35 Đức Chúa Jêsus đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bịnh. 36 Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn. 37 Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. 38 Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.
1. Xin so sánh Ma-thi-ơ 9:35 và 4:23. Chúng ta có thể đi đến kết luận nào sau khi đối chiếu hai câu nầy?
2. Xin cho biết những công tác của Chúa Giê-xu trong câu 35.
3. Lý do nào khiến Chúa động lòng thương xót những đám dân đông? (c. 36)?
4. “Tan lạc như chiên không có kẻ chăn” nói lên điều gì?
5. Xin giải thích câu: “Mùa gặt thì thật trúng song con gặt thì ít” (c. 37)?
6. Theo câu 38, làm thế nào để giải quyết vấn đề “Mùa gặt thì thật trúng song con gặt thì ít”?
Hai câu 9:35 và 4:23 tương tự như nhau, mô tả ba chức vụ chính của Chúa: dạy dỗ, giảng Tin Lành và chữa bệnh. Phần từ chương 5-9 (nằm giữa hai câu nầy) cho thấy những chức vụ đó. Phần tiếp theo, sau 9:37, nói về con gặt, nhấn mạnh chủ đề làm môn đệ của Chúa. Ma-thi-ơ 9:35-38 vì vậy là phần chuyển ý từ chủ đề chức vụ của Chúa Giê-xu sang chủ đề làm môn đệ Chúa. (Xin xem phần giải thích 9:35 ở phần giải thích 4:23).
Tiếp theo câu mô tả chức vụ của Chúa Giê-xu trong 4:23 là câu nói về kết quả và địa bàn hoạt động của Ngài (4:24-25). Ma-thi-ơ 9:35 cũng nói về chức vụ của Chúa Giê-xu nhưng phần tiếp theo nói về tâm tình và phương cách làm việc của Chúa: Khi Ngài thấy những đám dân đông thì động lòng thương xót vì họ cùng khốn và tan lạc như chiên không có kẻ chăn (c. 36). Đối tượng của chức vụ Chúa Giê-xu là những đám dân đông và tâm tình của Chúa đối với họ là động lòng thương xót. Những chữ động lòng thương xót mang ý nghĩa “đau xót tận tâm can.” Động từ nầy chỉ được dùng cho Chúa Giê-xu hay chính Chúa dùng trong các ví dụ của Ngài (Lu-ca 15:20) cho thấy tình yêu thương bao la Thiên Chúa dành cho con người thể hiện trong những việc Chúa làm cho con người. Động lòng thương xót không phải chỉ là xúc động hay thấy tội nghiệp nhưng là lòng thương xót sâu đậm Chúa dành cho con người trong hoàn cảnh của họ: cùng khốn và tan lạc. Cùng khốn mang ý nghĩa bị quấy nhiễu, ngược đãi. Tan lạc nguyên nghĩa là bị quăng ra, ném ra xa, nói đến tình trạng cùng khốn, không làm gì được. Chiên là con vật yếu đuối, không có sức tự vệ. Không có người chăn, chiên bị tấn công dễ dàng. Chiên cũng không thể tự kiếm ăn mà cần có người chăn dẫn đi. Chiên không có kẻ chăn mô tả hoàn cảnh sống trong nguy hiểm mà không có lối thoát.
Mùa gặt thì thật trúng song con gặt thì ít (c. 37) là cái nhìn của Chúa Giê-xu vào đoàn dân. Tương tự như trong Giăng 4:35, mùa gặt nói đến những con người cần được đem vào Nước Trời. Lúa cần phải có người gặt (con gặt) thể nào thì Chúa cũng cần người đưa người khác vào Nước Trời như vậy. Dưới cái nhìn của Chúa, số người làm việc để đem người vào Nước Chúa quá ít. Để giải quyết nan đề nầy, Chúa Giê-xu bảo các môn đồ: Vậy, hãy cầu xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình (c. 38). Nan đề lớn nhưng giải pháp của Chúa là cầu nguyện. Cũng như mọi nan đề khác, phương cách giải quyết vấn đề nhân sự trong công tác truyền giáo (con gặt) là cầu nguyện. Đức Chúa Trời là Chủ mùa gặt sẽ cảm động và sai nhiều người làm công tác nầy khi chúng ta cầu xin với Ngài.