13 Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. 14 Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.
15 Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé. 16 Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi bụi tật lê? 17 Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. 18 Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt. 19 Hễ cây nào chẳng sanh trái tốt, thì phải đốn mà chụm đi. 20 Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được.
21 Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. 22 Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? 23 Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!
24 Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá. 25 Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá. 26 Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên đất cát. 27 Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều.
28 Vả, khi Đức Chúa Jêsus vừa phán những lời ấy xong, đoàn dân lấy đạo Ngài làm lạ; 29 vì Ngài dạy như là có quyền, chớ không giống các thầy thông giáo.
1. Mỗi phần trong các câu 13-27 đều có hai hình ảnh tương phản. Xin kể ra bốn hình ảnh tương phản nhau trong các câu nầy.
2. Xin cho biết hai loại cửa và hai loại đường trong các câu 13-14. Quyết định đi con đường nào sẽ đưa đến kết quả gì?
3. Yếu tố nào giúp ta nhận ra được tiên tri giả (c. 16a, 20)? “Trái” nói đến điều gì?
4. Chữ quan trọng trong câu 21 và 22 là gì? Tại sao?
5. Điểm khác nhau của hai căn nhà trong câu 24-25 là gì?
6. Chữ “quyền” trong câu 29 mang ý nghĩa gì? “Dạy như là có quyền” nghĩa là dạy như thế nào?
Bài Giảng Trên Núi kết thúc với bốn lời cảnh cáo, mỗi lời bao gồm hai hình ảnh tương phản nhau để so sánh: hai con đường (13-14), hai cây (15-20), hai lời nói (21-23) và hai người xây nhà (24-25).
Hai câu 13-14 chẳng những nói về hai con đường nhưng cũng nói đến hai cánh cửa, hai nhóm người và hai kết cuộc: cửa hẹp và cửa rộng, đường chật và đường khoảng khoát, ít và nhiều, hư mất và sự sống. Chữ cửa dịch là cổng thì đúng hơn, đây là cổng để đi vào một con đường. Hẹp nói lên ý giới hạn, có điều kiện mới được vào. Ơn cứu rỗi Chúa ban cho chúng ta là vô điều kiện nhưng chúng ta phải nhận mình có tội và ăn năn tội mới vào cổng đó được, hẹp là như vậy. Và Chúa kêu gọi, mời gọi chúng ta chọn cổng hẹp đó. Ngược lại với cổng hẹp là cổng rộng. Rộng mang ý nghĩa có thể vào dễ dàng, không đòi hỏi gì cả, mang bao nhiêu hành lý vào cũng được và không phải để lại điều gì bên ngoài, kể cả tội lỗi, lòng kiêu ngạo hay bất cứ điều gì ta muốn đem vào. Sau hai cánh cổng là hai con đường: đường khoảng khoát và đường chật. Khoảng khoát nói lên ý tự do, phóng khoáng, khuynh hướng nào cũng được, không có gì cấm đoán, chấp nhận tất cả, cho phép tất cả. Chữ chật có cùng gốc với chữ “hoạn nạn,” hàm ý sẽ gặp bắt bớ, khó khăn.
Vì cổng rộng, dễ dàng nên nhiều người chọn cổng đó. Cổng hẹp, giới hạn, khó khăn, phải tìm mới thấy dĩ nhiên là ít người vào. Nhưng quan trọng là cuối con đường: con đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất (diệt vong, tức là hư vong đời đời đời). Con đường chật hẹp đưa đến sự sống (sự sống vĩnh hằng trong Nước Chúa). Câu nầy là lời Chúa kêu gọi chúng ta chọn cổng hẹp và con đường hẹp mà đi để có hạnh phúc thật ở cuối đường. Đây cũng là lời cảnh cáo để chúng ta không bị thu hút bởi cổng rộng và đường khoảng khoát để rồi phải hư vong đời đời. Thi thiên 1 cũng nói về hai con đường tương tự, lựa chọn và quyết định là tùy ở chúng ta.
Tiên tri giả là hiện tượng của mọi thời đại, từ Cựu Ước đến Tân Ước cũng như thời đại chúng ta ngày nay (Phục truyền 18:20; II Phi 2:1; Khải 19:20). Theo nghĩa chính yếu, tiên tri là người truyền Lời Chúa cho chúng ta. Vấn đề khó cho chúng ta về tiên tri giả là họ luôn luôn nhân danh Chúa và nói về Chúa, làm sao chúng ta biết được thực hư? Chúa Giê-xu cho biết tiên tri giả sẽ đến với chúng ta dưới hình thức những con cừu hiền lành (mang lốt chiên đến cùng các ngươi). Bên ngoài là chiên nhưng bên trong là muông sói hay cắn xé. Yếu tố giúp chúng ta nhận diện là trái hay đời sống của người xưng mình là tiên tri: Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được. Chúa Giê-xu nói câu nầy hai lần (c. 16a và 20) cho thấy tính cách quan trọng của phương cách nhận ra tiên tri giả.
Trái trước hết nói đến đặc tính và hành vi của một người. Trong ví dụ về cây nho, Chúa hàm ý đời sống kết quả là đời sống giống như Chúa, phản ánh những mỹ đức của Chúa, Phao-lô gọi đó là trái của Thánh Linh. Đời sống một tiên tri thật của Chúa phải thể hiện những mỹ đức đó. Một người có thể đóng kịch hay giả mạo nhưng chắc chắn không thể giả “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” được. Đó là những trái thật phải thể hiện trong đời sống của người tiên tri. Trái cũng nói đến sự dạy dỗ của người đó, phải phù hợp với Kinh Thánh. Mọi giáo lý phải được thử nghiệm bằng Lời Chúa. “Giáo lý chính xác và đời sống thánh khiết là hai dấu hiệu của tiên tri thật” (Giám mục Ryle). Trái cũng được nhìn thấy qua ảnh hưởng của vị tiên tri. Chúng ta cần nhìn vào đời sống của những người đi theo vị tiên tri để biết thật hay giả.
Chúa Giê-xu dùng hình ảnh trái nho và bụi gai, trái vả và bụi tật lê để cho thấy một điều vô lý: cây nào sẽ sản sinh đúng loại trái ấy. Kết quả tốt hay trái tốt không thể đến từ cây xấu và ngược lại. Do đó, chỉ cần nhìn vào kết quả, ta biết được bản chất của nguồn. Để biết được thật giả, chỉ cần nhìn vào kết quả. Đối với tiên tri giả, chúng ta chỉ cần nhìn vào đời sống, sự dạy dỗ của họ và những người theo họ. Tiên tri giả chẳng những có kết quả xấu nhưng cũng sẽ không tránh khỏi sự đoán phạt của Chúa (c. 19). Câu 20 giống như câu 16a, chỉ thêm vào hai chữ ấy vậy cho thấy 16b-19 là phần giải thích ý thế nào là “xem trái thì biết cây.”
Phần trên (c. 15-20) nói về tiên tri giả hay người lãnh đạo giả. Phần tiếp theo (c. 21-23) nói về “người đi theo” hay “học trò giả.” Có thể vì theo tiên tri giả, họ thành môn đổ giả. Điểm quan trọng trong các câu 21 và 22 là nói và thưa, hàm ý những điều chỉ có ngoài miệng mà thiếu đi thực chất bên trong. Trong ngày đoán xét, điều quan trọng không phải là những gì chúng ta nói mà là thực chất bên trong. Thực chất đó là làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời (c. 21b). Đây là lần đầu tiên trong Phúc Âm Ma-thi-ơ, Chúa Giê-xu gọi Đức Chúa Trời là Cha ta, chỉ về thần tánh của Ngài: Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời (Giăng 5:17-18). Làm theo ý muốn của Cha ta vì vậy chẳng những là làm theo lời dạy trong Kinh Thánh nhưng cũng công nhận Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời và là giải pháp cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Không phải chỉ có lời xưng tụng ngoài miệng (Lu-ca 6:46) nhưng phải làm theo ý Chúa mới được vào nước thiên đàng,
Ngày đó (c. 22) chỉ về ngày cuối cùng, ngày phán xét. Câu nầy nói đến những người chẳng những xưng nhận ngoài miệng nhưng cũng nói rằng đã nhân danh Chúa mà làm ba điều: nói tiên tri, trừ quỷ và làm nhiều phép lạ. Có thể nào một người nhân danh Chúa làm những điều nầy mà không thật sự tin Chúa không? Nói tiên tri là truyền rao Lời Chúa nhưng tiên tri giả là người nói mình truyền rao Lời Chúa mà thật sự không phải Lời Chúa, chỉ là lời riêng hay ý riêng của mình. Trừ quỷ và làm nhiều phép lạ là điều mà các tiên tri giả và Christ giả cũng có thể làm được (24:24; II Tê. 2:9-10). Bằng chứng của một tín đồ thật là mối quan hệ giữa người đó với Chúa. Chúa tuyên bố: Ta chẳng BIẾT các ngươi bao giờ! Biết không chỉ nói đến tri thức hay kiến thức nhưng là mối quan hệ gần gũi giữa một người với Chúa. Ta chẳng biết các ngươi bao giờ nghĩa là giữa Ta và các ngươi không có mối quan hệ nào cả. Một người có thể nhân danh Chúa làm nhiều điều mà không thật sự đến từ Chúa thì tất cả những việc làm đó đều vô ích và Chúa sẽ gọi đó là kẻ làm gian ác. Làm mang ý nghĩa thường xuyên hành xử như vậy. Gian ác nghĩa là vô luật lệ, bất kể đến luật lệ hay ý muốn của Chúa. Đây là những người có thể làm những việc xem như tốt đẹp nhưng sống đời sống không có Chúa và cũng sẽ kết thúc không có Chúa: Hãy lui ra khỏi ta!
Bài Giảng Trên Núi kết thúc với hình ảnh hai người xây nhà được mô tả là khôn ngoan và dại. Điểm khác nhau giữa hai căn nhà nầy là cái nền: đá hay cát. Nền là yếu tố quan trọng nhất để căn nhà có thể đứng vững. Nền, theo lời dạy của Chúa là nghe và làm theo (đá) hay nghe mà không làm theo (cát). Khôn hay dại không nói đến khả năng hay hiểu biết nhưng nói đến thái độ hay đáp ứng với Lời Chúa. Cả hai người đều nghe nhưng chỉ có một người làm theo. Đó là điểm khác biệt. Ba yếu tố bên ngoài là mưa sa, nước chảy, gió lay đều xảy ra cho cả hai căn nhà, nhưng một bên không sập, nhà kia thì bị sập, hư hại rất nhiều. Điểm khác biệt là cái nền: cất trên đá và cất trên cát.
Sứ điệp nầy áp dụng cho Bài Giảng Trên Núi nhưng cũng áp dụng cho mọi trường hợp nghe Lời Chúa: đọc và học Kinh Thánh, đi nhà thờ, nghe giảng, đọc sách vở Cơ-đốc, nghe Lời Chúa qua các phương tiện truyền thông... Tất cả đều vô ích nếu không được áp dụng nghiêm chỉnh vào đời sống. “Cẩn thận làm theo” là điều quan trọng nhất trong mạng lệnh Chúa truyền cho Giô-suê và mỗi chúng ta (Giô-suê 1:8).
Đức Chúa Giê-xu vừa phán những lời ấy xong là câu Ma-thi-ơ thường dùng cho thấy một phần được kết thúc để bước qua một phần khác trong câu chuyện Phúc Âm của ông (7:21; 11:1; 13:53; 19:1; 26:1). Bài Giảng Trên Núi của Chúa kết thúc phần đầu của Phúc Âm Ma-thi-ơ với lời kết luận về sự giảng dạy của Ngài. Đạo (c. 28) hay sự dạy dỗ, giáo huấn (didache) nói đến cả nội dung (dạy điều gì) và hình thức (dạy như thế nào). Phản ứng của đoàn dân trước sự dạy dỗ của Chúa là làm lạ. Làm lạ mang nhiều ý nghĩa hơn ngạc nhiên, nói đến lòng kính phục bất ngờ đối với một người mà họ không ngờ là có thể giảng dạy như vậy. Điểm khác biệt giữa sự giảng dạy của Chúa Giê-xu và các thầy thông giáo là Ngài dạy như là có quyền. “Quyền” (exousia) mang ý nghĩa thẩm quyền nhưng cũng bao gồm ý nghĩa quyền năng, sức mạnh. Các thầy thông giáo khi giảng dạy phải dựa vào một thẩm quyền khác để nói, Chúa Giê-xu thì không, thẩm quyền đến từ chính Chúa. Lời của Chúa là lời có thẩm quyền nên chúng ta phải nghe và vâng giữ.