1 Cũng ngày ấy, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nhà, ngồi bên mé biển. 2 Đoàn dân nhóm họp xung quanh Ngài đông lắm, đến nỗi Ngài phải xuống thuyền mà ngồi, còn cả đoàn dân đứng trên bờ. 3 Ngài dùng thí dụ mà giảng nhiều điều cùng họ. Ngài phán như vầy: Có người gieo giống đi ra đặng gieo. 4 Khi đang gieo, một phần giống rơi dọc đường, chim bay xuống và ăn. 5 Một phần khác rơi nhằm chỗ đất đá sỏi, chỉ có ít đất thịt, bị lấp không sâu, liền mọc lên; 6 song khi mặt trời mọc lên, thì bị đốt, và vì không có rễ, nên phải héo. 7 Một phần khác rơi nhằm bụi gai, gai mọc rậm lên, phải nghẹt ngòi. 8 Một phần khác nữa rơi nhằm chỗ đất tốt, thì sanh trái; hoặc một hột ra được một trăm, hoặc một hột sáu chục, hoặc một hột ba chục. 9 Ai có tai, hãy nghe!
10 Môn đồ bèn đến gần Ngài mà hỏi rằng: sao thầy dùng thí dụ mà phán cùng chúng vậy? 11 Ngài đáp rằng: bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu nhiệm của nước thiên đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết. 12 Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ được dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì lại cất luôn điều họ đã có nữa. 13 Vậy nên ta phán thí dụ cùng chúng; vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết. 14 Vậy, về họ, đã được ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai rằng:
Các ngươi sẽ lắng tai nghe, mà chẳng hiểu chi;
Lấy mắt xem mà chẳng thấy chi.
15 Vì lòng dân nầy đã cứng cỏi;
Đã làm cho nặng tai Và nhắm mắt mình lại,
E khi mắt mình thấy được,
Tai mình nghe được,
Lòng mình hiểu được,
Họ tự hối cải lại,
Và ta chữa họ được lành chăng.
16 Nhưng phước cho mắt các ngươi, vì thấy được; phước cho tai các ngươi, vì nghe được! 17 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, có nhiều đấng tiên tri, nhiều người công chính đã ước ao thấy điều các ngươi thấy, mà chẳng được thấy; ước ao nghe điều các ngươi nghe, mà chẳng được nghe.
18 Ấy vậy, các ngươi hãy nghe nghĩa ví dụ về kẻ gieo giống là gì. 19 Khi người nào nghe đạo nước thiên đàng, mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp điều đã gieo trong lòng mình; ấy là kẻ chịu lấy hột giống rơi ra dọc đường. 20 Người nào chịu lấy hột giống nơi đất đá sỏi, tức là kẻ nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy; 21 song trong lòng không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, đến khi vì đạo mà gặp sự cực khổ, sự bắt bớ, thì liền vấp phạm. 22 Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm về của cải, làm cho nghẹt ngòi đạo và thành ra không kết quả. 23 Song, kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt, tức là kẻ nghe đạo và hiểu; người ấy được kết quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục.
1. Xin mô tả khung cảnh Chúa Giê-xu giảng dạy trong 13:1-3
2. Xin kể ra những loại “đất” hạt giống rơi xuống (c. 3b-8)
3. Xin cho biết mục đích Chúa Giê-xu dùng thí dụ để giảng dạy (c. 11)
4. Câu 12 có mô tả một điều bất công không? Nếu không thì tại sao?
5. Xin cho biết ý nghĩa ví dụ về người gieo giống theo lời giải thích của Chúa Giê-xu trong câu 18-23
Chương 13 bắt đầu một phần mới trong Phúc Âm Ma-thi-ơ. Các chương trước mô tả Chúa Giê-xu dạy dỗ trong nhà hội, ở đây, Chúa Giê-xu dạy bên mé biển (c. 1), tức là Biển Hồ Ga-li-lê. Trong phần nầy, chúng ta thấy Chúa Giê-xu giảng dạy bằng ví dụ, dù Ngài cũng từng dùng ví dụ trước đây (7:24-27). Ví dụ là hình ảnh hay câu chuyện trong đời thường được dùng để dạy những chân lý thiên thượng. Những chi tiết trong các ví dụ có khi có ý nghĩa riêng nhưng ví dụ thường chỉ nêu lên một ý chính cho chúng ta áp dụng. Chúa Giê-xu dùng ví dụ dạy dỗ là để cho người nghe suy nghĩ, nếu không họ sẽ không nhìn thấy chân lý trong những lời dạy của Ngài (c. 11-15).
Chương 13 ghi lại bảy ví dụ của Chúa Giê-xu, mở đầu với ví dụ Người Gieo Giống nói về nước thiên đàng (c. 18). Các ví dụ còn lại đều bắt đầu với câu: Nước thiên đàng giống như... cho thấy tất cả các ví dụ nầy nhằm mô tả huyền nhiệm của Nước Trời. Người ta thường cho rằng sứ đồ Ma-thi-ơ đã góp nhặt các ví dụ Chúa Giê-xu kể trong nhiều trường hợp khác nhau rồi gộp lại nhưng dựa vào 13:53, rất có thể Chúa Giê-xu đã kể các ví dụ nầy cùng một lần. Bốn ví dụ đầu Chúa dạy nơi mé biển cho đoàn dân còn lời giải thích về ví dụ về cỏ lùng và các ví dụ khác, Chúa dạy cho các môn đồ khi ở trong nhà (c. 36).
Cũng ngày ấy (c. 1) cho thấy Chúa Giê-xu dạy dỗ những lời nầy ngay sau khi mẹ và những người em Chúa đến tìm gặp Ngài (12:46-50). Tương tự như trong 5:1, ngồi là ở trong tư thế dạy dỗ cho nên đoàn dân nhóm họp chung quanh Ngài đông lắm (c. 2a). Vì đoàn dân đông nên Chúa đã phải xuống thuyền mà ngồi, còn cả đoàn dân đúng trên bờ (c. 2b). Quang cảnh nầy tương tự như trong Lu-ca 5:1-3. Ngài dùng thí dụ mà giảng nhiều điều cùng họ (c. 3) hàm ý đây là một bài giảng dài, trong đó Chúa Giê-xu dùng nhiều ẩn dụ để dạy dỗ. Ẩn dụ đầu tiên Chúa Giê-xu dùng để dạy lấy từ công việc gieo trồng, một hình ảnh quen thuộc mọi nơi, mọi lúc, cho mọi người.
Ẩn dụ người gieo giống và ý nghĩa có thể tóm tắt như sau:
LOẠI ĐẤT |
MÔ TẢ |
KẾT QUẢ |
Ý NGHĨA |
Dọc đường |
|
Chim bay xuống và ăn |
Không hiểu, quỷ dữ cướp điều đã gieo |
Đất đá sỏi |
Chỉ có ít đất thịt |
Bị mặt trời đốt, héo |
Trong lòng không có rễ, vấp phạm vì cực khổ, bắt bớ |
Bụi gai |
Gai mọc rậm lên |
Nghẹt ngòi |
Lo lắng về đời nầy, mê đắm về của cải làm cho nghẹt ngòi |
Đất tốt |
|
|
Nghe đạo, hiểu, kết quả |
Đất đá sỏi không phải là đất lẫn với đá nhưng là đất đá, chỉ có ít đất thịt (Bản Hiệu Đính). Đây là những chỗ bên dưới là đá, chỉ có lớp đất mỏng ở trên. Những chỗ đất như vậy, hạt giống có thể nẩy mầm (liền mọc lên) nhưng vì bị lấp không sâu nên không có rễ. Do đó, khi mặt trời mọc lên, hàm ý khi nắng gắt thì bị đốt và héo (c. 6).
Điều xảy ra cho hạt giống rơi nhằm bụi gai là gai mọc rậm lên, làm cho nghẹt ngòi (c. 7). Chỗ đất tốt thì đem lại kết quả gấp trăm lần, gấp sáu mươi lần hay gấp ba mươi lần. Gấp trăm lần là kết quả phong phú (Sáng 26:12), các kết quả khác cũng là kết quả tốt đẹp.
Ai có tai hãy nghe (c. 9) tương tự như 11:15 hàm ý nghe bằng tai không đủ, phải hiểu, thấm nhuần điều mình nghe và làm theo, nhấn mạnh đến trách nhiệm của người nghe. Đây cũng là câu tóm tắt ý nghĩa ẩn dụ người gieo giống: điều quan trọng trong việc nghe Lời Chúa là nghe, thực hành và kết quả.
Trước khi giải thích ý nghĩa ẩn dụ người gieo giống, Chúa Giê-xu cho các môn đồ biết tại sao Ngài dùng ẩn dụ để dạy dỗ dân chúng (c. 11-17). Câu các môn đồ hỏi Chúa (c. 10) hàm ý là tại sao Chúa cứ dùng ẩn dụ mà phán với dân chúng như vậy? Tại sao Chúa không phán dạy trực tiếp mà lại dùng ẩn dụ? Câu trả lời của Chúa Giê-xu mang ý nghĩa tiên tri, nghĩa là để ứng nghiệm lời của tiên tri Ê-sai (c. 14-15).
Truớc hết, Chúa Giê-xu cho thấy rằng các môn đệ được đặc ân biết những điều mầu nhiệm của nước thiên đàng (c. 11). Điều mầu nhiệm của nước thiên đàng nói đến điều con người không thể tự tạo cho mình, chính vì vậy mà “mầu nhiệm.” Trong Tân Ước, mầu nhiệm của nước thiên đàng mang một ý nghĩa xa hơn: điều mà con người không thể tự tạo cho mình, Đức Chúa Trời lại bày tỏ ra cho chúng ta biết (Ê-phê-sô 3:4-5). Chúa Giê-xu cho thấy rằng huyền nhiệm về Nước Đức Chúa Trời không phải là điều mà ai cũng có thể biết, chỉ những người nào Đức Chúa Trời bày tỏ ra thì mới biết mà thôi. Các môn đồ của Chúa là những người biết được huyền nhiệm đó, chính vì vậy họ là môn đồ của Chúa. Đoàn dân vì không biết huyền nhiệm của Nước Chúa cho nên không đáp ứng như điều đáng phải làm. Điều quan trọng nhất trong huyền nhiệm của Nước Trời là Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a từ trời đến. Người nào chấp nhận điều đó, tin Chúa Giê-xu sẽ hiểu được huyền nhiệm Nước Trời. Người ta có thể nghe Lời Chúa nhưng không thể hiểu được nếu không thần phục Chúa, không để Ngài cai trị đời sống.
Câu: Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có thì họ sẽ được dư dật nhưng kẻ nào không có thì lại cất luôn điều họ đã có nữa (c. 12) nếu nói về của cải vật chất thì thật bất công nhưng đây nói đến giá trị tâm linh. Chúa muốn nói đến món quà ân sủng (biết được điều mầu nhiệm của nước thiên đàng) và trách nhiệm của con người với món quà đó. Người nào biết được “mầu nhiệm của Nước Trời” và sử dụng đúng, chân lý đó sẽ gia tăng. Ngược lại, không sử dụng nó sẽ mai một đi. Nguyên tắc nầy cũng áp dụng cho những tài năng thiên phú, không sử dụng, những khả năng đó cũng mai một đi như vậy.
Câu 13 không hàm ý rằng Chúa dùng ẩn dụ để cho họ không hiểu, nhưng chính vì họ không chịu thấy, không chịu nghe và không chịu hiểu nên Chúa mới dùng ẩn dụ. Người có tinh thần tìm kiếm sẽ đào sâu vào các ẩn dụ để hiểu được điều Chúa dạy. Chúa Giê-xu cho thấy đây là điều ứng nghiệm lời của tiên tri Ê-sai. Khi Ê-sai được Đức Chúa Trời bổ nhiệm làm tiên tri, Đức Chúa Trời nói trước cho ông biết là người ta sẽ khước từ sứ điệp của ông (Ê-sai 6:9-10).
Tương tự như câu 13, câu 15 hàm ý rằng vì con người không muốn được chữa lành khỏi căn bệnh tội lỗi, không muốn hối cải (phần cuối câu 15) nên Chúa mới phán dạy bằng ẩn dụ để nếu muốn được chữa lành họ phải thật sự tìm kiếm để nghe, để hiểu và để ăn năn.
Câu 16-17 đối chiếu các môn đồ của Chúa với người ngoài. Họ được đặc ân của Chúa để nghe và hiểu lời dạy của Ngài. Các tiên tri và người công chính nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời cách gián tiếp nhưng môn đồ của Chúa được nghe và học trực tiếp với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu (c. 17).
Ẩn dụ Người Gieo Giống được Chúa Giê-xu giải thích như sau:
1. Hạt giống rơi dọc đường (c. 19). Chúa nói hạt giống nầy chỉ về người nghe đạo mà không hiểu. Không hiểu hàm ý không chịu hiểu, không muốn hiểu hay nghe mà không nhìn thấy chân lý trong những điều mình nghe. Hạt giống đạo thật sự đã gieo trong lòng người đó, người đó đã chịu lấy hạt giống nhưng không có một đáp ứng nào, không hành động theo điều mình nghe. Ma quỷ rất thích những người như vậy (như chim thấy hạt giống trên đường) sẽ đến cướp mất lời Chúa mà người đó đã nghe.
2. Hạt giống nơi đất đá sỏi (c. 20-21). Có hai yếu tố trong trường hợp nầy: (1) Yếu tố bên trong: trong lòng không có rễ. (2) Yếu tố bên ngoài: cực khổ, bắt bớ. Lời ở trong lòng thì không sâu, yếu tố tấn công bên ngoài thì mạnh cho nên hậu quả là vấp phạm. Chữ vấp phạm trong nguyên văn cũng là chữ để chỉ chỗ gắn miếng mồi trong cái bẫy. Con vật đụng đến chỗ đó sẽ bị sập bẫy. Người tiếp nhận Lời Chúa cách hời hợt cũng giống như vậy: cực khổ, bắt bớ thay vì gia tăng đức tin sẽ làm cho người đó vấp ngã.
3. Hạt giống nơi bụi gai (c. 22). Hai yếu tố làm cho nghẹt ngòi đạo trong trường hợp nầy là hai thái độ khác nhau liên quan đến của cải vật chất: một bên là lo lắng, một bên là tham lam. Đối với vật chất ở đời chúng ta thường có hai khuynh hướng đối ngược: hoặc là quá lo lắng, hoặc là chạy theo của cải. Hai điều nầy giống như những cây gai che phủ lên trên cái cây đang lớn, khiến cho cây không thể tăng trưởng nên không kết quả.
4. Hạt giống nơi đất tốt (c. 23). Trong cả bốn trường hợp, điểm nhấn mạnh là nơi NGƯỜI NHẬN hạt giống, không phải nơi hạt giống (c. 19, 20, 22, 23). Cùng một loại hạt giống nhưng tùy cách tiếp nhận, đưa đến những kết quả hoàn toàn khác nhau. Điểm khác biệt của người cuối cùng là nghe đạo và hiểu, nghĩa là chịu hiểu và hành động theo điều mình hiểu, ngược lại với việc bỏ ngoài tai hay nghe cách hời hợt hay để cho những yếu tố khác chi phối. Những lượng kết quả khác nhau (một trăm, sáu chục, ba chục) hàm ý cách đáp ứng khác nhau, nhiều hơn, mạnh hơn hay ít hơn, yếu hơn. Điều quan trọng là đáp ứng tốt nên dù ít hay nhiều cũng đều là kết quả bội phần, từ một hột giống ra cả trăm, cả chục hột khác.
Ẩn dụ Người Gieo Giống chẳng những nói về những nhóm người khác nhau trong việc nghe Lời Chúa nhưng cũng nói lên thái độ của một người đối với Lời Chúa trong những trường hợp khác nhau. Có khi chính chúng ta nghe Lời Chúa mà bỏ ngoài tai, hay nghe cách hời hợt, hay để cho những điều của trần gian chi phối ảnh hưởng của Lời Chúa.