Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Trách Nhiệm Tin Đạo Và Sống Đạo

Gia-cơ 1:26-27

“Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm viếng người mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian” (câu 27).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gia-cơ đưa ra những trắc nghiệm nào để chúng ta nhận biết thực trạng đức tin của mình nơi Chúa? Việc thất bại trong những trắc nghiệm này đem đến những hậu quả nào? Bài học này giúp bạn nhận ra những trách nhiệm quan trọng nào của mình trong việc thực hành sống đạo theo Lời Chúa mỗi ngày?

Chúng ta có thể có những ảo tưởng về nhiều điều. Có những ảo tưởng chỉ mang tính vô thưởng vô phạt, nhưng cũng có những ảo tưởng vô cùng nguy hiểm vì đem lại những hậu quả to lớn cho đời sống mình. Ảo tưởng về đức tin thuộc về loại thứ hai. Ông Gia-cơ nói rằng có những người “tưởng mình là tin đạo.” Đây là những người cho rằng, nghĩ rằng, hoặc mặc định rằng mình thuộc về Chúa, nhưng sự thật chính là “sự tin đạo của người hạng ấy là vô ích” (câu 26).

Bạn nghĩ rằng mình có thể gặp hạng người ảo tưởng đức tin này ở đâu? Nhiều người có thể nghĩ rằng đây là những tân tín hữu, là những người chưa hiểu biết nhiều về niềm tin, hoặc là những “tín hữu Nô-ên,” hoặc là những tín hữu yếu đuối bỏ nhóm đã lâu. Nhưng ông Gia-cơ đang nói đến loại người thường xuyên nghe Lời Chúa (câu 22), thậm chí là chịu khó suy luận, đưa ra nhận định khi nghe Lời Chúa (câu 19), và cũng chịu khó dùng Lời Chúa như tấm gương để soi mình (câu 23). Họ có thể là những tín hữu trung tín của nhà thờ, và họ có thể là một người trong chính chúng ta!

Những người ảo tưởng đức tin này có một điểm chung, đó là họ có Lời Chúa nhưng không nhận ra trách nhiệm phải sống với Lời ấy. Lời Chúa được viết ra là để chúng ta vâng phục và thực hành.

Tại đây, ông Gia-cơ đưa ra ba lãnh vực để trắc nghiệm việc thực hành Lời Chúa của một người. Thứ nhất là lời nói, lãnh vực dễ vấp phạm nhất trong đời sống (câu 26). Thứ hai là hành động yêu thương, mà cụ thể là quan tâm đến những người cô đơn, thiếu thốn, bị xã hội xem thường, và bỏ rơi (câu 27a). Và cuối cùng giữ sự thánh khiết trước mặt Chúa, và không để cho thế gian ảnh hưởng.

Người không vâng phục Lời Chúa có thể đem đến hai hậu quả. Thứ nhất là “sự tin đạo của người hạng ấy là vô ích” (câu 26). Một người như vậy chỉ đang tự lừa dối về tình trạng thuộc linh của mình và không có cơ hội thay đổi. Có bao giờ bạn tự đánh giá cao tình trạng thuộc linh của mình qua những phần thưởng thứ hạng cao trong các kỳ thi Kinh Thánh Giáng Sinh? Hoặc sự “uyên bác” của bạn trong các giờ học Kinh Thánh nhóm nhỏ? Hay việc thường xuyên ghi chép bài giảng mỗi Chúa Nhật? Có lẽ những việc đó không có gì sai trái, chỉ trừ khi nó không có hành động vâng phục Lời Chúa theo sau! Và nó cũng không có ích lợi cho Hội Thánh vì những người không trưởng thành trong Chúa chỉ đem đến những sự tranh cạnh mà thôi (4:1-12). Thứ hai là sự tin đạo đó không hài lòng Chúa (câu 27a).

Lạy Chúa xin cứu con ra khỏi những ảo tưởng thuộc linh, xin cho con đối diện với Chúa cách chân thật, và xin giúp con nhận ra trách nhiệm to lớn khi thực hành Lời Chúa.

(c) 2024 svtk.net