Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Trưởng Thành trong Mối Liên Hệ

Giăng 2:1-5

“Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: “Hỡi đàn bà kia, Ta với ngươi có sự gì chăng? Giờ Ta chưa đến” (Giăng 2:4).

Câu hỏi suy ngẫm: Bà Ma-ri có hàm ý gì khi bà nói với Chúa rằng người ta không có rượu nữa? Câu trả lời của Chúa trong câu 4 phải được hiểu như thế nào? Lời đáp ứng của bà Ma-ri trong câu 5 cho thấy điều gì? Trong hành trình sống theo mục đích Chúa kêu gọi bạn, gia đình nằm ở vị trí nào, cao hơn hay ở dưới Chúa?

Lồng vào trong câu chuyện về đám cưới tại Ca-na là một cuộc đối thoại rất quan trọng về mối liên hệ gia đình và sứ mệnh của Chúa Giê-xu. Có lẽ bà Ma-ri lãnh một phần trách nhiệm trong tiệc cưới vì bà được nhắc đến đầu tiên trong câu chuyện này và bà cũng là người biết được thông tin về việc thiếu rượu. Vì tính nghiêm trọng của sự thiếu hụt này, bà Ma-ri đã đến nói với Chúa: “Người ta không có rượu nữa.” Dường như đây chỉ là một câu thông báo bình thường, nhưng câu trả lời của Chúa Giê-xu cho thấy các hàm ý bên trong của câu nói này.

Chúa Giê-xu trả lời: “Hỡi đàn bà kia, ta với ngươi có sự gì chăng? Giờ Ta chưa đến” (câu 4). Chữ “Hỡi đàn bà kia” cũng được Chúa Giê-xu sử dụng khi Ngài nói với người phụ nữ Sa-ma-ri (Giăng 4:21), với mẹ của Ngài khi Ngài ở trên cây thập tự (Giăng 19:26) và với bà Ma-ri Ma-đơ-len (Giăng 20:15). Nhìn chung, từ ngữ này cho thấy một sự kính trọng và có khoảng cách đối với đối tượng đang ở trong sự bỏ rơi hoặc buồn bã. Vì vậy, chữ này vừa hàm ý cảm thông, vừa giữ khoảng cách.

Những chữ “Tôi với bà có sự gì chăng” theo cách dùng của người Do Thái hàm ý “tại sao kéo tôi vào chuyện này?” hay “tôi và anh có liên quan gì đến chuyện này” (Xem II Các Vua 3:13; Ô-sê 14:8). Ma quỷ dùng những chữ này để giữ khoảng cách với Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 8:29; Mác 1:24). Vì vậy, Chúa Giê-xu có ý khiển trách bà Ma-ri, nhưng trong một sự nhã nhặn thích hợp. Lý do là vì bà Ma-ri đến với Chúa trong phương diện một người mẹ đến yêu cầu con, nhưng Chúa muốn bà thấy quyết định của Chúa không tùy thuộc vào quyền của bà nhưng tùy thuộc vào chương trình của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, khi Chúa nói, “Giờ Ta chưa đến,” Ngài hàm ý, “Điều bà muốn Ta làm thích hợp như thế nào trong chương trình của Đức Chúa Cha?”

Sống có mục đích đòi hỏi một sự trưởng thành thuộc linh trong các mối liên hệ, đặc biệt trong mối liên hệ với gia đình. Truyền thống văn hóa trong các gia đình Á Đông đặt vai trò của cha mẹ ở vị trí rất cao. Tuy nhiên, truyền thống tốt đẹp này có thể bị ma quỷ khai thác và lợi dụng để đi ngược lại ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho con người. Chúa Giê-xu tôn trọng bà Ma-ri và đã làm phép lạ hóa nước thành rượu. Tuy nhiên, Chúa cũng cho biết việc làm của Ngài nằm trong thời điểm và ý muốn của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, mối liên hệ và ràng buộc giữa Ngài với Đức Chúa Cha ở vị trí cao hơn mối liên hệ giữa Ngài với bà Ma-ri, là mẹ phần xác của Ngài.

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho con sự khôn ngoan và nhu mì để lắng nghe tiếng Chúa phán qua gia đình và những người chung quanh; đồng thời có sự can đảm và đức tin để đặt Chúa trên cả gia đình.

(c) 2024 svtk.net