Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 25

Giá Trị của Lời Quở Trách

Công-vụ Các Sứ-đồ 8:18-25

“Một lời quở trách tỏ tường hơn là thương yêu giấu kín” (Châm Ngôn 27:5).

Câu hỏi suy ngẫm: Qua lời cầu xin và hành động của thuật sĩ Si-môn, chúng ta biết đức tin của ông như thế nào? Sứ đồ Phi-e-rơ đã trả lời ra sao? Lời quở trách tỏ tường và mạnh mẽ của Sứ đồ Phi-e-rơ đã giúp gì cho ông Si-môn? Bạn cần quở trách người khác, hay đón nhận lời quở trách với tinh thần và thái độ như thế nào?

Ông Si-môn là một người làm nghề phù phép, tự xưng mình là nhân vật quan trọng (câu 10). Khi ông Phi-líp rao giảng về Chúa Giê-xu thì thuật sĩ Si-môn đã tin nhận Phúc Âm, nhận lãnh phép báp-tem và ở cùng với ông Phi-líp (câu 13, 14). Nhưng qua lời cầu xin của ông với hai sứ đồ, chúng ta nhận thấy rằng niềm tin của ông còn rất lệch lạc. Ông Si-môn đã nghĩ rằng có thể dùng tiền để mua thẩm quyền của các sứ đồ hầu cho khi ông đặt tay cầu nguyện thì những người khác được nhận lãnh Chúa Thánh Linh. Có lẽ ông chưa thật sự hiểu về niềm tin mới của mình hoặc ông chưa tin Chúa thật lòng. Cũng có thể ông còn bị quan điểm đời sống cũ chi phối, mọi thứ ông muốn đều có thể dùng tiền để mua. Sứ đồ Phi-e-rơ đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng rằng ông đang ở trong mật đắng và xiềng xích của tội ác, không ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phi-e-rơ nghiêm khắc quở trách rằng tiền bạc không thể mua được sự ban tặng của Đức Chúa Trời nhưng sẽ hư vong với ông. Và cuối cùng, Sứ đồ Phi-e-rơ kêu gọi ông ăn năn để được Chúa tha thứ. Chúng ta không biết là sau đó ông Si-môn có ăn năn thật hay không nhưng ông đã nhờ hai sứ đồ cầu nguyện để ông không mắc phải hậu quả như các sứ đồ đã cảnh báo.

Thẳng thắn quở trách những sai trật của anh chị em mình trong động cơ muốn điều tốt đẹp đến với người đó là một hành động yêu thương mà nhiều khi chúng ta không làm được hay cố tình lảng tránh. Chúng ta thường ngại người khác buồn khi nói ra sự thật, “sự thật mất lòng!” nhất là đối với những người có quyền, có tiếng. Nhưng Châm Ngôn 27:5 dạy rằng: “Một lời quở trách tỏ tường hơn là yêu thương giấu kín.” Về phía mình, đón nhận lời quở trách một cách tích cực, xét lại chính mình qua Lời Chúa, và sửa chữa những điều sai phạm là người khôn ngoan. “Ai ưa điều sửa phạt ưa sự tri thức; nhưng kẻ ghét sự quở trách là ngây dại” (Châm Ngôn 12:1). Đặc biệt là lời nhắc nhở của Chúa Thánh Linh và Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh, chúng ta chớ coi thường!

Bạn có thường yên lặng trước những sai trái của người khác vì sợ mích lòng không?

Lạy Chúa, xin cho con dùng lời trách cứ với lòng yêu thương khi anh chị em con sai phạm; và nếu con nhận được lời quở trách, xin cho con biết xét mình với Chúa và mềm lòng ăn năn khi nhận biết sai phạm của mình.

(c) 2024 svtk.net