12 Vả, khi Đức Chúa Jêsus nghe Giăng bị tù rồi, thì Ngài lánh qua xứ Ga-li-lê. 13 Ngài bỏ thành Na-xa-rét mà đến ở thành Ca-bê-na-um, gần mé biển, giáp địa phận xứ Sa-bu-lôn cùng xứ Nép-ta-li, 14 để cho ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng:
15 Đất Sa-bu-lôn và Nép-ta-li,
Ở về trên con đường đi đến biển, bên kia sông Giô-đanh,
Tức là xứ Ga-li-lê thuộc về dân ngoại,
16 Dân ấy ngồi chỗ tối tăm, đã thấy ánh sáng lớn;
Và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết,
Thì ánh sáng đã mọc lên.
17 Từ lúc đó, Đức Chúa Jêsus khởi giảng dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.
18 Khi Ngài đang đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy hai anh em kia, là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, với em là Anh-rê, đang thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá. 19 Ngài phán cùng hai người rằng: Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người. 20 Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài. 21 Từ đó đi một đỗi xa xa nữa, Ngài thấy hai anh em khác, là Gia-cơ, con của Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang cùng cha mình là Xê-bê-đê vá lưới trong thuyền; Ngài bèn gọi hai người. 22 Tức thì hai người đó bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài.
23 Đức Chúa Jêsus đi khắp xứ Ga-li-lê, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng Tin Lành của nước Đức Chúa Trời và chữa lành mọi thứ tật bịnh trong dân. 24 Vậy, danh tiếng Ngài đồn ra khắp cả xứ Sy-ri, người ta bèn đem cho Ngài mọi người đau ốm, hay là mắc bịnh nọ tật kia, những kẻ bị quỉ ám, điên cuồng, bại xuội, thì Ngài chữa cho họ được lành cả. 25 Vả lại, từ xứ Ga-li-lê, xứ Đê-ca-bô-lơ, thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, cho đến xứ bên kia sông Giô-đanh, thiên hạ kéo nhau rất đông mà theo Ngài.
1. Xin cho biết thời điểm và địa điểm Chúa Giê-xu thi hành chức vụ và ý nghĩa của hai điều nầy.
2. Lời tiên tri trong Ê-sai được ứng nghiệm như thế nào trong phân đoạn nầy?
3. Xin đọc lại Ma-thi-ơ 3:2 và so sánh lời giảng của Chúa Giê-xu và của Giăng.
4. Xin so sánh việc Chúa kêu gọi Phi-e-rơ/Anh-rê và Gia-cơ/Giăng.
5. Đánh lưới người nghĩa là gì?
6. Tại sao cả bốn môn đồ đều có thể từ bỏ mọi sự và theo Chúa cách dễ dàng như vậy?
7. Xin cho biết đặc điểm của chức vụ Chúa Giê-xu trong vùng Ga-li-lê.
Để cho ứng nghiệm lời đấng tiên tri (c. 14) là câu được nhắc lại nhiều lần trong Ma-thi-ơ. Chức vụ của Chúa Giê-xu trong vùng Ga-li-lê cũng là để làm ứng nghiệm lời tiên tri. Mốc thời gian cho chức vụ của Chúa Giê-xu là việc Giăng bị tù (c. 12). Giăng Báp-tít bị tù cũng là lúc Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ của Ngài. Ngài lánh qua xứ Ga-li-lê hàm ý Chúa tránh nguy hiểm có thể xảy ra nhưng không phải vì sợ hãi mà vì chưa đến thời điểm của Ngài. Địa bàn và thời điểm hoạt động của Chúa Giê-xu luôn luôn phù hợp với chương trình và ý định của Đức Chúa Cha như thường được nhắc đến trong Phúc Âm Giăng: “Thì giờ Ta chưa đến” (7:6). Ga-li-lê là vùng phía Bắc Palestine lúc bấy giờ, đất đai phì nhiêu, dân cư đông đúc và là ngả ba của các trục lộ giao thương. Có thể nói đây là địa điểm chiến lược.
Ga-li-lê nằm trong vùng đất được phân chia cho hai chi phái Sa-bu-lôn và Nép-ta-li trong Cựu Ước. Sở dĩ vùng nầy được gọi là xứ Ga-li-lê thuộc về dân ngoại vì từ lâu vùng nầy có nhiều giống dân khác đến cư ngụ. Có thể gọi đây là một vùng tạp chủng và thường bị người Do-thái ở Giê-ru-sa-lem khinh rẻ! Ê-sai 8:23 đã nhắc đến vùng đất nầy từ nhiều thế kỷ trước nên Ma-thi-ơ đã trích lại để cho thấy lời tiên tri nầy được ứng nghiệm trong Chúa Giê-xu khi dân ấy ngồi chỗ tối tăm, đã thấy ánh sáng lớn và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết thì ánh sáng đã mọc lên (c. 16). Chúa Giê-xu đã đến đem ánh sáng đến cho người ở vùng Ga-li-lê nầy, trong ý nghĩa đó lời tiên tri trong Ê-sai được ứng nghiệm.
Từ lúc đó (c. 17) là từ lúc Chúa từ Na-xa-rét đến cư ngụ tại Ca-bê-na-um (c. 13), bắt đầu giai đoạn mới trong chức vụ của Ngài. Lời giảng của Chúa Giê-xu và của Giăng Báp-tít giống nhau, nói về nước thiên đàng đã đến gần. Nước thiên đàng nói đến quyền cai trị của Chúa và nước đó mang hai ý nghĩa:
(1) Hiện tại, khi Chúa Giê-xu đến trần gian.
(2) Tương lai, khi Chúa thiết lập vương quốc đời đời của Ngài.
Lời giảng của Giăng mang ý nghĩa chuẩn bị còn lời giảng của Chúa Giê-xu mang ý nghĩa thực hiện, Chúa đến là để thiết lập vương quốc của Ngài. Đây là vương quốc mà chỉ những người được tha thứ tội mới được vào và sự tha thứ đó bắt đầu từ chỗ ăn năn, nghĩa là từ bỏ tội lỗi. Chính vì vậy điểm chính của lời giảng Chúa Giê-xu là ăn năn mà lý do là nước thiên đàng đã đến gần. Đây cũng là sứ điệp cho mọi thời đại: để có thể ở trong Nước Chúa, ăn năn, từ bỏ tội lỗi là điều kiện tiên quyết.
Công tác đầu tiên của Chúa Giê-xu là kêu gọi môn đệ. Bốn người đầu tiên được Chúa kêu gọi là Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng. Cả bốn người đều là ngư phủ, tất cả đều được kêu gọi lúc họ đang làm việc: Phi-e-rơ và Anh-rê đang thả lưới (c. 18); Gia-cơ và Giăng đang vá lưới (c. 21). Giăng 1:35-42 hàm ý Giăng đã từng là môn đồ của Giăng Báp-tít (sứ đồ Giăng thường không nói tên của mình trong Phúc Âm mang tên ông). Một người trong hai môn đệ của Giăng (c. 35) có thể là chính sứ đồ Giăng, người kia là Anh-rê (c. 40). Cả ba người: Giăng, Anh-rê và Phi-e-rơ đều đã gặp Chúa Giê-xu từ trước và vì vậy, khi Chúa kêu gọi, họ đã từ bỏ tất cả để theo Chúa ngay.
Chúa Giê-xu nói: Ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người hàm ý họ sẽ đem công sức để làm một việc cao quý hơn việc họ đang làm. Chúa Giê-xu nói trong ngôn ngữ họ có thể hiểu được. Thay vì đem công sức để bắt cá làm kế sinh nhai, bây giờ đi theo Chúa họ sẽ làm công tác cứu người. Một tác giả đã nói về việc đánh lưới người như sau: “Các môn đồ bây giờ không còn làm việc kéo cá ra khỏi biển hồ nhưng là kéo người ra khỏi hố sâu của tội lỗi và sự chết!” Phi-e-rơ và Anh-rê bỏ lưới mà theo Chúa, Gia-cơ và Giăng thì bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài. Các hành động nầy cho thấy một sự dứt khoát và dấn thân trong việc làm môn đệ Chúa. Thuyền và lưới nói đến đời sống, người cha nói đến quan hệ ruột thịt. Về sau, Chúa cũng phán dạy điều tương tự (10:37-39). Đó là giá chúng ta phải trả để làm môn đệ Chúa.
Các câu 23-25 cho thấy chức vụ của Chúa Giê-xu trong vùng Ga-li-lê có những đặc điểm sau:
1. Cho mọi người: “Đi khắp xứ Ga-li-lê.” Chúa Giê-xu không ở một chỗ nhưng đi khắp vùng Ga-li-lê. Điều nầy khác với các ra-bi đương thời, thường chỉ dạy một số ít môn đệ chứ không dạy dỗ rộng rãi như Chúa Giê-xu.
2. Trong nhà hội: “Nhà hội” là nơi thờ phượng cũng là nơi có các sinh hoạt tôn giáo, giáo dục và cộng đồng trong xã hội Do-thái thời bấy giờ. Thông lệ của nhà hội ở mỗi địa phương là khách đến nhà hội thường được mời để “chia sẻ” (xem Công vụ 13:15-16). Chúa Giê-xu đã dạy dỗ trong nhà hội theo phương thức nầy.
3. Bao gồm dạy dỗ, giảng Tin Lành và chữa bệnh: Điểm khác biệt giữa “dạy” và “giảng” là dạy thường theo thứ tự lớp lang còn giảng là rao báo, nói lên một điểm chính cho người ta chú ý. Nội dung lời giảng của Chúa Giê-xu là Tin Lành của Nước Đức Chúa Trời. Đây là một thành ngữ đặc biệt trong Phúc Âm Ma-thi-ơ chỉ về chương trình cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu (Tin Lành) nhờ đó con người được sống dưới quyền cai trị của Ngài (nước Đức Chúa Trời).
Dạy dỗ và giảng Tin Lành là lãnh vực tâm linh nhưng Chúa Giê-xu cũng quan tâm đến nhu cầu thể xác: chữa bệnh. Việc chữa bệnh của Chúa bao gồm mọi tật bệnh (c. 24) và danh tiếng Chúa đã đồn ra toàn cõi Palestine lúc bây giờ, từ Sy-ri ở phía Bắc đến Giu-đê ở phía Nam và Đê-ca-bô-lơ ở phía Đông.