Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 29

8:14-17 - GÁNH BỆNH HOẠN CỦA CHÚNG TA

 14 Đoạn, Đức Chúa Jêsus vào nhà Phi-e-rơ, thấy bà gia người nằm trên giường, đau rét. 15 Ngài bèn rờ tay người bịnh, rét liền mất đi; rồi người đứng dậy giúp việc hầu Ngài. 16 Đến chiều, người ta đem cho Đức Chúa Jêsus nhiều kẻ bị quỉ ám, Ngài lấy lời nói mà đuổi quỉ ra; cũng chữa được hết thảy những người bịnh, 17 vậy cho được ứng nghiệm lời của Đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: Chính Ngài đã lấy tật nguyền của chúng ta, và gánh bịnh hoạn của chúng ta.

 

1. Xin cho biết hai cách Chúa Giê-xu chữa bệnh trong phân đoạn nầy.

2. Dựa vào câu 17, xin cho biết mục đích của Ma-thi-ơ khi ông ghi lại phân đoạn nầy.

 

Ba phần Kinh Thánh (8:1-4; 5-13 và 14-17) đều nói về việc Chúa chữa bệnh nhưng mỗi trường hợp bằng một phương cách khác nhau. Điều nầy cho thấy Chúa có quyền trên bệnh tật và phương cách chữa bệnh chỉ là những cách khác nhau Chúa chọn cho từng trường hợp. Chúa chữa bệnh phung bằng cách rờ đến người phung và ra lệnh (c. 3). Với đầy tớ của viên sĩ quan, Chúa cũng chữa bệnh bằng lời nói nhưng không cần đến gặp người bệnh (không gian và khoảng cách không phải là vấn đề đối với Chúa). Với bà gia Phi-e-rơ, Chúa rờ tay người bệnh rét LIỀN mất đi (c. 15a). Liền nghĩa là ngay lập tức (thời gian cũng không phải là vấn đề cho Chúa). Điểm đặc biệt trong câu chuyện nầy là tính cách tích cực của người được chữa lành: Người đứng dậy giúp việc hầu Ngài (c. 15b). Phục vụ cũng là điều cần phải làm ngay sau khi được chữa lành.

Trong việc đuổi quỷ, một lần nữa Chúa Giê-xu lại dùng lời nói (c. 16a) và các tật bệnh khác cũng được Ngài chữa lành (c. 16b). Câu quan trọng được nhắc lại nhiều lần trong Ma-thi-ơ là: Vậy cho được ứng nhiệm lời của đấng tiên tri... (c. 17a). Như vậy, trong cả phần nầy (8:1-17) sứ đồ Ma-thi-ơ cho chúng ta thấy một chân lý quan trọng, đó là, việc Chúa chữa lành bệnh tật là để làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh nói về Ngài (c. 17b). Bệnh tật không nhất thiết đến từ tội lỗi (Giăng 9:3) nhưng bệnh tật là một phần hậu quả của tội lỗi con người. Do đó chữa lành bệnh tật cũng mang ý nghĩa tha thứ (Thi thiên 103:3) và chỉ trong cõi vĩnh hằng tội lỗi mới không còn (Khải 21:4). Tội lỗi và bệnh tật đi chung với nhau như vậy cho nên khi Chúa Giê-xu đến trần gian để chịu chết chuộc tội cho chúng ta, Ngài cũng mang lấy bệnh tật của chúng ta: “Bởi lằn roi Người chúng ta được lành bệnh” (Ê-sai 53:5b).