“Nhưng Chúa đã giúp đỡ ta và thêm sức cho ta, hầu cho Tin Lành bởi ta được rao truyền đầy dẫy, để hết thảy dân ngoại đều nghe; ta lại đã được cứu khỏi hàm sư tử” (câu 17).
Câu hỏi suy ngẫm: Khi bị xét xử lần thứ nhất, ai giúp đỡ và thêm sức cho Sứ đồ Phao-lô khi mọi người lìa bỏ ông? Chúa ban năng lực cho ông với mục đích gì? Nhờ đâu Sứ đồ Phao-lô có thể thốt lên lời cầu nguyện dâng vinh quang lên Chúa?
Trong những lời cuối thư II Ti-mô-thê, Sứ đồ Phao-lô tiếp tục tâm tình với học trò và cũng là người con tinh thần của mình là Mục sư Ti-mô-thê, về những vui buồn của sự phục vụ Chúa. Ông nói khi bị bắt do rao truyền Phúc Âm và xét xử lần thứ nhất, hết thảy đều lìa bỏ ông vì sợ bị liên lụy, chẳng một ai giúp đỡ ông. Tuy nhiên, ông vẫn rất vui mừng vì khi con người bỏ ông thì Chúa đã giúp đỡ, ban năng lực cho ông đúng như Lời Chúa đã hứa trước khi về trời: “Và này Ta thường ở cùng các con luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20). Sứ đồ Phao-lô tiếp tục nhấn mạnh rằng Chúa ban cho ông năng lực là để rao truyền Tin Mừng cho nhiều người nghe và được cứu. Mục đích sống của ông, và ông cũng muốn truyền lại cho Mục sư trẻ Ti-mô-thê, cũng như chúng ta ngày nay, không phải là hưởng thụ những hư vinh chóng tàn ở thế gian nhưng là rao truyền Danh Chúa cho nhiều người (câu 17). Dù công tác truyền bá Phúc Âm luôn gặp nhiều chống đối, bức hại, nhưng ông cứ bền lòng “đánh trận tốt lành” vì tin rằng Đấng đã ban năng lực cho ông để truyền bá Phúc Âm thì cũng sẽ giải cứu ông và đưa ông vào Nước Trời vinh quang (câu 18a).
Sứ đồ Phao-lô nhận biết chỉ bởi năng lực của Chúa mới khiến ông bền lòng “xong sự chạy, giữ được đức tin.” Và dù đang ở trong tù, biết mình sắp lìa đời, nhưng ông vẫn nhìn thấy vinh quang của Chúa, mão triều thiên công chính đang dành sẵn cho ông, và ông vui mừng vì Đấng ở cùng ông luôn ban năng lực cho ông trong mọi hoàn cảnh nghiệt ngã nhất, vì thế ông đã thốt lên lời chúc tụng: “Nguyền xin sự vinh hiển về nơi Ngài muôn đời không cùng! A-men” (câu 18b). Cuối cùng, Sứ đồ Phao-lô cũng nêu tên một số người đồng tâm tình phục vụ với ông nữa, trong đó có những người gửi lời chào thăm Mục sư Ti-mô-thê.
Những lời cuối thư không chỉ là những lời của một người cha biết mình sắp từ giã cõi đời tâm tình với con mình mà còn là những lời ban thêm năng lực và khích lệ cho Mục sư trẻ Ti-mô-thê cứ bền lòng phục vụ Chúa dù ông đang đối diện với tình hình rất phức tạp của Hội Thánh.
Dựa vào con người có thể bị con người lãng quên và lìa bỏ nhưng nương cậy nơi Chúa sẽ không bao giờ thất vọng. Bạn nương cậy Chúa bằng cách nào? Chúa ban năng lực cho bạn để bạn làm gì?
Cảm tạ Chúa vì trong mọi hoàn cảnh Ngài luôn ở cùng con và ban năng lực cho con để con mạnh mẽ truyền bá Danh Ngài. Xin cho con luôn nương cậy nơi Chúa chứ không nương cậy con người.
(c) 2024 svtk.net