“Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình” (Lu-ca 10:27).
Câu hỏi suy ngẫm: Trong câu chuyện Chúa kể, những ai là đồng hương của người bị nạn? Họ giữ những chức vụ gì trong tôn giáo? Họ cư xử ra sao? Giữa người cứu giúp và nạn nhân ở đây có liên hệ thế nào (xem Giăng 4:9)?
Thầy dạy luật của Do Thái Giáo là những chuyên gia về Luật Pháp tức là bộ luật mà Đức Chúa Trời đã ban bố cho ông Môi-se và được ghi lại trong các sách Ngũ Kinh. Vị luật gia muốn thử Chúa nên đặt ra cho Ngài một câu hỏi thật hóc búa, một câu hỏi muốn trả lời thỏa đáng phải biện luận bằng cả một pho sách: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Chúa trả lời ông bằng một câu hỏi, khiến luật gia đang ở thế chủ động bỗng trở thành bị động. Ý Chúa muốn nói: Ông là luật gia thuộc làu kinh sách, ông học rộng hiểu nhiều và dạy người ta nữa, vậy thì ông thấy trong đó dạy gì, cho biết điều gì là quan trọng hơn hết? Luật gia chứng tỏ đã nghiên cứu Luật Pháp cẩn thận và am tường cốt lõi của nó khi ông gom hai câu ở hai sách khác nhau (Phục Truyền và Lê-vi Ký) để trả lời Chúa. Nhưng hiểu biết là một chuyện, còn thực hành là chuyện khác. Khi Chúa bảo ông hãy thực hành đi thì được sống đời đời, ông (nhún vai!) hỏi vặn lại: “Ai là người lân cận tôi?” Ý ông muốn bảo rằng ông đã gặp gỡ tiếp xúc cả trăm, cả ngàn người, vậy ai trong số đó mới là người lân cận để ông yêu thương giúp đỡ. Chúa đã nhân câu hỏi đó để lại cho chúng ta câu chuyện dụ ngôn cảm động về người Sa-ma-ri nhân lành.
Người bị trấn lột, đánh đập bất tỉnh là một người Do Thái, vì anh xuất phát từ Giê-ru-sa-lem. Trong khi anh đang nằm giữa đường rên rỉ quằn quại thì có hai người Do Thái khác đi ngang qua. Nhưng không may cho anh, họ đều là những chức sắc tôn giáo chuyên về lễ lạc nghi thức thờ phượng Đấng Tôn Nghiêm, họ chỉ lo về phần hồn và chẳng thấy mình dính dáng hay có bổn phận gì với con người bầm giập, rách nát, máu me đang nằm trên đường kia, nên khi nhìn thấy anh thì tránh qua một bên và đi tiếp. Họ làm việc trong Đền Thờ, chắc có nhà cửa gia đình ở Giê-ru-sa-lem, rất có thể họ sống ngay bên cạnh nhà anh, nhưng họ không bao giờ là người lân cận của anh.
Người Sa-ma-ri, trái lại, là một người dị tộc, dị giáo. Giữa ông ấy và nạn nhân người Do Thái có một khoảng cách rất lớn, đó là tinh thần kỳ thị hiềm khích giữa hai sắc dân trải qua nhiều đời. Nhưng trước mặt ông bây giờ là một người đang bị thương tích hấp hối. Không cần biết người này thuộc chủng tộc nào, quốc tịch nào, tôn giáo nào, chỉ cần thấy anh là người đang yếu ớt tuyệt vọng trông chờ ông giúp đỡ. Người Sa-ma-ri đã ra tay băng rịt vết thương anh ngay tại chỗ, rồi chở anh đến nhà trọ dặn dò và trả tiền để họ săn sóc anh cho đến khi lành mạnh.
Ai là người lân cận của anh này? Bây giờ thầy dạy luật mới vỡ lẽ ra. Không cần phải là người đồng hương, láng giềng, quen biết, đồng ngôn ngữ, tôn giáo mới là lân cận. Khi bạn yêu thương cứu giúp người nào, dù đó là người xa lạ, thậm chí nghịch thù bạn, đó mới thật sự là người lân cận của bạn theo ý nghĩa của thiên đàng. Và chúng ta đã thấy gương đó nơi thập tự giá của Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp con không những chỉ biết đạo lý của Chúa nhưng còn thực hành trong đời sống hằng ngày. Xin giúp con biết yêu thương cứu giúp người khốn cùng cho dù phải chịu thiệt thòi hay phải trả giá.
(c) 2024 svtk.net