Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

Phước Lành Thứ Năm

Chúng ta đang nghiên cứu về bài dạy trên núi của Chúa Giê-xu. Chúng ta đã nói đến bốn phước lành đầu tiên, nay sang phước lành thứ năm:

Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót.

Trong bài này chúng ta sẽ trả lời các câu hỏi sau đây:

1. Phước lành này có liên quan gì tới các phước lành trước không?

2. Thương xót là gì?

3. Thương xót của người và của Chúa khác nhau thế nào?

4. Trên thực tế lời dạy này áp dụng ra sao?

Chúng ta sẽ lần lượt trả lời các câu hỏi đó.

1. "Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót." Phước lành này có liên quan gì đến các phước lành trước hay không? Ta biết rõ, người được gọi là nhu mì, chắc chắn cũng phải là người biết thương xót.

Nhu mì là cho người khác biết rằng ta không là ai cả, chỉ là tội nhân mà thôi; còn thương xót là có tình thương đối với người khác, vì họ cũng là tội nhân như mình.

Trong bản dịch Kinh-thánh năm 1926 có thêm chữ: "hay" trong câu "Phước cho những kẻ hay thương xót" Thật ra trong nguyên bản không có chữ "hay" nghĩa là thường làm. Ta có thể đọc lại: "Phước cho những kẻ thương xót, vì sẽ được thương xót."

2. Câu hỏi thứ hai: Thương xót là gì?

Thương xót trong nguyên ngữ Hi-lạp là ELEOS, có nghĩa là: một sự xúc động khi thấy sự đau thương không đáng xẩy ra cho một người khác. Đây cũng là tình cảm ngược với tính ganh tỵ đối với người khác khi người ấy có nhiều của cải. Thương xót còn có nghĩa là sợ cho một người nào cũng có thể bị rơi vào hoàn cảnh đau thương nào đó. Trong các tòa án đời xưa, sau khi luật sư bào chữa cho bị can, thường dùng từ này để kết thúc, nghĩa là xin tòa thương cho bị can mà tha bổng hay giảm án.

Một ý nghĩa khác của thương xót bao gồm cả việc tha thứ cho người vi phạm.

3. Câu hỏi thứ ba: Thương xót của con người và của Chúa khác nhau như thế nào?

Con người thường thương xót trong giới hạn nhỏ và không thường xuyên. Giới hạn nhỏ như là gia đình ruột thịt, hay xa hơn là bà con, đồng bào. Giới hạn cũng theo trường hợp nữa, nghĩa là không phải lúc nào cũng thương xót như vậy. Không thường xuyên vì các tình cảm khác ảnh hưởng. Khi thấy ai hơn mình thì ganh tỵ và dù kẻ ấy gặp cảnh không may, cũng cho là đáng kiếp.

Con người cũng thương xót có điều kiện. Nghĩa là kẻ được thương xót phải có hoàn cảnh hay trường hợp làm cho ta thương hại hay là xúc động. Vì vậy ít khi ta thương kẻ xấu xa, nghịch thù với mình.

Chúa Giê-xu trong bài dạy trên núi phần sau, có nhắc đến thương yêu kẻ thù. Đây là loại tình thương vô điều kiện, không vụ lợi và trải rộng đến mọi màu da, tiếng nói. Loại tình thương thương kẻ thù và kẻ làm hại mình. Đó chính là tình thương của Chúa.

Chúa Giê-xu chính là hiện thân của tình thương. Vì Chúa đã vào đời sống với người tội ác lầm than. Chúa đã vào nhà những hạng người bị xã hội ruồng bỏ, Chúa đã đụng tay vào những người phung hủi, cuối cùng, Chúa đã chết thay cho tất cả những người đã ghét Ngài. Chúa chính là tình thương, còn con người chỉ là những kẻ nhận tình thương mà thôi.

Tình thương của Chúa không phải là thương hại, cũng không phải là thương xót, nghĩa là chỉ thương về nỗi khổ trong thể xác, nhưng là loại tình thương cứu vớt những kẻ bị loại ra khỏi tình thương của Đức Chúa Trời vì phạm tội phản nghịch, không tôn thờ Ngài, và chờ đợi án phạt tội đời đời trong hỏa ngục. Đây là loại tình thương duy nhất, vì không ai có thể có loại tình thương đó. Tất cả mọi người đều là nạn nhân đáng thương cả, và chỉ một mình Chúa Giê-xu có thể hi sinh cứu vớt.

Tình thương của Chúa là loại tình thương không thay đổi. Nghĩa là Chúa thương cho đến khi ta thực sự gặp mặt Chúa. Chúa không bao giờ bỏ ta, chỉ sợ ta bỏ Chúa mà thôi.

4. Trên thực tế ta áp dụng bài học này qua phần sau của phước lành đó: sẽ được thương xót. "Phước cho những kẻ thương xót, vì sẽ được thương xót." Nhiều lần Chúa Giê-xu dạy ta phải thương xót vì Chúa là đấng thương xót. Chúa dạy ta cầu nguyện phải xin Chúa tha tội hay tha nợ với điều kiện là ta cũng tha tội, tha nợ cho kẻ khác.

Thương xót thì sẽ được thương xót, nghĩa là Chúa không quên người biết thương kẻ khác đâu. Đội Trưởng Cọt-nây người La-mã khi xưa chỉ vì nghĩa cử thương yêu mà được Chúa cho gặp Phi-e-rơ để biết cho rõ Chân Thần mà kính thờ.

Một phương diện khác, người tin Chúa phải biết thương xót như Chúa đã thương xót mình. Ta phải thương xót hằng triệu đồng bào đang sống chung quanh mình, nhưng chưa biết đến tình thương của Chúa, ta phải dẫn họ về Nguồn của tình thương và cho họ hưởng thương xót của Chúa.

Nếu ta xưng là người tin Chúa, nhưng sống độc ác, ích kỷ, không biết thương người, thì rất đáng trách, vì con dân Chúa phải phản ánh thánh tính của Chúa.

Chúa đặt ta trong trần gian này để làm ánh sáng và muối, có nghĩa là để trải rộng tình thương của Chúa cho mọi người, mọi dân tộc.

Người tin Chúa không phải tránh xa tội lỗi trong thế gian, nhưng phải sống gần người có tội để mong cứu vớt họ. Chúng ta cần cầu nguyện để Chúa ban cho tình thương thật để đưa vô số người đến với Chúa.