Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

Phước Lành Thứ Ba

Chúng ta đã nói đến hai phước lành đầu tiên, xin sang phước lành thứ ba.

Chúa Giê-xu nói: "Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất."

Lời dạy này cũng hoàn toàn ngược với quan niệm thông thường của người đời. Vì người đời chủ trương chinh phục, chiếm đoạt, thu nhập cho nhiều và dư thừa. Thành công theo đời là chinh phục và sở hữu.

Đặt lời dạy này vào bối cảnh xã hội Do-thái ngày xưa ta thấy thật khó cho người ta hiểu nổi. Vì lúc ấy người ta hiểu Nước Trời không những phải phong phú dồi dào về vật chất, nhưng còn binh hùng tướng mạnh nữa. Đối với họ, Mê-si-a phải là người đưa họ đến chiến thắng vinh quang. Chúa Giê-xu dường như bảo với họ: "Không, Nước Trời không phải như vậy đâu. Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất."

Trước khi phân tích phước lành này, ta cần xét tương quan của nó với hai phước lành đầu tiên. Vì các phước lành này đều có tương quan tới nhau chặt chẽ. Phước lành trước đưa đến phước lành kế tiếp.

Phước lành thứ nhất bảo ta hãy nhận ra sự yếu đuối và bất năng của mình. Vì ta phải gặp Chúa không những chỉ trong Mười Điều Răn và luật luân lý đạo đức, nhưng còn trong bài giảng trên núi và trong cuộc đời của chính Chúa Cứu Thế Giê-xu nữa. Bất cứ người nào nghĩ rằng có thể tự sức thực hiện được tất cả thì người ấy chưa hiểu như thế nào là tin Chúa thật. Khởi đầu phải tự nhận rằng mình chẳng có gì cả; phải thấy mình nghèo khó trong tâm linh và hoàn toàn bất lực. Tới đó, ta sang một giai đoạn mới, thấp hơn một bậc, đó là tự nhận thấy mình đầy tội lỗi và tội thật sự làm chủ cuộc đời mình. Tội trong tư duy, ý nghĩ, hành động. Ta khóc than vì tình trạng hư hoại của đời mình. Nhưng rồi cấp độ thấp hơn nữa là tự hạ mình: nhu mì. Đó chính là bài học của phước lành thứ ba.

Tại sao vậy? Vì tại đây ta đến chỗ bắt đầu quan tâm về người khác. Khi tôi thấy được cái trống rỗng và bất lực của mình khi đối diện với đòi hỏi của tin mừng và luật Chúa, tôi thành thật với tôi rằng, tội lỗi và ma quỷ đang chế ngự trong tôi, cốt kéo tôi xuống. Nhưng điều đó chỉ một mình tôi biết. Tôi không muốn cho người khác biết và phê bình tôi. Vì ai cũng muốn tự lên án mình nhưng rất ghét bị người khác lên án. Tôi nhận tôi là người có tội, nhưng tôi không muốn ai bảo tôi là tội nhân cả. Đối với người khác tôi cần phải nhu mì, coi mình là một tội nhân được cứu mà thôi.

Nhu mì là gì? Trước tiên, nhu mì không phải là một tính bẩm sinh. Nhu mì là một thánh tính mà mỗi người tin Chúa đều phải có.

Chữ nhu mì thường bị người ta hiểu lầm cho là khiếp nhược, hèn nhát. Tuy nhiên trong thời đại Chúa Giê-xu ở trên mặt đất thì từ này dùng để nói về một con ngựa hoang đã được chế ngự, hay những lời nói khéo léo làm dịu những cơn xúc động hoặc là dầu làm cho vết thương bớt nhiệt. Trong lối nói của Plato thì từ này được mô tả như lời một đứa bé nói với thầy thuốc là xin nhẹ tay cho khỏi đau.

Phi-e-rơ dạy quý bà trong thư I Phi-e-rơ 3:4 rằng: "Hãy tìm trang sức bên trong, giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hề hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quý trước mặt Đức Chúa Trời." Như thế nhu mì là dịu dàng, yên lặng.

Cùng trong chương 3 câu 15 Phi-e-rơ dạy: "Nhưng hãy tôn Chúa Cứu Thế, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi về hi vọng trong anh em, nhưng phải hiền hòa và kính sợ." Như thế nhu mì còn là hiền hoà và kính sợ.

Gia-cơ dạy trong chương 3:13 rằng: "Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng? Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra."

Trong các câu này ta thấy nhu mì được ghép chung với khôn ngoan. Một bản dịch Kinh Thánh ghi rằng nhu mì của sự khôn ngoan. Như thế nhu mì không phải là nhu nhược nhưng là xử sự khôn ngoan. Khôn ngoan đó Gia-cơ nói rằng từ Chúa ban cho, và ta có thể cầu xin. Gia-cơ chương 3:17 dạy: "Nhưng sự khôn ngoan từ trên xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình."

Chúng ta có thể giải thích nhu mì là: lễ phép, khéo léo, tôn trọng người khác. Ma-thi-ơ về sau dùng từ nhu mì để nói về tính tình của Chúa Giê-xu như:

Ma-thi-ơ 11:29 Chúa Giê-xu nói: "Ta có lòng nhu mì khiên nhường."

Hoặc Ma-thi-ơ 21:5 "Hãy nói với con gái thành Si-ôn rằng: Này, Vua ngươi đến cùng ngươi, nhu mì, cỡi lừa."

Chúa dạy, những người nhu mì sẽ hưởng được đất. Người nhu mì là người đã thật sự hưởng được đất ngay trong đời này theo nghĩa sau đây:

Người nhu mì là người luôn luôn thỏa mãn, bằng lòng với những gì mình đang có. Nghĩa là không có gì nhưng có tất cả.

Hưởng được đất trong câu này thường được coi là quan hệ đến việc vào đất hứa. Tất nhiên đất đây không phải là một vùng nào trên mặt đất, nhưng chính là trời mới đất mới mà người tin Chúa sẽ bước vào.

Câu này có nghĩa là, dù người tin Chúa sống trên đời bị thiệt thòi về nhiều phương diện, về tài sản, về của cải, chỉ vì tin Chúa và sống nhu mì, không giành giật, không chiếm đoạt, nên nhớ rằng về phần tâm linh người ấy rất giàu có, vì đời sống có ý nghĩa và phong phú phúc lành.

Phần của người tin Chúa là giá trị muôn đời, nếu người ấy vì Chúa dạy mà sống ngay lành, trung tín, dịu hiền.

Nhu mì khiêm nhường không phải là lối sống trong xã hội loài người mạnh được, yếu thua. Nhu mì khiêm nhường là đức tính của Chúa và của những người tin Chúa.

Người ta nói rằng: Lấy ác trả ác là lối sống của thú hoang; lấy thiện trả thiện là lối sống của con người; nhưng lấy thiện trả ác là lối sống Chúa dạy.

Chúng ta là con của Chúa, phải theo gương Chúa mà sống. Đức tính nhu mì được thể hiện trong cuộc đời của Chúa Giê-xu trên mặt đất. Ngay cả khi Chúa bị đem ra tòa và bị lên án tử hình, Chúa vẫn hiền lành, không oán hận, không căm thù. Khi bị đóng đinh treo trên thập giá, Chúa còn cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ hành quyết Ngài, vì họ không biết rõ việc làm của họ.

Để áp dụng bài học này vào cuộc đời mỗi người, mời quý vị bình tâm xét mình qua ba câu hỏi sau đây:

a. Quý vị nhu mì như thế nào? Nếu ghi số từ 1 đến 10, thì quý vị tự cho mình đang nhu mì ở mức nào? Xin nhớ rằng nhu mì ở mức độ 10 là nhu mì của Chúa Giê-xu.

b. Điều gì thường làm cho quý vị mất tự chế và trở thành người hung hăng nhất?

c. Lời cầu nguyện của quý vị dâng lên Chúa hôm nay là gì? Cầu Chúa nhậm lời cầu xin của quý vị.