Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 8

Can Đảm Nhận Lấy Trách Nhiệm

Nê-hê-mi 1:11-2:8

“Chúa ôi! Tôi nài xin Chúa hãy lắng tai nghe lời cầu nguyện của kẻ tôi tớ Ngài và lời cầu nguyện của các tôi tớ Ngài vẫn vui lòng kính sợ Danh Ngài; ngày nay xin Chúa hãy làm cho tôi tớ Chúa được may mắn, và ban cho nó tìm được sự nhân từ trước mặt người này” (câu 11a).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Nê-hê-mi nhận biết mối tương quan nào giữa Đức Chúa Trời, Vua Ạt-ta-xét-xe, và ông? Việc nhận biết này ảnh hưởng gì trên kế họach của ông (câu 11)? Ông Nê-hê-mi phản ứng hế nào khi được Vua Ạt-ta-xét-xe hỏi đến (câu 2-8)? Bạn học được gì nơi ông Nê-hê-mi về việc nhận lấy trách nhiệm Chúa giao?

Ông Nê-hê-mi nhận biết Vua Ạt-ta-xét-xe là người có ảnh hưởng rất lớn đến kế họach của ông, vì vậy ông đã cầu xin Chúa cho ông “được may mắn” và “tìm được sự nhân từ” trước vua (câu 11). Tuy nhiên, trong cái nhìn của ông Nê-hê-mi, Vua Ạt-ta-xét-xe cũng chỉ là “người này,” là người trong tay của Đức Chúa Trời. Vua Ạt-ta-xét-xe có thể là một người quyền lực, nắm trong tay nhiều nguồn lực có thể giúp ông trong việc xây sửa vách thành Giê-ru-sa-lem, nhưng Đức Chúa Trời lại có toàn quyền trên người này.

Ngày nay, khi đối diện với những nan đề, chúng ta thường thấy những “ngọn núi” hay những “rào chắn” quyền lực dường như không thể vượt qua, nhưng chúng ta có nhận ra những thế lực này, cho dù là vua chúa, cũng chỉ là những “người này” trước mặt Đức Chúa Trời mà thôi. Chúng ta chỉ nhìn thấy nan đề trước mặt, nhưng Đức Chúa Trời đã có sẵn giải pháp cho nan đề đó từ rất lâu. Ngay từ khi ông Ạt-ta-xét-xe chưa lên ngôi vua, ngay từ khi ông Nê-hê-mi còn thơ ấu và chưa biết gì về Giê-ru-sa-lem thì Đức chúa Trời đã chuẩn bị họ: Đưa ông Ạt-ta-xét-xe lên làm vua, đưa ông Nê-hê-mi vào làm quan tửu chánh để giờ đây Ngài bắt đầu khởi động kế họach khôi phục lại vách thành đổ nát của Giê-ru-sa-lem.

Ông Nê-hê-mi đã dành khoảng bốn tháng, từ tháng Kít-lơ (1:1) đến tháng Ni-san (2:1), cho sự cầu nguyện và tìm kiếm ý muốn Chúa. Chính sự cưu mang nan đề của đất nước trong lòng đã bày tỏ trên khuôn mặt ông Nê-hê-mi đến nỗi nhà vua đã nhận ra và cũng chính nhờ sự tin cậy Đức Chúa Trời đã cho ông Nê-hê-mi can đảm trình bày với vua về tình trạng vách thành Giê-ru-sa-lem (câu 2-3). Nên nhớ trong thời của ông E-xơ-ra, chính Vua Ạt-ta-xét-xe đã từng ra lệnh ngưng xây lại Giê-ru-sa-lem vì sợ bị tạo phản (E-xơ-ra 4:18-24).

Nhưng việc cầu nguyện với Đức Chúa Trời không ngăn cản ông Nê-hê-mi suy nghĩ về kế họach sắp đến để từ đó có những sự chuẩn bị cụ thể. Khi Vua Ạt-ta-xét-xe hỏi: “Ngươi cầu xin cái gì?” (câu 4) thì một lần nữa ông Nê-hê-mi lại cầu nguyện và sau đó nhận lấy trách nhiệm khó khăn này trước mặt vua (câu 5). Trong hoàn cảnh của ông Nê-hê-mi, nhận biết nan đề đã là khó, nhưng nhận lấy trách nhiệm lại càng khó khăn gấp bội. Ông Nê-hê-mi có thể mất mạng vì sự nghi ngờ tạo phản mà vua có thể dành cho ông. Hơn thế nữa, ông sẽ phải rời xa cuộc sống thoải mái, an toàn để bước vào một hành trình gian khó mà ông không hề biết điều gì đang chờ đợi mình.

Chính đức tin mạnh mẽ nơi Chúa và lòng tin quyết về sứ mệnh mà Chúa kêu gọi ông Nê-hê-mi đã được thể hiện rõ nét qua những kế hoạch chi tiết và cụ thể mà ông trình bày với vua (câu 6-10). Sự cầu nguyện không phải là lý do khiến ông Nê-hê-mi từ chối hành động, nhưng sự cầu nguyện chính là nguồn lực thúc đẩy ông Nê-hê-mi hành động cách khôn ngoan trong ý muốn Chúa. Bạn có can đảm để nhận lấy trách nhiệm Chúa giao phó không?

“Đoạn, tôi nghe tiếng Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi” (Ê-sai 6:8).

(c) 2024 svtk.net