13 Khi ấy, Đức Chúa Jêsus từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, đặng chịu người làm phép báp-tem. 14 Song Giăng từ chối mà rằng: Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-têm, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: 15 Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài. 16 Vừa khi chịu phép báp-têm rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài. 17 Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.
1. Xin dùng một bản đồ trong Kinh Thánh và cho biết hành trình của Chúa Giê-xu “từ xứ Ga-li-lê đến... sông Giô-đanh” là hành trình như thế nào?
2. Tại sao Giăng từ chối làm báp-têm cho Chúa Giê-xu?
3. Chúa Giê-xu bảo Giăng làm báp-têm cho Ngài với lý do là “vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy (c. 15a). “Việc công bình” Chúa Giê-xu nói đây là gì?
4. Có ngụ ý gì về Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong phần Kinh Thánh nầy?
5. Lời Đức Chúa Trời cho Chúa Giê-xu trong câu 17 mang ý nghĩa gì?
Vùng Palestine trong thời Chúa Giê-xu chia làm ba phần chính: Ga-li-lê ở phía Bắc, Sa-ma-ri ở giữa và Giu-đê ở phía Nam. Chúa Giê-xu sinh ra tại Bết-lê-hem, thuộc vùng Giu-đê. Sau khi lánh nạn tại Ai-cập trở về, gia đình Chúa cư ngụ tại Na-xa-rét thuộc vùng Ga-li-lê. Giăng 1:28 cho biết địa điểm Giăng làm phép báp-têm là “Bê-tha-ni bên kia sông Giô-đanh.” Các bằng chứng khảo cổ cho thấy địa điểm nầy nằm ở bờ phía Đông sông Giô-đanh, đối ngang với Giê-ri-cô. Như vậy, Chúa Giê-xu đã từ vùng Ga-li-lê ở phía Bắc đi xuống vùng Giu-đê ở phía Nam và đến với Giăng tại sông Giô-đanh về phía Đông.
Việc Giăng từ chối không chịu làm phép báp-têm cho Chúa Giê-xu là điều dĩ nhiên vì ông biết rõ chính mình và ý thức tính cách cao trọng của Chúa Giê-xu. Câu nói của Giăng, Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-têm, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao! (c. 14) cho thấy rõ điều đó. Những chữ chính tôi... mà Ngài có ý nhấn mạnh: tôi là người cần Chúa làm phép báp-têm chứ không phải Chúa cần tôi làm báp-têm! Dù Giăng làm báp-têm cho người khác nhưng ông cũng ý thức nhu cầu được Chúa làm báp-têm cho mình (tôi cần). Chỉ một mình Chúa Giê-xu là Đấng vô tội mới không cần phải ăn năn và chịu báp-têm nhưng Chúa Giê-xu lại nói với Giăng: Chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy (c. 15). Việc công bình là việc gì mà Chúa nói nên làm cho trọn?
Làm cho trọn là thành ngữ được dùng nhiều lần trong Phúc Âm Ma-thi-ơ hàm ý làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu Ước. Ê-sai 53:11 ghi, “Tôi tớ công bình của Ta sẽ lấy sự thông biết về mình làm cho nhiều người được xưng công bình và người sẽ gánh lấy tội lỗi họ.” “Chúa Giê-xu có thể đứng đó với Giăng, kêu gọi mọi người ăn năn và làm phép báp-têm cho họ. Trái lại, Ngài đã cùng đứng với những tội nhân, kể mình làm một với họ và để cho Giăng làm phép báp-têm cho mình” (Leon Morris). Để khiến tội nhân trở nên công chính, Chúa Giê-xu phải mang tội của mọi người và chịu chết thay cho họ. Cùng chịu báp-têm với mọi người, Chúa Giê-xu cho thấy vai trò cứu chuộc của Ngài, phù hợp với sự công chính của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu cũng nói: Bây giờ cứ làm đi, hàm ý đây là điều nên làm ở thời điểm nầy. Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ của Ngài với hình ảnh hòa mình làm một với tội nhân để cứu tội nhân là hình ảnh thích hợp. Bây giờ cũng hàm ý tương lai là chuyện khác, còn hiện nay, ở thời điểm bắt đầu của chức vụ, Chúa Giê-xu cần chịu báp-têm để làm ứng nghiệm lời tiên tri.
Sự hiện diện của cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời cùng một lúc trong phân đoạn nầy cho thấy Đức Chúa Trời có Ba Ngôi riêng biệt, dù Đức Chúa Trời chỉ có một: (1) Ngôi II: Chúa Giê-xu chịu báp-têm. (2) Ngôi III: Đức Thánh Linh ngự xuống trên Chúa như chim bồ câu và: (3) Ngôi I: Tiếng phán từ trên trời là tiếng của Đức Chúa Cha vì Ngài phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng (c. 17). Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu đậu trên Ngài. Bồ câu thường là biểu hiện của nhân từ, hiền lành, mềm mại. Câu nầy hàm ý thần linh yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời ngự trên Ngài và trong Ngài để thi hành chức vụ.
Lời phán của Đức Chúa Cha từ trời cho thấy chức vụ của Chúa Giê-xu đến từ trời và Ngài đang thi hành đúng chương trình của Đức Chúa Cha. Con yêu dấu của Ta được dùng ở đây như một danh hiệu của Chúa Giê-xu. Chỉ một mình Chúa Giê-xu được gọi bằng danh hiệu nầy cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Đức Chúa Cha thỏa lòng nơi Chúa Giê-xu là Đấng thi hành đúng ý chỉ của Cha (đẹp lòng Ta mọi đàng). Câu nầy gợi ý Thi thiên 2:7 và Ê-sai 42:1.
Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ của Ngài với lễ báp-têm để kể mình làm một với loài người. Và trong lễ báp-têm, Chúa Giê-xu được Đức Chúa Cha chứng thực với sự hiện diện của Chúa Thánh Linh và lời phán hài lòng của Ngài.