Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Cơ Hội Làm Chứng

I Phi-e-rơ 3:13-17

"Vì ý muốn Đức Chúa Trời dường ấy, thì thà làm điều thiện mà chịu khổ, còn hơn làm điều ác mà chịu khổ vậy"

(I Phi-e-rơ 3:17).

Câu hỏi suy ngẫm: Cơ Đốc nhân cần phản ứng ra sao trước những sự bức hại, đặc biệt là trong lời nói và cách sống của họ? Động cơ để có thể làm được điều này là gì? Bạn đang đối diện với những sự chịu khổ nào? Những điều này có phải vì Danh Chúa hay không? Làm thế nào để biến những điều này thành cơ hội để làm chứng cho Chúa?

Chịu khổ vì Danh Chúa phải được xem như một cơ hội tốt để làm chứng về Chúa cho những người chung quanh. Điều quan trọng là chúng ta phải biết thật rõ đây có phải là ý muốn Chúa cho tôi hay không. Chúng ta cần tự hỏi chính mình, "Tôi đang chịu khổ vì làm điều thiện, tức là những điều Chúa hài lòng, hay tôi đang chịu khổ vì làm điều ác?" Sau khi đã xác định rõ điều này, chúng ta cần xem sự chịu khổ này như một cơ hội để làm chứng về Chúa cả trong lời nói lẫn việc làm.

Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên: "Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ" (câu 15). Thật vậy, khi Cơ Đốc nhân đã tôn Chúa là thánh trong lòng của mình, thì họ luôn sẵn sàng tuyên xưng đức tin của mình một cách rõ ràng cho những người chất vấn họ. Nội dung của đức tin này là sự trông cậy của Cơ Đốc nhân nơi sự chết và sống lại của Chúa Giê-xu. Nói cách khác, Cơ Đốc nhân "nhờ sự Đức Chúa Giê-xu Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các tầng trời cho anh em" (I Phi-e-rơ 1:3-4). Họ xem những sự đau đớn dường như dai dẳng cả về thể xác lẫn tinh thần trong đời này là những sự hoạn nạn nhẹ và tạm, chẳng đáng so sánh với sự vinh quang hầu đến. Chính sự trông cậy này làm cho nhiều người nhận biết có một sự khác lạ ở nơi con cái Ngài. Họ ngạc nhiên thắc mắc tại sao Cơ Đốc nhân bị rủa sả, hoặc bị đối xử thậm tệ mà lại không trả đũa? Họ tò mò muốn biết tại sao họ có thể khiêm nhường, hiền hòa trước những bức hại như vậy? Sự hiền hòa và khiêm nhu của Cơ Đốc nhân đến từ sự kính sợ Chúa, tin cậy Chúa và biết ơn Ngài. Họ đã theo gương Chúa Giê-xu vì "Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm doạ, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình" (I Phi-e-rơ 2:23).

Không những làm chứng qua lời nói, Cơ Đốc nhân cũng dùng cơ hội này để làm chứng về Chúa qua chính việc làm của mình. Cách ăn ở lành của chúng ta trong Đấng Christ trước hết khiến chúng ta đứng trước mặt Chúa một cách không chỗ trách được, vì sự chết của Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi án phạt và quyền lực của tội lỗi. Lương tâm chúng ta được thanh sạch trước mặt Chúa. Những việc làm của chúng ta, cho dù bị nói hành bởi những người vu cáo chúng ta, sẽ được bày tỏ ra cách rõ ràng trong đời này hoặc đến khi Chúa trở lại.

Cơ Đốc nhân không tìm kiếm sự chịu khổ bởi những hành động cực đoan quá mấu của mình. Họ đặt Chúa và ý muốn của Ngài là trên hết. Nhờ đó, họ có thể sẵn sàng đón nhận sự bức hại và dùng dịp tiện này để làm chứng về Chúa qua cả lời nói và việc làm của mình.

Lạy Chúa, xin cho con học theo gương của Ngài khi phải trải qua những sự bức hại và chịu khổ vì Danh Ngài. Xin cho con hiền hòa khi đối đáp và luôn sống ngay lành để làm chứng tốt cho những người muốn làm hại con.

(c) 2024 svtk.net