“Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23).
Câu hỏi suy ngẫm: Cô đầy tớ người Ít-ra-ên giới thiệu ai để giúp chủ mình chữa lành bệnh phong hủi? Các đầy tớ của ông Na-a-man đã khuyên ông như thế nào khi ông tức giận với Tiên tri Ê-li-sê và định bỏ về? Theo bạn, tại sao ông bà Na-a-man nghe theo lời những đầy tớ của mình? Bạn học gì về nếp sống của những đầy tớ này?
Ông Na-a-man là quan tổng binh của quân đội Sy-ri, quyền hành của ông đứng vào hàng thứ hai chỉ sau vua Sy-ri, ông vốn là một dũng sĩ nhưng lại bị bệnh phong hủi. Câu chuyện này có nhiều bài học, nhưng hôm nay chúng ta chỉ học về gương của những đầy tớ ông Na-a-man, là những người Chúa dùng để giúp ông Na-a-man được chữa lành căn bệnh nan y.
Đầy tớ thứ nhất là bé gái người Ít-ra-ên bị bắt làm phu tù, để hầu hạ cho bà Na-a-man. Khi biết chủ mình bị bệnh phong hủi, cô đầy tớ này thưa với bà chủ: “Ôi! Chớ chi chúa tôi đi đến cùng ông tiên tri ở Sa-ma-ri! Người sẽ giải cứu chúa tôi khỏi bệnh phung” (câu 3). Bà Na-a-man trình bày với chồng, chồng bà tâu với vua Sy-ri, và cả hai đều đồng ý giải pháp của cô đầy tớ nhỏ bé ấy.
Đầy tớ thứ hai là nhóm quân hầu hộ tống Quan Tổng binh Na-a-man đi sang Sa-ma-ri. Khi thấy chủ mình giận dữ định bỏ về vì nghĩ rằng Tiên tri Ê-li-sê coi thường mình, không chịu chữa bệnh bằng phép lạ theo cách ông nghĩ, mà chỉ bảo ông ra sông Giô-đanh tắm bảy lần mà thôi. Trong tình cảnh như vậy, các đầy tớ đã ôn tồn khuyên chủ mình rằng: “Cha ơi, nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao? Phương chi rày người bảo cha rằng: ‘Hãy tắm, thì được sạch’ ” (câu 13). Ông Na-a-man nghe lời khuyên của các đầy tớ và ông được chữa lành bệnh phong hủi sau khi tắm bảy lần ở sông Giô-đanh.
Với thân phận đầy tớ, những người này không thù ghét chủ, bỏ mặc chủ mình sống chết ra sao, hay chỉ lo làm xong công việc phục dịch là được, nhưng họ đã yêu thương chủ, quan tâm, và phục vụ chủ hết lòng. Họ không phải là những đầy tớ chỉ biết quỳ lụy, luồn cúi, nịnh bợ chủ, ý kiến nào của chủ cũng coi như “chân lý,” dù ý kiến đó có sai lầm, nhưng họ biết sử dụng sự khôn ngoan của mình để có những góp ý, lời khuyên với chủ sao cho đem lại lợi ích tốt nhất cho chủ và cho đất nước họ. Một điều chúng ta học được là, với những lời giới thiệu, góp ý, can ngăn trái ý mình nhưng ông Na-a-man không tức giận, trách phạt những người nói trái ý mình, mà ông đã bằng lòng nghe theo, chứng tỏ đời sống các đầy tớ này tuy thân phận thấp hèn nhưng đã sống rất cao quý, từ lời nói đến hành động đều đáng tin cậy, do đó có thể thuyết phục được chủ mình nghe theo.
Lời Chúa dạy: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23). Dù ở địa vị nào, xin Chúa cho chúng ta cũng hết lòng sống đẹp ý Chúa và sống ích lợi cho mọi người.
Trong đời sống hằng ngày, bạn đối xử với cấp dưới mình ra sao? Và với cấp trên mình thế nào?
Lạy Chúa, xin cho lời nói và hành động của con luôn đáng tin cậy để con trở nên người ích lợi cho Chúa và giúp ích cho nhiều người.
(c) 2024 svtk.net