Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 2

Phước Lành Thứ Hai

Phước lành thứ hai trong Ma-thi-ơ 5:4 ghi:

Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được an ủi.

Phước lành này cũng như phước lành thứ nhất, nổi bật hẳn lên và làm phân biệt rõ người tin Chúa với người không tin Chúa trong trần gian này. Thật ra người đời không thể chấp nhận một phát biểu như vậy, vì coi là lố bịch. Làm sao than khóc mà lại có phước được? Than khóc là điều mọi người đều muốn tránh. Triết lý sống của trần gian là: Hãy quên đi những nan đề, hãy quay lưng lại phía chúng, làm đủ cách để tránh đối diện với chúng. Đời đã quá nhiều nan đề, vì vậy đừng tìm thêm nan đề làm gì nữa; cố sống cho vui vẻ đi. Đó là giọng điệu của đời.

Nguyên cả một hệ thống sự sống xoay quanh thú vui, tiền bạc, năng lực và nhiệt tâm, cốt chỉ để làm vui cho con người và mục đích chỉ là để tránh thoát cái ý nghĩ buồn đau than khóc và tinh thần than khóc này.

Nhưng Chúa dạy: "Phước cho những kẻ than khóc!" Trong Phúc-âm Lu-ca 6 có thêm: "Khốn thay cho các ngươi là những kẻ bây giờ vui cười, vì các người sẽ than vãn và khóc lóc." Câu này lên án những nụ cười, thú vui và hạnh phúc của trần gian và tuyên bố đó là điều không may. Nhưng những lời hứa phước hạnh, ân lành, niềm vui và an bình lại dành cho những kẻ than khóc.

Chúng ta phải nhận thấy ngay đây là vấn đề hoàn toàn thuộc về ý nghĩa tâm linh.

Chúa không nói rằng những người thực sự đang khóc là hạnh phúc, như khi mất một người thân yêu vậy. Không! Than khóc đây là than khóc trong tâm linh. Như chúng ta đã thấy, nghèo khó trong tâm linh không phải là cái gì thuộc về tài chính nhưng thuộc về tâm linh và không có gì liên quan đến thế giới vật chất cả. Toàn bộ tám phước lành đều nói về điều kiện và thái độ tâm linh cả.

Chúa nói rằng những người than khóc trong tâm linh là có phước. Điều này có thể đưa đến hai ý nghĩ sai lầm cực đoan:

Ý nghĩ thứ nhất cho rằng tin Chúa là phải xa lánh đời, phải sống cuộc đời nghèo khổ, không được phép sử dụng những tiện nghi văn minh. Lúc nào cũng mang một bộ mặt ủ rũ, thiêng liêng, buồn rầu. Thái độ này đưa đến thiêng liêng giả tạo, và chỉ sau một thời gian người ta sẽ thấy sự thật, và lúc ấy ảnh hưởng sẽ rất tai hại.

Ý nghĩ thứ hai ngược lại, cho rằng Hội Thánh phải có gì vui tươi hấp dẫn thì người đời mới vào, vì vậy phải cố tạo ra những sinh hoạt âm nhạc, kịch nghệ hay là những buổi du ngoạn hoặc thể thao để người ngoài tham dự vào và sau đó có dịp tin Chúa. Ý nghĩ này lâm vào một lối sống giả tạo khác, đó là giả tạo vui!

Cả hai lối giả tạo này đều trái tinh thần lời dạy của Chúa. Chúa không muốn ta sống giả tạo bao giờ. Sở dĩ người ta có thái độ sai lầm đó là vì không nắm vững được ý nghĩa thật của tội và không hiểu rõ bản chất thật của niềm vui trong đức tin đặt nơi Chúa.

Chúng ta cần đi sâu vào ý nghĩa than khóc mà Chúa dạy ở đây.

Trước tiên, than khóc đây phải đi sau nghèo khó trong tâm linh. Khi tôi đối diện với Chúa và sự thánh khiết của Ngài, rồi nhìn lại cuộc đời của tôi đang sống, tôi thấy mình hoàn toàn bất lực và vô hi vọng. Khi tôi thấy rõ chất lượng tâm linh của tôi, tôi lập tức phải khóc. Than khóc cho tình trạng khốn khổ, băng hoại tâm linh của mình. Nhưng tôi không ngừng tại đó đâu.

Một người thực sự đối diện với chính mình, xét mình và đời sống mình là người thấy cần than khóc cho tình trạng tội lỗi, cho những việc làm của mình.

Việc tự kiểm thảo bao giờ cũng là kinh nghiệm của các đời sống thành công trong đức tin. Các vị này thường khuyên rằng mỗi người nên ngưng lại vào cuối một ngày, suy niệm và kiểm thảo đời sống mình và tự hỏi: "Ta đã làm gì, đã nói gì, nghĩ gì, đối xử với người ta như thế nào?" Xét mình như thế chắc chắn sẽ thấy có những điều đáng ra không nên làm, có những ý nghĩ, tư tưởng và xúc cảm không xứng đáng. Người tin Chúa khi nhận ra những khuyết điểm này sẽ thấy rất buồn và ân hận. Nhưng phải tiến một bước nữa mà hỏi rằng: "Điều gì trong tôi đã khiến tôi hành động như thế? Tại sao tôi khó chịu như vậy? Tại sao tôi không tự kiềm chế được? Tại sao tôi có những ý nghĩ không tốt, ganh tỵ và tham muốn như vậy? tôi làm sao thế này?" Rồi tôi sẽ nhận ra rằng có một cuộc chiến đang diễn ra trong cuộc sống của tôi, tôi than khóc vì mình thất bại.

Người tin Chúa thật lại còn than khóc về tội của người khác nữa. Người ấy phải quan tâm đến xã hội quanh mình và tình trạng băng hoại của thế giới và than khóc. Than khóc về những tội ác ghê gớm của con người trong các hành động giết người, cướp của, dâm hãm, đàn áp, chiến tranh tàn phá tiêu diệt. Người ấy phải thấy thế giới là một nơi bệnh hoạn và khốn khổ. Tất cả chỉ vì tội ác và vì vậy người ấy than khóc.

Chính vì cuộc đời đó mà Chúa chúng ta khi vào đời đã mang danh "người buồn bực và quen thuộc với sầu khổ", cũng vì vậy mà Chúa khóc trước mộ La-xa-rơ. Chính tội ác đã vào cuộc đời đẹp đẽ của nhân loại gây bệnh tật và chết chóc, làm hỏng tất cả mục đích tốt của cuộc đời. Chúa khóc và than trong tâm hồn Ngài. Người tin Chúa từ đó cũng than khóc như Ngài, vì nhận cùng bản chất của Chúa để sống như Ngài.

Chúa dạy: "Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được an ủi!" Chúa muốn nói rằng người than khóc sẽ là người vui. Đó là điều có vẻ mâu thuẫn. Người ấy vui và được phước vì lý do nào?

Người thực sự than khóc về tình trạng tâm linh mình, sẽ đi đến chỗ ăn năn hối lỗi. Người ăn năn hối lỗi sẽ được Chúa tha thứ, Thánh Linh sẽ vào chữa lành đời sống người ấy và đưa người lại gần Chúa Giê-xu và hạnh phúc sẽ chan hòa.

Than khóc về tội, ăn năn hối lỗi, được tha thứ tái tạo, an bình và an ủi. Tức là được giải thoát hẳn khỏi tình trạng băng hoại, hư vong, đáng bị trừng phạt. Một người được giải thoát như thế chắc chắn phải vui. Không có nỗi buồn tâm linh đó, cũng sẽ không có niềm vui thật trong tâm linh bao giờ. Đây không phải là việc chỉ xẩy ra trong khi ta tin Chúa, trở lại với Chúa. Đây là việc tiếp tục xảy ra trong cuộc đời tin Chúa sau đó. Mỗi ngày ta cần xét mình, than khóc về tội của mình, xin ăn năn chừa bỏ và được Thánh Linh an ủi.

Nhưng bạn nên nhớ rằng việc than khóc này không phải là một cách để ban ngày cứ phạm tội, rồi đến tối lại than khóc và được tha tội, để hôm sau lại tái phạm đâu. Nếu bạn làm như vậy, việc than khóc của bạn là giả dối và bạn sẽ mất phước chứ không được gì cả. Chúa không để ta lợi dụng tình thương của Ngài bao giờ, nhưng Ngài muốn ta chân thành ăn năn hối lỗi và tiến lên một bước mới trên đường theo Chúa.

An ủi là hi vọng mà mỗi người than khóc về tình trạng của mình và của thế giới này sẽ thấy thực hiện. Bạn không thể chỉ than khóc về tình trạng băng hoại, nhưng phải cho người đời biết về Chúa, tin nhận Ngài cho tội lỗi được tha, và không tiếp tục phạm tội nữa. Một người tin Chúa là thế giới bớt được một nỗi khổ và ảnh hưởng tai hại của tội ác. Hơn nữa, một người tin Chúa sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác, và xã hội sẽ trong lành hơn. Nhiều người tin Chúa thì tiếng than khóc về tội sẽ bớt đi và đời sống quanh ta sẽ tốt đẹp hơn, nhân sinh sẽ tìm thấy ý nghĩa cao quý mà Chúa dành cho.

Than khóc nhưng không chán chường tuyệt vọng, đó chính là sự than khóc Chúa dạy. Người tin Chúa buồn, nhưng không phải là người khốn khổ. Người ấy nghiêm trang nhưng không khinh khỉnh khó chịu. Đứng đắn nhưng không gắt gao, hẹp hòi. Niềm vui trong tâm hồn người ấy lúc nào cũng tràn dâng, nhưng không phải lúc nào cũng ca hát hay vui cười, mà được biểu lộ qua những lời nói, việc làm, ý nghĩ xây dựng, tích cực.

"Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được an ủi."

Chữ than khóc trong câu này diễn tả nỗi sầu khổ của một tâm hồn tan vỡ, nỗi đau đớn của một linh hồn trông chờ, nỗi bối rối của một trí óc hỗn loạn. Những giọt lệ có thể rơi lã chã trên những bình diện rộng, từ tội ác của thế giới cho đến việc mất một người thân yêu. Tình trạng đau thương này được diễn tả trong câu nói của nhà truyền giáo Phao-lô trong Rô-ma 7:24 "Khốn nạn cho tôi! Ai có thể giải thoát tôi khỏi thân xác của cái chết này?"

Niềm an ủi cho những tâm hồn như thế chỉ có thể đến từ Chúa. Vì Lời Chúa dạy: "Chúa Hằng Hữu ở gần những người có lòng đau thương, và cứu kẻ nào có tâm hồn thống hối." (Thi-thiên 43:18) Ngoài ra nhiệm vụ của Chúa là: " Băng bó những kẻ vỡ lòng" (Ê-sai 61:1).

An ủi của Chúa không phải chỉ là những lời nói xoa dịu, an thần chốc lát, nhưng chính là sự chữa lành tâm hồn và cuộc đời. Từ tuyệt vọng, ảm đạm, chết chóc, sang hi vọng, vui tươi, vĩnh hằng.

Trong đời này nơi nào bạn có thể tìm được loại an ủi như vậy?

Chúng ta tạm ngừng bài học Kinh-thánh tại đây. Hai câu hỏi tôi mời bạn trả lời là:

1. Tâm linh của bạn có đang nghèo khó không? Nghèo khó như thế nào? Bạn đang cần gì hơn cả?

2. Có bao giờ bạn khóc vì mình phạm tội không? Bạn có ý muốn từ bỏ tội đó hay vẫn còn dằng co lưỡng lự? Bạn nên nhớ rằng: nếu không kinh tởm tội ác, thì cũng không bao giờ ưa thích điều thiện lành.

Trong giây phút tiếp theo, bạn hãy tự xét, hãy quỳ gối ngay chỗ bạn đang ngồi hay đứng, hãy nói với Chúa, hãy ăn năn hối lỗi, hãy xin Chúa tái tạo tâm hồn và ban an bình ngay bây giờ.