Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 4

2:13-23 - LÁNH NẠN VÀ HỒI HƯƠNG

13 Sau khi mấy thầy đó đi rồi, có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm bao, mà truyền rằng: Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trốn qua nước Ê-díp-tô, rồi cứ ở đó cho tới chừng nào ta bảo ngươi; vì vua Hê-rốt sẽ kiếm con trẻ ấy mà giết. 14 Giô-sép bèn chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài đang ban đêm lánh qua nước Ê-díp-tô. 15 Người ở đó cho tới khi vua Hê-rốt băng, hầu cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: Ta đã gọi Con ta ra khỏi nước Ê-díp-tô.

16 Vua Hê-rốt thấy mình đã bị mấy thầy bác sĩ đánh lừa, thì tức giận quá, bèn sai giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bết-lê-hem và cả hạt, theo đúng ngày tháng mà mấy thầy bác sĩ đã cho vua biết. 17 Vậy là ứng nghiệm lời đấng tiên tri Giê-rê-mi đã nói rằng: 18 Người ta có nghe tiếng kêu la, phàn nàn, than khóc trong thành Ra-ma: Ấy là Ra-chen khóc các con mình, mà không chịu yên ủi, vì chúng nó không còn nữa.

19 Nhưng sau khi vua Hê-rốt băng, có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm bao, tại nước Ê-díp-tô, mà truyền rằng: 20 Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trở về xứ Y-sơ-ra-ên, vì những kẻ muốn giết con trẻ đã chết rồi. 21 Giô-sép bèn chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trở về xứ Y-sơ-ra-ên. 22 Song khi nghe vua A-chê-la-u nối ngôi vua cha là Hê-rốt mà trị vì tại xứ Giu-đê, thì Giô-sép sợ, không dám về; và bởi đã được Đức Chúa Trời mách bảo trong chiêm bao, nên người vào xứ Ga-li-lê, 23 ở trong một thành kia tên là Na-xa-rét. Vậy là ứng nghiệm lời mấy đấng tiên tri đã nói rằng: Người ta sẽ gọi Ngài là người Na-xa-rét.

 

1. Xin đọc Ma-thi-ơ 1:20; 2:12, 13, 19, 22 và cho biết điểm giống nhau trong các câu nầy? Điều nầy dạy chúng ta điều gì về sự hướng dẫn của Chúa trong đời sống?

2. Xin cho biết những sự dẫn dắt của Chúa trong Ma-thi-ơ 2:12, 13, 19-20 và 22-23.

3. Ngày nay, Chúa dẫn dắt chúng ta như thế nào? Làm sao chúng ta biết được ý Chúa để vâng theo?

4. Việc Đức Chúa Trời bảo vệ tạo vật và tể trị chương trình của Ngài được gọi là ơn thần hựu. Chúng ta thấy được gì về ơn thần hựu của Đức Chúa Trời trong phân đoạn nầy?

 

Chúng ta thấy được chương trình và sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời trong suốt Ma-thi-ơ 2. Trước hết, Chúa dùng ngôi sao bên Đông phương hướng dẫn các nhà thông thái đến tôn thờ ấu vương (c. 1). Qua những diễn tiến tại Giê-ru-sa-lem với sự giúp đỡ của vua Hê-rốt, các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo, họ đã có thể đến Bết-lê-hem để thờ lạy và dâng lễ vật cho Ngài. Cuối cùng, họ lại được Chúa hướng dẫn để đi đường khác mà về xứ mình (c. 12). Tiếp theo, chúng ta thấy Giô-sép được thiên sứ hướng dẫn để đưa Ma-ri và Chúa Hài Đồng sang lánh nạn tại Ai-cập. Sau đó ông lại được Chúa hướng dẫn trở về sống tại Na-xa-rét (c. 19-23). Có lẽ chúng ta cũng ước mong được Chúa hướng dẫn như vậy để không có những quyết định sai lầm trong đời sống. Những phương tiện Đức Chúa Trời dùng để hướng dẫn các nhà thông thái và Giô-sép trong phân đoạn nầy là hiện tượng thiên nhiên (ngôi sao), con người (vua Hê-rốt, các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo), những giấc chiêm bao (c. 12, 13, 19, 22). Đối với chúng ta ngày nay thì sao? Chúa dẫn dắt chúng ta như thế nào?

Ngày nay có khi Đức Chúa Trời vẫn còn dẫn dắt chúng ta qua những phương tiện tương tự, nhưng chủ yếu, Chúa dẫn dắt chúng ta qua Lời mạc khải của Ngài trong Kinh Thánh cùng với đức tin và tấm lòng sẵn sàng làm theo ý muốn Chúa của chúng ta. Để biết được ý Chúa, chúng ta phải thường xuyên đọc Lời Chúa, để Lời Chúa trở thành một phần của đời sống, như vậy chúng ta sẽ cảm nhận sự hướng dẫn của Chúa dễ dàng. Chúa có thể dùng hoàn cảnh hay người chung quanh để hướng dẫn chúng ta, nhưng quan trọng hơn cả là sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh qua Lời Kinh Thánh chúng ta đọc hằng ngày cùng với tấm lòng vâng phục, sẵn sàng làm theo ý muốn Chúa.

Những trường hợp ơn thần hựu, dẫn dắt của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra trong câu chuyện nầy là:

1. Các nhà thông thái được Chúa mách bảo đừng trở lại nơi vua Hê-rốt, nên họ đi đường khác mà về xứ mình (c. 12). Mách bảo mang ý nghĩa cảnh cáo, thông báo để cẩn thận coi chừng. Điều nầy cho thấy Chúa biết trước ác ý của Hê-rốt và thông báo cho các nhà thông thái để tránh nguy hại có thể xảy ra cho họ.

2. Giô-sép được lệnh truyền phải đem Ma-ri và Chúa Hài Đồng sang Ai-cập lánh nạn (c. 13-15). Thông báo nầy giúp bảo vệ sinh mạng Chúa khỏi kẻ thù nhưng đồng thời Ma-thi-ơ cũng cho thấy là để ứng nghiệm lời tiên tri trong Ô-sê 11:1. Lời tiên tri nầy chỉ về dân Y-sơ-ra-ên, tuy nhiên ở đây được áp dụng cho Chúa Giê-xu. Chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời xuyên qua Kinh Thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước, tất cả đều ứng nghiệm và hoàn thành qua Chúa Giê-xu. Nước Ê-díp-tô tượng trưng cho nô lệ tội lỗi, Chúa Giê-xu đã gánh tội lỗi thay cho chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Việc Chúa Giê-xu vào Ê-díp-tô rồi ra khỏi Ê-díp-tô nói lên việc giải phóng đó. Việc con dân Chúa ra khỏi Ê-díp-tô ngày xưa là hình bóng được hình thành qua Chúa Giê-xu. Đây cũng là lần đầu tiên trong Ma-thi-ơ, Chúa Giê-xu được nhắc đến trong danh hiệu Con Đức Chúa Trời (Con Ta).

3. Giô-sép được lệnh đem gia đình về lại Y-sơ-ra-ên và được hướng dẫn cư ngụ tại Na-xa-rét (c. 19-23). Việc gia đình của Chúa về sống tại Na-xa-rét được mô tả, Vậy là ứng nghiệm lời mấy đấng tiên tri đã nói rằng: Người ta sẽ gọi Ngài là người Na-xa-rét (c. 23) dầu trong Cựu Ước không có lời tiên tri nào như vậy cả! Nếu để ý chúng ta sẽ thấy câu, Vậy là ứng nghiệm lời mấy đấng tiên tri đã nói, khác với những lời trích dẫn trước vì có chữ mấy trước chữ đấng tiên tri (mấy chỉ số nhiều, không phải là lời của một vị tiên tri). Điều nầy cho thấy Ma-thi-ơ kết hợp nhiều lời tiên tri lại với nhau trong ý nghĩa Chúa bị xem thường, coi khinh với danh hiệu người Na-xa-rét. Nếu được gọi là “người Bết-lê-hem,” người ta sẽ hiểu ngay là người thuộc hoàng tộc Đa-vít, còn “người Na-xa-rét” mang ý nghĩa tầm thường, không có gì đặc biệt (Giăng 1:46). Chữ chồi trong Ê-sai 11:1 (lời tiên tri về Chúa Giê-xu) được viết với các phụ âm tương tự như chữ Na-xa-rét, cho nên cũng có thể Ma-thi-ơ đã nói ứng nghiệm trong ý nghĩa đó. Tuy nhiên, việc Chúa bị coi thường, coi khinh, bị gọi là người Na-xa-rét, ứng nghiệm với ý của nhiều lời tiên tri kết hợp lại là thích hợp hơn.

Một phần khác, được gọi là ứng nghiệm lời đấng tiên tri  là câu chuyện vua Hê-rốt tàn sát các trẻ sơ sinh tại Bết-lê-hem (c. 16-18). Một số nhà phê bình cho rằng câu chuyện nầy không có thật vì không có sử sách nào ghi lại cả. Tuy nhiên, biết tính tàn ác của vị vua nầy, không có gì đáng nghi ngờ về sự việc nầy. Vua Hê-rốt nổi tiếng là tàn ác, đã từng sát hại ngay cả vợ và con của mình nên việc giết trẻ con trong vùng Bết-lê-hem chỉ là chuyện nhỏ. Hơn nữa, Bết-lê-hem và vùng phụ cận là một khu vực nhỏ bé nên số con trai từ hai tuổi sấp xuống cũng không nhiều. Việc 10-20 trẻ em bị giết không phải là một biến cố lớn lúc bấy giờ! Ma-thi-ơ nối kết biến cố nầy với lời trong tiên tri Giê-rê-mi 31:15 với chủ đích nói lên việc khóc than của các bà mẹ tại Bết-lê-hem lúc ấy tương tự như việc Ra-chên là mẹ của Y-sơ-ra-ên (như cách chúng ta nói “Mẹ Việt Nam”) than khóc người Y-sơ-ra-ên lúc họ bị lưu đày.

Ma-thi-ơ 2 cho chúng ta thấy những điều sau:

1. Sự dẫn dắt và ơn thần hựu của Đức Chúa Trời lúc Chúa Giê-xu giáng sinh đã hướng dẫn Dân Ngoại đến tôn thờ Chúa.

2. Dù âm mưu thâm độc của kẻ thù, Đức Chúa Trời có chương trình để bảo vệ con dân Ngài và chương trình của Ngài.

3. Lòng thành kính tôn thờ của các nhà thông thái thể hiện qua việc tìm kiếm Chúa, phủ phục trước mặt Chúa và dâng hiến lễ vật quý giá là mẫu mực tôn thờ chúng ta cần bắt chước.

4. Cả Kinh Thánh là lịch sử cứu chuộc, báo trước trong Cựu Ước và hoàn thành trong Tân Ước, qua Chúa Giê-xu. Đức tin của chúng ta đặt trên lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-xu, Đấng làm cho Lời của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm.