1 Đức Chúa Jêsus xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia; khi Ngài đã ngồi, thì các môn đồ đến gần. 2 Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy rằng:
3 Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!
4 Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!
5 Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!
6 Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!
7 Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!
8 Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!
9 Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!
10 Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!
11 Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. 12 Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.
1. Xin cho biết đối tượng và địa điểm của Bài Giảng Trên Núi. Điều nầy sẽ giúp chúng ta như thế nào trong việc giải thích nội dung của bài giảng?
2. Tại sao Ma-thi-ơ nhắc đến việc Chúa “ngồi” và “mở miệng” trong phần mở đầu của bài giảng?
3. Chữ “phước” trong phân đoạn nầy mang ý nghĩa gì? Đây là phước trong hiện tại hay cho tương lai?
4. Có một thứ tự diễn tiến trong các phước lành nầy không? Thứ tự đó như thế nào?
5. Xin cho biết một bài học áp dụng qua phân đoạn nầy?
Một trong những đặc điểm của Phúc Âm Ma-thi-ơ là gộp những lời dạy của Chúa Giê-xu thành từng phân đoạn dài như những bài giảng luận. Phúc Âm Ma-thi-ơ ghi lại năm bài giảng của Chúa Giê-xu:
1. Bài Giảng Trên Núi (Chương 5-7)
2. Bài Giảng Cho Các Sứ Đồ (Chương 10)
3. Các Ví Dụ (Chương 13)
4. Các Vấn Đề Trong Hội Thánh (Chương 18)
5. Bài Giảng Trên Núi Ô-li-ve (Chương 24-25)
Chương 23 cũng có thể kể là một bài giảng về việc Chúa quở trách người Pha-ri-si. Bài Giảng Trên Núi (Chương 5-7) là lời mở đầu của Phúc Âm Ma-thi-ơ. Chủ đề của Phúc Âm Ma-thi-ơ là Nước Trời, cho nên có người đã gọi Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu là “Hiến Pháp Của Nước Trời” tức là những điểm nền tảng của Đạo Chúa. John Stott trong quyển The Message of the Sermon on the Mount chia bài giảng nầy thành những phần chính như sau:
1. Đặc điểm của người tin Chúa (5:3-12)
2. Ảnh Hưởng của người tin Chúa (5:13-16)
3. Công chính của người tin Chúa (5:17-48)
4. Nếp sống đạo của người tin Chúa (6:1-18)
5. Tham vọng của người tin Chúa (6:19-34)
7. Những mối quan hệ của người tin Chúa (7:1-20)
8. Cam kết của người tin Chúa (7:21-27)
Đối tượng của bài giảng nầy là các môn đồ (c. 1). Trong nguyên văn nhấn mạnh môn đồ của Ngài. Chúa Giê-xu chủ yếu dạy những điều nầy cho các môn đồ nhưng đoàn dân đông cũng có mặt như chúng ta thấy ở đầu và cuối bài giảng (7:28).
Địa điểm của bài giảng nầy là núi kia. Lên núi kia không hẳn là lên đỉnh núi nhưng là ở một vùng đồi gần biển hồ Ga-li-lê với địa hình vòng cung, giáp với mặt nước bên dưới giúp cho nhiều người có thể nghe rõ ràng. Ma-thi-ơ thường nhắc đến những ngọn núi: núi cám dỗ (4:8), núi hóa hình (17:1), núi thăng thiên (28:16). Cũng có người cho rằng “núi” trong phần nầy tương đương với núi Si-nai trong Cựu Ước, nơi Đức Chúa Trời ban luật pháp cho dân sự Ngài qua Môi-se tương đương với việc Chúa Giê-xu ban luật pháp của Nước Trời cho các môn đồ. Chúa Giê-xu giảng dạy trong tư thế ngồi (“khi Ngài đã ngồi”) đây là tư thế ngồi dạy của các ra-bi ngày xưa hay tư thế ban bố luật của các nhà lập pháp. Những chữ Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy rằng không cần thiết nhưng câu nầy nhằm ý giới thiệu cách trang trọng và chuẩn bị người nghe về những lời quan trọng tiếp theo.
Chữ phước trong các câu nầy mang ý nghĩa “hạnh phúc trong Đức Chúa Trời hay bởi Đức Chúa Trời.” Trong quan điểm thường tình, những điều kể đây không thể coi là phước hay hạnh phúc được nhưng đây là hạnh phúc trong cái nhìn hay tiêu chuẩn của Chúa. Trong tiêu chuẩn của Nước Trời, người có những đặc điểm nầy là người có phước, đáng nên vui mừng. Sau mỗi đặc tính, Chúa Giê-xu cho thấy tại sao đó lại là phước. Đây là những ơn phước ngay trong hiện tại và cũng là kinh nghiệm trong cõi đời đời. Ví dụ như trong phước lành thứ nhất và thứ tám, chúng ta kinh nghiệm nước thiên đàng ngay trên đời nầy và cả trong đời sau (c. 3, 10).
John Stott gọi các phước lành nầy là những đặc điểm hay đặc tính của người tin Chúa, vì ông, cũng như đa số các nhà giải nghĩa Kinh Thánh, đều thấy các phước lành đây là những bước hay những kinh nghiệm tâm linh của một người theo thứ tự từ lúc bắt đầu tin nhận Chúa. Chúa Giê-xu cho các môn đồ thấy rằng người tin Chúa là người trải qua những bước sau:
Phước cho những kẻ có lòng khó khăn vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy (c. 3). Có lòng khó khăn hay nghèo khó tâm linh (Bản Hiệu Đính) mang ý nghĩa vô vọng cùng cực về phương diện tâm linh. Chữ nghèo lúc đầu mang ý nghĩa cùng cực thiếu thốn về vật chất và người nghèo vì vậy là người phải nương cậy nơi Chúa. Do đó chữ nghèo dần dần trở thành đồng nghĩa với người khiêm nhường, tùy thuộc nơi Chúa hoàn toàn. Vua Đa-vít kể mình là kẻ khốn cùng (người nghèo) trước mặt Chúa (Thi thiên 34:6), không phải nghèo trong ý nghĩa vật chất nhưng trong tâm linh, người cần đến Chúa, tùy thuộc nơi Chúa. Nghèo khó tâm linh vì vậy là người ý thức tình trạng khánh tận tâm linh của mình trước mặt Chúa, là tội nhân chỉ chờ án phạt của Chúa. Người nào bước đến chỗ đó, ý thức như vậy là người có phước. Bởi vì chỉ khi nào ở trong tình trạng đó chúng ta mới cần đến Chúa và kêu xin ơn thương xót của Ngài. Đây là bước đầu quan trọng trong tiến trình trở nên con cái của Chúa. Người có lòng khó nghèo như vậy sẽ kinh nghiệm nước thiên đàng: nước thiên đàng là của những kẻ ấy. Nước thiên đàng hay vương quốc thiên đàng nói đến quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Người nào ý thức mình nghèo nàn về mặt tâm linh, vô phương tự cứu, chỉ có thể nhờ Chúa mà thôi, người đó tất nhiên sẽ đến với Chúa và sẽ kinh nghiệm sự cứu rỗi. Chỉ người nào ý thức như vậy mới có thể kinh nghiệm Nước Chúa.
Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi (c. 4). Than khóc mang ý nghĩa than khóc ăn năn về tội lỗi. Đây là bước tiếp theo bước nghèo khó tâm linh, ý thức tình trạng khánh tận tâm linh. Một khi biết mình tội lỗi, vô phương tự cứu, chúng ta sẽ không thể làm gì khác hơn là đến với Chúa với tấm lòng ăn năn thống hối như vua Đa-vít (Thi thiên 51:17). Kết quả của một tâm hồn ăn năn thống hối là sẽ được an ủi. Đây là sự an ủi thật đến từ Chúa và sẽ là sự an ủi đời đời trong Nước Chúa khi Chúa “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng... cũng không có than khóc, kêu ca hay là đau đớn nữa” (Khải huyền 21:4).
Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất (c. 5). Nhu mì là bước tất nhiên tiếp theo của người tin Chúa. Nhu mì là thái độ khiêm nhường và nhân từ đối với người khác khi chúng ta có cái nhìn đúng về chính mình. Người biết mình khánh tận tâm linh và than khóc về tội lỗi thì không thể nào hợm mình, kiêu ngạo, cho mình hơn người khác nhưng sẽ luôn luôn sống với tấm lòng nhu mì. Nhu mì mang ý nghĩa nhẹ nhàng, khiêm nhường, tế nhị và lịch sự. Chúng ta không thể nào có được tâm tính nầy cho đến khi có cái nhìn đúng về chính mình trước mặt Chúa để rồi sẽ cư xử đúng với người khác. Kết quả của một đời sống nhu mì là hưởng được đất. Đất nói đến phần đất thừa hưởng như gia sản. Theo đời thì người lấn lướt, hung hãn mới chiếm đoạt được đất đai, của cải, tài sản nhưng theo tiêu chuẩn của Chúa, người nhu mì là người được thừa hưởng cơ nghiệp. Tác giả Thi thiên 37 viết: “Người hiền từ sẽ nhận được đất làm cơ nghiệp” (c. 11a), “hiền từ” trong nguyên văn là nhu mì. Phước hạnh nầy đặc biệt nói đến tương lai, cơ nghiệp đời đời của chúng ta trong Nước Chúa (I Phi-e-rơ 1:3-5).
Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ (c. 6). Đói khát công bình hay công chính nói đến hai điều: tấm lòng và đối tượng. Đói khát trong ý nghĩa thuộc thể nói đến nhu cầu và mong muốn: cần thức ăn, cần nước uống và bản năng thôi thúc chúng ta tìm thức ăn nước uống. Trong ý nghĩa tâm linh cũng vậy, đói khát nói đến điều chúng ta cần và tấm lòng chúng ta tha thiết, mong mỏi hướng về nhu cầu đó. Đối tượng chúng ta khao khát là công chính. Công chính nói đến tiêu chuẩn đúng của Đức Chúa Trời vì vậy đói khát công chính nói đến lòng mong mỏi, ao ước sống đẹp lòng Chúa, ngược lại với công chính của người Pha-ri-si chỉ là hình thức bên ngoài (5:20; 6:1). Công chính cũng nói đến công bằng xã hội, công lý trong đời sống hằng ngày. Đói khát công chính là mong mỏi trông thấy công bằng và công lý được thực hiện. Đói khát sự công bình vì vậy nói đến tấm lòng của một người luôn luôn muốn sống đẹp lòng Chúa, theo tiêu chuẩn đạo đức của Chúa và cũng ước ao thấy điều đó thể hiện trong đời sống hằng ngày. Đây phải là kết quả tất nhiên của một con cái thật của Chúa sau khi ý thức mình là tội nhân (nghèo khó tâm linh), ăn năn tội (than khóc) và sống nhu mì. Kết quả của hạnh phúc nầy là no đủ, trong ý nghĩa tâm linh, đó là thỏa mãn. Sống một đời sống công chính và luôn luôn mong ước thấy công chính được thực hiện sẽ đem lại một đời sống vui thỏa.
Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót (c. 7). Bốn phước lành đầu nói về mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa, các phước lành còn lại nói về mối quan hệ của chúng ta với người chung quanh. Điều đầu tiên trong mối quan hệ với người là hay thương xót. Thương xót là bày tỏ tình thương với người có nhu cầu. Câu nầy không có nghĩa là có thương người thì mới được người thương lại nhưng hàm ý vì đã được Chúa thương xót nên chúng ta bày tỏ lòng thương xót đó đối với người khác. Ví dụ về Người Đầy Tớ Không Có Lòng Thương Xót (Ma-thi-ơ 18:23-35) là minh họa rõ ràng nhất cho lời dạy nầy, đặc biệt là câu 33: “Ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao?” Vì đã được Chúa thương xót cho nên bày tỏ lòng thương xót đối với người khác là điều tất nhiên trong đời sống người tin Chúa.
Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời (c. 8). Chữ quan trọng trong câu nầy là lòng, nói đến trong sạch từ bên trong. Lòng nói đến tư tưởng, ý chí, cảm xúc, toàn thể con người bên trong. Tấm lòng là nơi điều khiển, chi phối tất cả mọi sinh hoạt của đời sống, khi lòng trong sạch, mọi sinh hoạt của đời sống sẽ trong sạch. Trong sạch mang ý nghĩa thuần khiết, không pha trộn, tinh sạch. Mọi việc làm của chúng ta muốn được trong sạch, đẹp ý Chúa phải phát xuất từ tấm lòng trong sạch do Chúa thay đổi và điều khiển. Sứ đồ Phao-lô dạy điều đó trong Thư Rô-ma 12:2: “Biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình” và: “Làm nên mới trong tâm chí mình” (Ê-phê-sô 4:23). Thấy Đức Chúa Trời mang cả hai ý nghĩa hiện tại và tương lai. Người có lòng trong sạch là người kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa mỗi ngày trong đời sống vì vậy mà người ấy sống trong sạch. Và được thấy Đức Chúa Trời hay sống mãi trong sự hiện diện của Ngài chính là đời sống của người tin Chúa trong cõi vĩnh hằng.
Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời (c. 9). Kẻ làm cho người hòa thuận trong nguyên văn chỉ là một chữ cũng có thể dịch là tác nhân hòa bình, người đem lại an bình. Hòa bình có thể là trong ý nghĩa rộng (chiến tranh và hòa bình) hay trong ý nghĩa hẹp (tranh chấp giữa cá nhân). Làm cho người hòa thuận không phải chỉ là giữ cho yên nhưng là làm cho yên, chấm dứt hận thù và tranh chấp trong tinh thần “lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô-ma 12: 21b). Được gọi là con Đức Chúa Trời nghĩa là, làm cho người hòa thuận chúng ta mới sống xứng hiệp với danh phận của mình. Là con cái Chúa chúng ta phải là những tác nhân hòa bình, giải hòa giữa người với người và người với Chúa. Đức Chúa Trời, Cha chúng ta là Đấng giải hòa như vậy (II Cô-rinh-tô 5:19).
Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy (c. 10). Đây là phước lành khó hiểu nhất và khó làm nhất. Làm sao chịu bắt bớ mà lại được kể là ơn phước? Điểm quan trọng là chịu bắt bớ vì lý do nào? Vì sự công bình chứ không phải vì những lý do khác (I Phi-e-rơ 4:15). Công bình hay công chính nói đến tiêu chuẩn của Chúa hay sống theo tiêu chuẩn đạo đức của Ngài. Chịu bắt bớ vì sự công bình là điều tất nhiên sẽ xảy ra cho mọi người sống theo tiêu chuẩn của Chúa (Giăng 15:19; II Ti-mô-thê 3:12) điều nầy chứng tỏ chúng ta là con cái thật của Ngài, không thỏa hiệp với thế gian. Kết quả của phước lành thứ nhất và phước lành cuối cùng giống nhau: nước thiên đàng là của những kẻ ấy, cho thấy chịu khổ và chịu bách hại là một phần của đời sống đức tin (Phi-líp 1:29), chúng ta không thể tránh và phải coi đây là một ơn phước.
Chúa Giê-xu cho thấy những hình thức bắt bớ gồm có mắng nhiếc, bắt bớ, lấy mọi điều dữ nói vu (c. 11). Đây là điều đã thật sự xảy ra cho con cái Chúa trải mọi thời đại. Tương tự như chữ vì sự công bình ở trên, Chúa nhấn mạnh lý do bị bắt bớ là vì cớ Ta chứ không phải vì những lý do nào khác.
Điều an ủi lớn nhất cho người tin Chúa khi chịu bắt bớ và có lý do để vui mừng là: (1) Phần thưởng tương lai (phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm). Và: (2) Gương chịu khổ của người xưa (người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy). Trong cái nhìn đó, chịu bắt bớ vì sự công bình thật sự là một ơn phước (Rô-ma 8:18).