1 Đức Chúa Jêsus xuống thuyền lại trở qua biển và đến thành mình. 2 Nầy, có người đem lại cho Ngài một người đau bại nằm trên giường. Đức Chúa Jêsus thấy đức tin của các người đó, thì phán cùng người bại rằng: Hỡi con, hãy vững lòng, tội lỗi con đã được tha. 3 Khi ấy, có một vài thầy thông giáo đều nghĩ thầm rằng: Người nầy nói lộng ngôn.4 Song Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng mấy thầy đó, thì phán rằng: Nhân sao trong lòng các ngươi có ác tưởng làm vậy? 5 Trong hai lời nầy: một là nói, tội lỗi ngươi đã được tha; hai là nói, ngươi hãy đứng dậy mà đi, thì lời nào dễ nói hơn 6 Vả, hầu cho các ngươi biết Con người ở thế gian có quyền tha tội, thì Ngài phán cùng người bại rằng: Hãy đứng dậy, vác lấy giường, mà trở về nhà ngươi. 7 Người bại liền dậy mà trở về nhà mình. 8 Đoàn dân thấy phép lạ đó, thì ai nấy đều sợ hãi, và ngợi khen Đức Chúa Trời đã cho người ta được phép tắc dường ấy.
1. “Thành mình” (c. 1) là thành nào? Tại sao?
2. Người bại được tha thứ nhờ đức tin của ai?
3. Xin trả lời câu hỏi của Chúa Giê-xu trong câu 5 và cho biết lý do tại sao?
4. Xin cho biết kết quả của việc người bại được chữa lành (c. 8)
Na-xa-rét là quê hương của Chúa Giê-xu (2:23) nhưng khi bắt đầu chức vụ, Chúa đã đến cư ngụ tại Ca-bê-na-um (4:13). Thành mình (c. 1) vì vậy là Ca-bê-na-um, nơi Chúa chọn làm trung tâm cho chức vụ của Ngài. Mác và Lu-ca cũng ghi lại câu chuyện nầy nhưng với nhiều chi tiết hơn. Ma-thi-ơ rút ngắn nhằm nhấn mạnh chủ để thẩm quyền của Chúa trên bệnh tật và theo câu chuyện nầy, thẩm quyền trên tội lỗi. Mác cho biết có bốn người khiêng người bại đến cho Chúa và họ phải giở mái nhà, dòng người bệnh xuống (Mác 2:3-4). Cả ba Phúc Âm đều cho biết Chúa Giê-xu thấy đức tin của các người đó nên đã tha tội và chữa lành người bại. Chúa Giê-xu thấy đức tin họ là qua hành động của họ. Các người đó bao gồm cả người bại vì trong câu 2, Chúa Giê-xu nói trực tiếp với người bại: Hỡi con, hãy vững lòng.
Chúa Giê-xu tuyên bố tha tội trước khi chữa lành không nhất thiết ám chỉ rằng vì tội lỗi mà người nầy mắc bệnh (Giăng 9:3) nhưng cho thấy nhu cầu tâm linh (được tha tội) quan trọng hơn nhu cầu được chữa lành. Đây cũng là dịp để Chúa Giê-xu cho thấy Ngài chính là Đức Chúa Trời có quyền tha tội. Chính vì vậy mà các thầy thông giáo cho rằng Chúa nói lộng ngôn (c. 3). Đây là một tội trọng, đáng bị ném đá chết. Những thầy thông giáo chỉ nghĩ thầm nhưng Chúa Giê-xu biết được ý tưởng họ nên hỏi: Nhơn sao trong lòng các ngươi có ác tưởng làm vậy? (c. 4). Câu hỏi của Chúa (Chúa nói họ có ác tưởng) cho thấy các thầy thông giáo không phải ngạc nhiên về việc một người dám tuyên bố tha tội nhưng cho thấy họ có ác ý, chỉ tìm cớ buộc tội Chúa. Và vì vậy Chúa khẳng định về thần tính của Ngài trong lời tuyên bố: Hầu cho các ngươi biết Con Người ở thế gian CÓ QUYỀN tha tội... (c. 6a).
Câu hỏi của Chúa trong câu 5 là một lời thách thức, thật ra thì trả lời thế nào cũng không dễ. Nhưng có thể nói, ra lệnh cho một người bại đứng dậy mà đi là điều khó hơn vì điều nầy có thể kiểm chứng tức thời ngay tại chỗ trong khi lời tuyên bố tha tội không ai kiểm chứng được. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu cũng cho thấy lời tuyên bố tha tội của Ngài được đặt trên cơ sở vững vàng, đó là, Chúa chính là Đức Chúa Trời (Con Người ở thế gian có quyền tha tội) mà bằng chứng là Chúa có thể chữa lành cho người bại ngay lập tức (c. 6b-7). Người bại khi đến phải có người khiêng, bây giờ có thể tự mình đi trở về nhà. Trước phép lạ đó, phản ứng của dân chúng là sợ hãi và ngợi khen Đức Chúa Trời (c. 8). Sợ hãi mang ý nghĩa kinh sợ, thán phục vì cảm nhận quyền năng của Đức Chúa Trời và vì vậy điều tất nhiên là ngợi khen Đức Chúa Trời hay dâng vinh quang cho Đức Chúa Trời. Lý do họ ngợi khen Đức Chúa Trời là vì Chúa đã cho người ta được phép tắc dường ấy (c. 8b). Bản Hiệu Đính dịch là, Đấng đã ban cho loài người thẩm quyền như vậy. Câu nầy không có nghĩa là loài người được ban cho thẩm quyền như Chúa Giê-xu nhưng hàm ý là Đức Chúa Trời đã không giữ thẩm quyền của Ngài trên thiên đàng nhưng đã vui ban quyền tha tội và chữa bệnh đó cho nhân loại qua Chúa Giê-xu.