“Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định” (Rô-ma 13:1).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao người tin Chúa cần phải vâng phục nhà cầm quyền? Trách nhiệm của nhà cầm quyền là gì? Sự vâng phục này có những giới hạn nào? Vì sao?
Khi dạy về mối liên hệ giữa người tin Chúa và các nhà cầm quyền trên thế gian này, Sứ đồ Phao lô căn dặn mọi người phải vâng phục các bậc cầm quyền trên mình. Lý do ông đưa ra là vì chẳng có quyền nào được thiết lập mà không đến từ Chúa. Vì vậy, ai chống cự quyền phép tức là nghịch với mệnh lệnh Đức Chúa Trời đã lập.
Không ai có thể cầm quyền, nếu không có sự cho phép của Chúa. Chính Ngài bỏ và lập các vua (Ða-ni-ên 2:21). Chúa Giê-xu cũng đã xác nhận rằng quyền lực của nhà cầm quyền là do Chúa ban cho. Khi bị Tổng đốc Phi-lát xét xử, Ngài đã phán: “Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên Ta” (Giăng 19:11). Mặc dù sự thiết lập quyền thế đến từ Chúa, nhưng con người sử dụng điều họ được ban cho như thế nào lại là một vấn đề khác. Trong một xã hội lý tưởng, Sứ đồ Phao-lô khuyên con cái Chúa phải tuân theo nhà cầm quyền vì chức việc của họ là thưởng cho người công bình và phạt người gian ác. Ông khuyên các tín hữu ở La Mã phải càng bày tỏ thiện chí vâng phục nhà cầm quyền trong khi họ thường bị vu cáo là những người chống lại chính quyền.
Một mặt, lời khuyên của Sứ đồ Phao-lô cho thấy một trật tự được Chúa thiết lập trong xã hội, nhưng mặt khác cũng cho thấy thứ tự của trật tự này: Chúa trước, rồi mới đến nhà cầm quyền. Vì vậy, chúng ta cũng có thể hiểu rằng việc tuân phục nhà cầm quyền không thể cao hơn sự tuân phục Chúa là Đấng thiết lập các nhà cầm quyền. Các ví dụ sống động và can đảm của các con cái Chúa trải các thời đại đã cho thấy điều này.
Ông Đa-ni-ên bất tuân lệnh vua và cứ tiếp tục cầu nguyện với Đức Chúa Trời của mình (Đa-ni-ên 6). Sứ đồ Phi-e-rơ và các sứ đồ khi đứng trước tòa đã mạnh dạn tuyên bố: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công-vụ Các Sứ-đồ 5:29). Tổng Giám mục Geoffrey Clayton đã viết thư cho thủ tướng chính quyền Nam Phi năm 1957 để cho biết rằng ông và các giám mục thuộc địa phận của mình không thể tuân theo đạo luật cấm các hội đoàn nhà thờ giao lưu với những người da màu.
Biết bao người cũng đã bất tuân nhà cầm quyền khi họ bị bắt buộc, hay bị cấm làm việc gì đó trái ngược với lời dạy của Thánh Kinh. Đối với người tin Chúa, Đức Chúa Trời ở vị trí ưu tiên hàng đầu và điều này không thể thay đổi hoặc bị thỏa hiệp. Vì thế, xét trên phương diện tổng quát, việc vâng phục nhà cầm quyền bày tỏ người tin Chúa vâng lời Ngài. Xét trên các trường hợp cụ thể, khi người tin Chúa buộc phải bất tuân nhà cầm quyền, họ làm điều này cũng để bày tỏ họ thuận phục Chúa mà thôi.
Lạy Chúa, xin thương xót và ban cho chúng con lòng khôn ngoan, để chúng con biết suy xét và thuận phục Chúa, bằng cách tuân theo nhà cầm quyền, làm tròn bổn phận của một công dân tốt, hoặc có khi phải bất tuân nhà cầm quyền để làm vui lòng Chúa.
(c) 2024 svtk.net