấy thầy đó đến thành Bết-lê-hem, và dặn rằng: Các ngươi hãy đi, hỏi thăm cho chắc về tích con trẻ đó; khi tìm được rồi, hãy cho ta biết, đặng ta cũng đến mà thờ lạy Ngài.
9 Mấy thầy nghe vua phán xong, liền đi. Kìa, ngôi sao mà họ đã thấy bên đông phương, đi trước mặt cho đến chừng ngay trên chỗ con trẻ ở mới dừng lại. 10 Mấy thầy thấy ngôi sao, mừng rỡ quá bội. 11 Khi vào đến nhà, thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài; rồi bày của báu ra, dâng cho Ngài những lễ vật, là vàng, nhũ hương, và mộc dược. 12 Kế đó, trong giấc chiêm bao, mấy thầy được Đức Chúa Trời mách bảo đừng trở lại nơi vua Hê-rốt; nên họ đi đường khác mà về xứ mình.
1. Có bao nhiêu bác sĩ đi tìm Chúa Giê-xu để thờ lạy? Tại sao người ta thường nói có ba bác sĩ?
2. Các “bác sĩ” trong phân đoạn nầy là người làm công việc gì?
3. Các bác sĩ đi tìm Chúa Giê-xu mới sinh với mục đích gì? Họ có được toại nguyện không?
4. Lễ vật các bác sĩ dâng cho Chúa là gì? Mang ý nghĩa gì?
5. Xin so sánh việc thờ lạy Chúa của các bác sĩ với việc gọi là “thờ lạy” của vua Hê-rốt (c. 8b)?
6. Xin viết ra một bài học áp dụng từ phân đoạn Kinh Thánh nầy.
Câu chuyện được ghi lại trong Ma-thi-ơ Chương 2 có lẽ xảy ra khoảng một hay hai năm sau khi Chúa giáng sinh (c. 16). Vua Hê-rốt được nhắc đến ở đây là Hê-rốt Đại Đế, vị vua nổi tiếng về xây dựng nhưng cũng rất tàn ác. Ông là người Ê-đôm (dòng dõi của Ê-sau), được chính quyền La-mã đặt cai trị vùng Giu-đê từ năm 37 đến 4 T.C. Để lấy lòng người Do-thái, Hê-rốt đã cho xây ngôi đền thờ Giê-ru-sa-lem tráng lệ (Giăng 2:20) và nhiều công trình kiến trúc vĩ đại khác. Nhưng cũng chính Hê-rốt vì lo sợ vô cớ đã giết hai con của mình và sắp xếp trước để xử tử hàng trăm người trong ngày mình chết để có người khóc than (lệnh nầy đã không được thi hành).
Bác sĩ là những chuyên gia nghiên cứu về việc vận hành của các vì sao để tiên đoán vận mệnh của các nước. Từ Điển Hy-Anh của Bauer, Arndt, Gingrich và Danker (BAGD) định nghĩa bác sĩ là “nhà thông thái và tư tế người Ba-tư hay Ba-by-lôn chuyên về khoa chiêm tinh, giải mộng và các nghệ thuật huyền bí.” Đông phương là một từ tổng quát nhưng có lẽ ám chỉ Ba-by-lôn, trong vùng Lưỡng Hà. Con dân Chúa từng bị lưu đày tại Ba-by-lôn nên có lẽ phần Kinh Thánh Dân số ký 24:17b nói về “một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp” đã được các chuyên gia nầy biết đến và do đó họ đã theo vì sao lạ đi tìm Chúa để tôn thờ.
Có nhiều giả thuyết về ngôi sao đã hiện ra: sao chổi, siêu sao (supernova) hay hiện tượng sao Mộc và sao Thổ kết hợp với nhau... Dù là lối giải thích nào, chúng ta biết chắc chắn đây là một hiện tượng đặc biệt Đức Chúa Trời đã tạo ra để hướng dẫn các bác sĩ đi tìm Chúa giáng sinh. Có thể nói, các thiên thần đã hiện ra cho các mục đồng Do-thái tại Bết-lê-hem (Lu-ca 2:8-20) thể nào thì ngôi sao lạ cũng đã hướng dẫn các bác sĩ (đại diện cho Dân Ngoại) tìm đến với Chúa như vậy. Phúc Âm phổ quát của Đức Chúa Trời được loan báo cho toàn cầu, cho toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc.
Các bác sĩ đến Giê-ru-sa-lem là điều tự nhiên vì vua thì phải sinh ra ở kinh đô. Nhưng việc họ ghé lại kinh đô để hỏi thăm đã khiến vua Hê-rốt và Giê-ru-sa-lem bối rối. Hê-rốt không phải là người Giu-đa, ông đã được người La-mã lập lên làm vua, bây giờ nghe có “vua Giu-đa” mới sinh. Đây là điều khiến cho Hê-rốt lo sợ. Cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối cũng không phải là điều quá đáng vì chắc hẳn khi các bác sĩ đặt câu hỏi, tin tức đã truyền từ người nầy đến người khác, đến tận cung điện vua. Và vì biết rõ tính tình của Hê-rốt, dân chúng hẳn phải lo sợ và bối rối rất nhiều!
Những người vua Hê-rốt triệu tập để hỏi về nơi sinh của “vua Giu-đa” (cũng chính là Vị Cứu Tinh, “Đấng Christ”) là các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo (c. 4). Thường thì trong dân chúng chỉ có một thầy tế lễ cả, nhưng đây nói các thầy tế lễ cả vì có những thầy tế lễ cả dù không còn tại chức nhưng vì là chức vụ trọn đời nên vẫn còn được gọi bằng danh hiệu đó. Các sử gia cũng cho biết là những chức vụ như quan cai đền thờ, vị tư tế hướng dẫn việc tế lễ hàng tuần hay thầy tế lễ đặc trách về tài chánh cũng được gọi là thầy tế lễ cả. Nói chung, các thầy tế lễ cả là những người quan trọng tại đền thờ Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ. Thầy thông giáo nói đến các chuyên gia Kinh Thánh, những người chuyên nghiên cứu Thánh Kinh Cựu Ước để giải nghĩa cho dân chúng.
Câu trả lời nhanh chóng của các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo với trích dẫn rõ ràng về nơi sinh của Chúa Cứu Thế (c. 5-6) chứng tỏ họ thông thạo Kinh Thánh nhưng lại thiếu đi lòng tin với những hiểu biết của mình. Một tác giả đã viết: “Y-sơ-ra-ên biết chính xác Vua dân Giu-đa sẽ sinh tại đâu, nhưng Dân Ngoại là người đến tôn thờ Chúa trước!”
Những chữ kín nhiệm, kỹ càng (c. 7) và cho chắc (c. 8) cho thấy vua Hê-rốt có thể đang có mưu định để khai trừ vị “vua Giu-đa” mới ra đời. Hỏi kỹ càng về ngôi sao đã hiện ra khi nào hàm ý nhà vua muốn biết rõ thời gian chính xác lúc hài nhi sinh ra. Hỏi thăm cho chắc về tích con trẻ nghĩa là “dò hỏi thật kỹ về con trẻ” (Bản Hiệu Đính): cẩn thận và chính xác! Cách dùng chữ cũng trong câu đặng ta cũng đến mà thờ lạy Ngài là cách Hê-rốt nói như thể ông có lòng thành, có cùng một động cơ thờ lạy như ý định tìm kiếm tôn thờ của các nhà thông thái!
Hai câu 9-10 cho thấy niềm vui đặc biệt của các nhà thông thái (mừng rỡ quá bội) khi nhận ra ngôi sao họ thấy lần đầu bên Đông phương cũng chính là ngôi sao giờ đây hướng dẫn họ đến tận nơi Con Trẻ ra đời. Nơi các nhà thông thái gặp Chúa là nhà (khi vào đến nhà), gợi ý là Ma-ri và Giô-sép đã dời chỗ ở sau đêm mục đồng đến gặp Chúa vì Lu-ca cho biết lúc sinh ra, Chúa được đặt nằm trong máng cỏ (Lu-ca 2: 7). Tuy nhiên cũng có thể là Lu-ca nói về nơi Chúa nằm lúc mới sinh, còn nhà là khung cảnh nhà tạm, nhà của người nghèo, với chuồng súc vật chung dưới cùng một mái nhà.
Hai điều các nhà thông thái đã làm để thờ lạy Chúa là sấp mình (“phủ phục,” Bản HĐ) và dâng cho Ngài những lễ vật, nói đến việc thờ phượng được thể hiện trong hành động và lễ vật. Hành động phủ phục bày tỏ tấm lòng khiêm nhường tôn thờ và lễ vật là các của báu: vàng, nhũ hương và mộc dược. Một số nhà giải nghĩa Kinh Thánh cho rằng các lễ vật nầy mang những ý nghĩa đặc biệt (vàng: quân vương, nhũ hương: thần tính, mộc dược: thương khó và chết) nhưng không nhất thiết như vậy. Đây là những lễ vật cho thấy lòng sùng kính của các nhà thông thái đối với Chúa Giê-xu qua những món quà quý giá nhất của địa phương họ. Mục đích chính của các nhà thông thái khi đi tìm Chúa là thờ lạy (c. 2). Họ đã tìm gặp Chúa và thờ lạy Ngài với tấm lòng sùng kính (sấp mình xuống) và hành động cụ thể (dâng lễ vật). Việc thờ phượng Chúa của chúng ta cũng cần có đủ hai yếu tố quan trọng nầy: sùng kính và cụ thể; thành thật trong lòng và bày tỏ trong hành động: dâng lễ vật cụ thể.