Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 28

Bài Giảng Của Sứ Đồ Phao-lô Ở Xứ Bi-si-đi

Công-vụ Các Sứ-đồ 13:13-43

“Lại nhờ Ngài mà hễ ai tin thì được xưng công bình về mọi điều theo luật pháp Môi-se chẳng có thể được xưng công bình” (câu 39).

Câu hỏi suy ngẫm: Nội dung bài giảng của Sứ đồ Phao-lô được trình bày như thế nào? Ông tập trung nhấn mạnh điều gì (câu 30-37)? Bạn học được gì trong việc làm chứng về Chúa Giê-xu từ bài giảng của Sứ đồ Phao-lô?

Vào ngày Sa-bát, Sứ đồ Phao-lô và ông Ba-na-ba vào nhà hội. Người Do Thái thường mời khách giảng dạy nên hai ông nắm lấy cơ hội rao truyền Phúc Âm. Qua bài giảng của Sứ đồ Phao-lô, chúng ta học được bài học cho công tác truyền giảng của mình.

Trước tiên, Sứ đồ Phao-lô trình bày những điều quen thuộc qua sự tóm tắt lịch sử của dân tộc Ít-ra-ên, bắt đầu từ việc Đức Chúa Trời ban sự thịnh vượng cho dân Ngài nơi đất khách; rồi hành trình xuất Ai Cập diệu kỳ (câu 17); những năm tháng lang thang trong hoang mạc (câu 18); nhận lãnh xứ Ca-na-an; thời các quan xét, các vua; và lời hứa về một Chúa Cứu Thế qua dòng dõi Vua Đa-vít (câu 20-23).

Tiếp theo là phần chuyển tiếp. Ông đề cập đến một nhân vật nhiều người biết và mến mộ là ông Giăng Báp-tít với lời tiên tri về một Chúa Cứu Thế vô cùng cao trọng sẽ đến sau ông (câu 25). Từ đó, ông giới thiệu về Chúa Giê-xu, cuộc đời của Ngài đã ứng nghiệm mọi lời tiên tri (câu 23-31). Trọng tâm của bài giảng là sứ mệnh của Chúa Giê-xu, Đấng vô tội đã chịu chết trên thập tự giá thay cho nhân loại và sự phục sinh vinh quang của Ngài. Sự kiện Chúa Giê-xu phục sinh là minh chứng hùng hồn được Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh nhiều lần (câu 30-37); Ngài đúng là Chúa Cứu Thế, bảo đảm cho những điều Ngài đã phán hứa với các môn đệ theo Ngài. Cuối cùng ông kết luận: “Vậy, hỡi anh em, khá biết rằng nhờ Đấng đó mà sự tha tội được rao truyền cho anh em; lại nhờ Ngài mà hễ ai tin thì được xưng công bình về mọi điều theo luật pháp Môi-se chẳng có thể được xưng công bình” (câu 38-39).

Chúng ta học được cách trình bày Phúc Âm đầy đủ, rõ ràng, lập luận chặt chẽ theo trình tự từ quen thuộc đến mới lạ. Ngoài ra, Sứ đồ Phao-lô còn thể hiện sự quan tâm và trân quý thính giả của mình. Ông chào thăm mọi người có mặt, người Giu-đa lẫn Dân Ngoại tin kính (câu 16). Nội dung bài giảng có liên hệ trực tiếp đến mọi đối tượng đang lắng nghe ông (câu 26). Cuối cùng, ông có lời kêu gọi và cảnh báo mọi người để họ áp dụng bài học thực tiễn cho chính mình (câu 38-41). Bài giảng của ông cảm động và thuyết phục nhiều người quay về với chân lý. Họ đã thể hiện sự mến mộ, yêu cầu hai người tiếp tục giảng cho họ nghe trong ngày Sa-bát lần sau.

Bạn áp dụng phương pháp của Sứ đồ Phao-lô để chia sẻ Phúc Âm cho đồng bào mình như thế nào?

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết ơn Chúa và sốt sắng trong việc làm chứng nhân cho Ngài. Xin cho con có sự khôn ngoan từ nơi Chúa để con có thể trình bày Phúc Âm cách đầy đủ, rõ ràng cho bạn bè, thân hữu của con.

(c) 2024 svtk.net