Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Nguồn Gốc Nan Đề

Nê-hê-mi 1:5-10

“Chúng tôi có làm rất ác tệ nghịch cùng Chúa, không vâng giữ điều răn giới mệnh và luật lệ của Chúa đã phán dạy Môi-se, là kẻ tôi tớ Chúa” (câu 7).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Nê-hê-mi đã làm gì khi đối diện với nan đề (câu 4b)? Nhận thức nào khiến ông làm điều này (câu 5)? Ông Nê-hê-mi nhận ra những tai nạn và điều khổ nhục mà dân chúng đang gặp phải là do đâu (câu 6-7)? Ông dựa vào điều gì để tìm kiếm sự giải cứu từ Đức Chúa Trời (câu 8-10)? Bạn thường phản ứng thế nào khi đối diện với nan đề?

Những phần sau của sách Nê-hê-mi chứng tỏ ông Nê-hê-mi là một người có tài lãnh đạo và kiến thức uyên thâm. Dù vậy, khi đối diện với nan đề, ông Nê-hê-mi không hề dựa vào khả năng của mình nhưng dốc lòng tìm kiếm Chúa. Phần mở đầu của lời cầu nguyện (câu 5) cho thấy nhận thức đúng đắn của ông Nê-hê-mi về sự vĩ đại của Đức Chúa Trời. Dù cho thành của Đức Chúa Trời có sụp đổ, dân của Đức Chúa Trời có bị sỉ nhục thì Đức Chúa Trời vẫn là Đấng cực đại và đang tể trị trên mọi sự.

Ngày nay, có nhiều người đang sống cuộc đời hèn nhát về thuộc linh, chấp nhận nếp sống tội lỗi, cam chịu những thất bại, ngay cả sẵn sàng ly dị vợ hay chồng, bỏ sự nhóm lại, thỏa hiệp với thế gian còn hơn là tìm kiếm Đức Chúa Trời. Phải chăng Đức Chúa Trời của những người này quá nhỏ bé và bất lực! Sự nhận biết Chúa sẽ quyết định cách chúng ta đối diện với những nghịch cảnh trong cuộc sống.

Ông Nê-hê-mi là một người can đảm khi đối diện với nan đề. Ông không hề đổ lỗi về những đau khổ của dân tộc mình cho Đức Chúa Trời cũng như cho người khác. Ông nhận biết những gì mà người Ít-ra-ên đang đối diện là do tội lỗi của chính họ và cũng là tội lỗi của chính ông và gia đình ông (câu 6-7).

Tội lỗi chính là nguồn gốc của mọi nan đề. Chỉ khi chúng ta nhận ra đúng nguyên nhân của nan đề, chúng ta mới tìm đúng cách để giải quyết. Vì nhận biết tội lỗi của dân chúng và của chính gia đình ông là nguyên nhân của sự đau khổ nên trước hết ông Nê-hê-mi tìm kiếm Chúa. Cũng giống như hình ảnh của “người con trai hoang đàng” trong Lu-ca 15. Vì sao chàng trai này quay về cùng cha? Vì anh nhận ra tình trạng thê thảm hiện tại của mình là do mình phạm tội với cha.

Chúng ta phải nhận ra rằng tội lỗi của mỗi người tại nhà riêng, nơi sở làm, chỗ riêng tư hay nơi công cộng đều ảnh hưởng đến sự sống thuộc linh của Hội Thánh. Đáng buồn thay cho tình trạng của một số Hội Thánh hiện nay. Ao ước mỗi người hạ lòng xuống thưa với Chúa rằng do chính tội lỗi của con.

Và cũng giống như “người con trai hoang đàng” nhận ra ân sủng và sự thương xót từ cha mình, ông Nê-hê-mi cũng nhận ra sự thành tín và ân sủng của Chúa đối với dân Ngài (câu 8-10). Trở lại cùng Chúa là hành động của đức tin - tin nơi lời hứa và sự thành tín của Đức Chúa Trời.

Lạy Chúa, xin cho con ngước mắt lên nhìn xem Chúa cùng với sự vĩ đại, cao trọng, thành tín, và ân sủng của Ngài; cũng xin hạ lòng con xuống để nhìn biết những sai trật của chính mình hầu kinh nghiệm sự tha thứ và phục hồi từ nơi Ngài.

(c) 2024 svtk.net