13 Các ngươi là muối của đất; song nếu mất mặn đi, thì sẽ lấy giống chi mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân.14 Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được: 15 cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. 16 Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.
1. Chúa Giê-xu gọi các môn đồ chẳng những là “muối” nhưng là “muối của đất,” chẳng những là “sự sáng” nhưng là “sự sáng của thế gian.” “Đất” và “thế gian” sau chữ “muối” và “ánh sáng” nhằm nhấn mạnh điều gì? Tại sao?
2. Xin cho biết đặc điểm của muối và sự sáng. Mỗi đặc điểm nói lên điều gì?
3. “Muối mất mặn” là muối như thế nào? Tại sao muối lại mất mặn?
4. Điều gì xảy ra cho muối mất mặn? Áp dụng cho chúng ta như thế nào?
5. Chúa Giê-xu ví sánh đời sống của người tin Chúa giống như điều gì trong câu 14b? Tại sao?
6. Chúa Giê-xu muốn nói điều gì trong câu 15? Lý luận của Chúa trong câu nầy là gì?
7. “Việc lành” Chúa Giê-xu nói đến trong câu 6 là gì? Xin kể ra một vài điều có thể gọi là “việc lành” trong đời sống của người tin Chúa.
8. Xin cho biết kết quả khi người khác nhìn thấy việc lành của chúng ta.
Ma-thi-ơ 5:3-12 mô tả đặc điểm của người tin Chúa. Các câu 13-16 cho thấy ảnh hưởng của người tin Chúa trên trần gian nầy. Chính vì vậy mà chúng ta thấy chữ đất và thế gian tiếp theo sau muối và sự sáng. Người tin Chúa được gọi là muối và ánh sáng, nhưng muối và ánh sáng đó là cho đời nầy, cho trần gian nầy. Chúng ta phải có ảnh hưởng cho đời như muối và ánh sáng.
Trong bối cảnh của Kinh Thánh, muối có những tác dụng sau:
1. Chữa lành: theo II Các Vua 2:19-22, mặc dầu mang tính cách biểu tượng, muối nói lên sự chữa lành trong câu chuyện nầy. Ê-xê-chi-ên 16:4 cho thấy muối được dùng để tẩy sạch cho trẻ sơ sinh. Trong nhiều văn hóa, muối là chất liệu để chữa lành các vết thương và tẩy trùng.
2. Đem lại hương vị: Gióp nói: “Vật chi lạt lẽo, người ta nào ăn chẳng bỏ muối” (Gióp 6:6a). Muối đem lại hương vị cho thức ăn là điều tự nhiên. Thức ăn không thể thiếu muối.
3. Bảo quản: xưa cũng như nay, để giữ cho thức ăn khỏi hư, người ta phải dùng đến muối.
4. Giao ước: Lê-vi ký 2:13 nói đến muối trong của lễ chay là dấu hiệu về giao ước.
5. Hòa thuận: trong Mác 9:51, ý nghĩa hòa thuận (bình an) đi chung với muối.
6. Lời nói: trong Cô-lô-se 4:6, Phao-lô hòa nhập ý nghĩa ân hậu trong lời nói với muối.
Dựa vào những ý nghĩa trên, người tin Chúa phải có những tác dụng tương tự trong thế giới chúng ta sống. Chúng ta phải tạo tác dụng chữa lành, hàn gắn những vết thương, đem lại hương vị cho đời, giúp đời đỡ đi băng hoại. Người tin Chúa phải sống với chữ tín (giữ lời giao ước), sống hòa thuận và thể hiện ân sủng của Chúa trong lời nói của mình. Đó là những tác dụng của muối chúng ta phải có trong đời sống và Chúa cảnh cáo: Nếu mất mặn đi thì sẽ lấy giống chi mà làm cho mặn lại? Nếu mất đi chất mặn, nếu không có những ảnh hưởng đáng như phải có, chúng ta trở thành vô dụng: Muối ấy không dùng chi được nữa! Và bị loại bỏ: Chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân! Muối có thể bị mất chất mặn không? Trên nguyên tắc, muối không thể mất chất mặn, tuy nhiên, khi bị trộn với tạp chất, muối sẽ bị ô nhiễm và truyền độc tố, vô dụng và nguy hiểm. Chất mặn của người tin Chúa là những đặc tính được mô tả trong các phước lành (nghèo khó tâm linh, nhu mì, trong sạch...) thể hiện trong lời nói và việc làm. Người tin Chúa phải giữ tính chất mặn của mình, đó là giống như Chúa Giê-xu. Nếu người tin Chúa thỏa hiệp với đời, trộn lẫn với đời, sống giống như đời, chúng ta sẽ bị ô nhiễm và mất đi ảnh hưởng cho trần gian như muối không còn chất mặn. Người tin Chúa tạo ảnh hưởng trên trần gian vì chúng ta phân biệt với trần gian không phải vì chúng ta giống như trần gian (John Stott).
Người tin Chúa cũng được gọi là sự sáng của thế gian. Đây là một danh xưng cao quý vì đây cũng là danh hiệu của chính Chúa Giê-xu (Giăng 8:12). Chúa Giê-xu là ánh sáng thật cho trần gian và chúng ta là môn đệ của Chúa cũng phải tỏa ánh sáng giống như Chúa. Hình ảnh đầu tiên của việc soi sáng là cái thành ở trên núi. Đây nói đến một điều hiển nhiên, không thể chối cãi. Một cái thành ở trên núi là điều mọi người phải thấy. Nếu đời sống của chúng ta trong trần gian nầy không nổi bật lên với những cá tính của người tin Chúa, nếu người khác không biết chúng ta là người tin Chúa qua nếp sống của chúng ta thì chúng ta chưa là ánh sáng của thế gian!
Hình ảnh thứ hai của việc soi sáng là cái đèn. Đặc điểm của ánh sáng là soi sáng như chúng ta thắp đèn để có ánh sáng. Không ai thắp đèn rồi lấy thúng úp lại cả! Chữ cái thùng trong nguyên văn là modios, là vật dụng để đong lúa, tương đương với tám lít nên đây là hình ảnh của cái thúng. Nói khác đi, thắp đèn là để cho sáng, thắp đèn rồi đem che lại là làm hai điều tương phản cùng một lúc là chuyện ngược đời, không thể xảy ra được! Đèn phải được đặt đúng chỗ (trên chân đèn) thì mới làm được mục đích của cái đèn. Chúa Giê-xu gọi chúng ta là ánh sáng cho trần gian nhưng đây là ánh sáng soi sáng, ánh sáng tỏa rọi. Chúng ta phải tỏa rọi ánh sáng của Chúa cho trần gian như cái đèn để trên chân đèn (Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy). Chúa cho thấy ánh sáng chúng ta tỏa rọi cho mọi người thấy là những việc lành của chúng ta. Việc lành không nói đến làm lành lánh dữ hay bố thí nhưng là công việc tốt lành hay đời sống tốt lành của người tin Chúa. Đời sống đã được Chúa biến đổi phải nẩy sinh ra việc lành (Ê-phê-sô 2:10). Trái của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22) là hình ảnh của những việc lành đó. Kết quả sau cùng là Cha của chúng ta trên trời được sáng Danh (c. 16b).