Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 47

12:22-37 - TỘI PHẠM ĐẾN ĐỨC THÁNH LINH

22 Bấy giờ có kẻ đem đến cho Đức Chúa Jêsus một người mắc quỉ ám, đui và câm; Ngài chữa cho, đến nỗi người câm nói và thấy được. 23 Chúng lấy làm lạ, mà nói rằng: Có phải người đó là con cháu vua Đa-vít chăng? 24 Song những người Pha-ri-si nghe vậy, thì nói rằng: Người nầy chỉ nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỉ mà trừ quỉ đó thôi.

25 Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng họ, thì phán rằng: Một nước mà chia xé nhau thì bị phá hoang; một thành hay là một nhà mà chia xé nhau thì không còn được. 26 Nếu quỉ Sa-tan trừ quỉ Sa-tan, ấy là tự nó chia xé nhau; thì nước nó làm sao còn được ư? 27 Và nếu ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà trừ quỉ, thì con các ngươi nhờ ai mà trừ quỉ ư? Bởi đó, chính chúng nó sẽ xử đoán các ngươi vậy. 28 Mà nếu ta cậy Thánh Linh của Đức Chúa Trời để trừ quỉ, thì nước Đức Chúa Trời đã đến tận các ngươi. 29 Hay là, có lẽ nào, ai vào nhà một người mạnh sức để cướp lấy của, mà trước không trói người mạnh sức ấy được sao? Phải trói người rồi mới cướp của nhà người được. 30 Ai không ở với ta, thì nghịch cùng ta; ai không thâu hiệp với ta, thì tan ra. 31 Ấy vậy, ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; song lời phạm thượng đến Đức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu. 32 Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.

33 Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây. 34 Hỡi dòng dõi rắn lục; bay vốn là loài xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. 35 Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác. 36 Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói; 37 vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt.

 

1. Xin cho biết bệnh trạng của người được Chúa chữa lành (c. 22)

2. Gọi Chúa Giê-xu là “con cháu vua Đa-vít” (c. 23) mang ý nghĩa gì?

3. Tại sao người Pha-ri-si lại nói Chúa Giê-xu nhờ chúa quỷ mà trừ quỷ (c. 24)?

4. Xin cho biết những lý luận Chúa Giê-xu dùng để trả lời người Pha-ri-si (c. 25-29).

5. Chúa Giê-xu nêu nguyên tắc gì trong câu 30?

6. Tại sao tội phạm đến Đức Thánh Linh lại không được tha (c. 31-32)?

7. Câu 33 cho thấy nguyên tắc gì và Chúa Giê-xu đã áp dụng điều đó như thế nào đối với người Pha-ri-si (c. 34-35)

8. Câu 36-37 nói về điều gì trong ngày phán xét?

 

Ma-thi-ơ 12:22-24 nói về việc Chúa chữa lành cho một người bị quỷ ám. Phản ứng của người Pha-ri-si trước việc chữa lành nầy là cho rằng Chúa Giê-xu nhờ chúa quỷ mà trừ quỷ (c. 24). Chúa Giê-xu đã trả lời về lời cáo buộc đó trong phần còn lại của phân đoạn nầy (c. 25-37).

Bệnh trạng của người được chữa lành là mắc quỷ ám, đui và câm (c. 22). Vấn đề chính của người nầy là bị quỷ ám vì phần lại của câu chuyện xoay quanh việc quỷ ám và trừ quỷ. Mù và câm là hậu quả của việc bị quỷ ám. Phần nầy không mô tả chi tiết phương cách chữa lành mà chỉ nói đến kết quả, là đề tài của phần tranh luận tiếp theo. Phản ứng của dân chúng là ngạc nhiên và nói: Có phải người đó là con cháu vua Đa-vít chăng? (c. 23). Con vua Đa-vít là danh hiệu chỉ về Đấng Mê-si-a, là người mà con dân Chúa mong đợi. Dân chúng đặt câu hỏi như vậy vì họ không rõ Chúa Giê-xu có phải là Đấng Mê-si-a không. Phép lạ Chúa làm tỏ ra Chúa là Đấng Mê-si-a nhưng nhìn vào bên ngoài, cách Chúa giảng dạy và đám môn đệ của Chúa không có vẻ gì là “hoàng gia,” Con vua Đa-vít cả! Người Pha-ri-si thì giải thích theo lý luận và định kiến của họ: chỉ có chúa quỷ mới trừ được quỷ!(c. 24). Họ đã từng nói về Chúa như vậy (9:34) và Chúa cũng nhắc lại điều đó với các môn đệ (10:25).

Chúa Giê-xu trả lời cho người Pha-ri-si với những lý luận sau:

1. Sa-tan tự đánh Sa-tan là việc vô lý (c. 25-26). Chúa Giê-xu dùng ba hình ảnh: một nước, một thành và một nhà chia rẽ nhau để cho thấy điều đó (c. 25). Một nước, một thành và một nhà không thể chia rẽ nhau mà tồn tại được thể nào, thì cũng vậy, Sa-tan không thể tự đánh Sa-tan để tiếp tục đứng vững (c. 26).

2. Chúa Giê-xu không phải là người duy nhất đuối quỷ (c. 27). Con các ngươi (c. 27) có thể hiểu là “người của các ngươi,” chỉ về người Do-thái hay môn đệ của người Pha-ri-si. Việc những người Do-thái khác có thể đuổi quỷ là việc có thật được sử gia Josephus ghi chép lại. Trong thời Chúa Giê-xu cũng có những nhóm người khác làm điều đó (Mác 9:38; Công vụ 19:13). Người Pha-ri-si chắc hẳn sẽ không nói rằng người của họ đuổi được quỷ là nhờ ma quỷ. Nói như vậy, họ sẽ bị chính người của họ chứng minh là họ sai!

3. Chúa Giê-xu trừ quỷ nhờ quyền phép Thánh Linh của Đức Chúa Trời (c. 28-29). Chúa Giê-xu dùng câu nầy để chứng minh Nước Đức Chúa Trời hay quyền cai trị của Đức Chúa Trời đã đến qua việc Chúa Giê-xu bày tỏ quyền năng của Ngài trên ma quỷ. Câu 29 là một ẩn dụ rút ngắn hàm ý quyền năng của quỷ Sa-tan đã bị Chúa trói buộc nên Chúa có quyền đuổi quỷ.

Câu 30: Ai không ở với Ta thì nghịch cùng Ta. Ai không thâu hiệp với Ta thì tan ra hàm ý không có vị trí lưng chừng trong việc theo Chúa: không đứng về phía Chúa là chống nghịch Ngài. Thâu hiệp là hình ảnh chiên trong đàn, nếu không theo Chúa, sẽ bị tan lạc. Không tuân phục Chúa hết lòng là ở về phía của những người chống nghịch Ngài.

Với những lý luận trên, Chúa Giê-xu cho thấy, khi một người chứng kiến quyền năng của Ngài qua Chúa Thánh Linh mà lại cho đó là quyền năng của ma quỷ là người đó nói phạm đến Đức Thánh Linh và đó là tội sẽ không bao giờ được tha (c. 31-32). Các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha (c. 31a) không có nghĩa đây là những tội không nghiêm trọng và sẽ tự nhiên được tha nhưng nghĩa là các tội nầy sẽ được tha khi người ta ăn năn và từ bỏ. Lời phạm thượng đến Đức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu (c. 31b) trước hết hàm ý không có việc ăn năn và từ bỏ. Chúa Giê-xu cũng nói, Nếu ai nói phạm đến Con Người thì sẽ được tha, song nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha (c. 32).

“Sự khác nhau giữa tội phạm đến Con Người (Chúa Giê-xu ) và tội phạm đến Đức Thánh Linh không phải là Con Người (Chúa Giê-xu) không quan trọng bằng Đức Thánh Linh... Tội phạm đến Con Người là khước từ Phúc Âm của Chúa Giê-xu (nhưng có thể có lúc sẽ ăn năn và được tha thứ) còn tội phạm đến Đức Thánh Linh là biết rõ ràng quyền năng của Đức Thánh Linh nhưng vẫn cố tình, cố ý phủ nhận quyền năng đó” (Carson). Đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha không hàm ý có những tội về sau sẽ được tha nhưng chỉ có nghĩa tội phạm đến Đức Thánh Linh là tội đem lại hậu quả trong đời nầy và suốt cả cõi vĩnh hằng.

Tội phạm đến Đức Thánh Linh trong khung cảnh câu chuyện nầy là: biết rõ công việc Đức Chúa Trời thực hiện qua Chúa Thánh Linh mà cố tình phủ nhận, nhất quyết cho đó là công việc của ma quỷ. Biết rõ đuổi quỷ là việc tốt lành mà lại nói đó là công việc của Sa-tan là tội không bao giờ có thể tha thứ được, vì như vậy là phủ nhận chính sự cáo trách của Chúa Thánh Linh là yếu tố đưa đến chỗ ăn năn để được tha thứ.

lời nói của người Pha-ri-si cho rằng việc Chúa làm là việc của ma quỷ (c. 24) nên trong 9:33-37, Chúa Giê-xu cho thấy những nguy cơ và tai hại của lời nói. Hình ảnh cây và trái Chúa Giê-xu đã nói trong Bài Giảng Trên Núi (7:16-18) nhưng ở đây Chúa đặc biệt áp dụng cho vấn đề lời nói: Bay vốn là loài xấu làm sao nói được sự tốt? (c. 34a). Chúa cũng gọi người Pha-ri-si là dòng dõi rắn lục như Giăng Báp-tít đã gọi họ trước kia (3:7). Chúa Giê-xu nêu lên chân lý muôn đời trong câu, Do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra (c. 34b). Nghe một người nói ra điều gì chúng ta có thể biết được điều chất chứa trong lòng người đó. Lời nói cho biết con người thật của chúng ta. Điều thiện hay điều ác phát xuất từ  nơi nguồn là tấm lòng thiện hay ác (c. 35).

Lời nói của con người chẳng những có ảnh hưởng trong đời sống nầy nhưng cũng ảnh hưởng trong ngày phán xét: Đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói (c. 36). Khai ra nghĩa là khai trình, phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Lời hư không là lời ta cho là không quan trọng, không ảnh hưởng gì đến ai. Tuy nhiên, lời nói đó bày tỏ con người thật và là căn bản cũng như bằng chứng để chịu xét xử: được xưng là công bình hay sẽ bị phạt (c. 37). Trong bối cảnh của câu chuyện nầy, lời nói của người Pha-ri-si cho rằng quyền năng của Chúa Thánh Linh là quyền năng đến từ ma quỷ. Đó là lời nói khiến họ sẽ bị phạt.