Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 7

Đám Tang Vui




Các em có đi dự đám tang bao giờ chưa? Thường thường khi một người qua đời thì bà con, bạn bè của người đó từ các nơi về để dự đám tang. Vì thế hầu hết các đám tang đều có đông người dự và làm lễ một cách long trọng. Những gia đình giàu thì thuê người làm liễn, làm vòng hoa để rước đi trong đám tang. Có khi người ta thuê ban nhạc đến thổi kèn đánh trống suốt mấy ngày. Rồi thì bao nhiêu bạn bè, bà con đến thăm. Người đem hoa, kẻ đem tiền bạc đến để chia buồn với gia đình người đã chết. Khi đưa người chết ra nghĩa trang, lại có một số người đứng hai bên đường xem. Vì thế, đám tang thường bao giờ cũng đông đúc, ồn ào.
Nhưng có một đám tang nọ yên lặng, không có kèn trống, cũng không có nhiều người tham dự, cũng chẳng có ai đứng hai bên đường để xem. Đây là đám tang của một chàng thanh niên, con trai duy nhất của một người đàn bà góa chồng tại làng Na-in. Đi đầu đám tang là người mẹ đau khổ. Bà đi một mình, chẳng có một người bà con nào đi bên cạnh để an ủi hoặc nâng đỡ bà. Người đàn bà vừa đi vừa khóc thật là thảm thiết. Bà đau khổ quá vì chồng bà chết đã lâu, bà chỉ có một đứa con trai duy nhất mà bây giờ con bà cũng chết, bỏ lại bà một mình. Không biết rồi đây bà sẽ nương nhờ vào ai, vì bà chẳng còn một người bà con thân thiết nào cả.
Người đàn bà khóc than một cách tuyệt vọng. Bà lê từng bước về phía cổng làng. Người ta đang đem con bà ra nghĩa địa để chôn. Họ sắp chôn hy vọng duy nhất của đời bà. Thật không có nỗi đau khổ nào có thể so sánh với nỗi đau khổ của người đàn bà góa trong giờ phút này. Đi theo sau người đàn bà là một toán người khiêng cái cáng trên để xác của chàng thanh niên. Ngày xưa, người Do Thái không bỏ người chết trong hòm đậy kín rồi chôn dưới đất. Họ chỉ quấn vải liệm, dùng cáng khiêng đi, và đem để trong hang đá. Theo sau người chết là một số người trong làng, vì thấy người đàn bà có một mình nên họ đi theo với bà để tiễn đưa người con yêu dấu của bà đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Đám tang đi về phía cổng làng để ra nghĩa địa, là chỗ chôn người chết. Lúc ấy có một nhóm người khác đi về phía làng. Đó là những người đi buôn bán từ làng này sang làng kia. Chen lấn trong đám đông người ta thấy có một Thầy dạy đạo và một số môn đồ cùng đi. Đám tang trong làng đi ra và toán người đó từ ngoài đi vào, gặp nhau ở cổng làng.
Người ta tưởng vị Thầy kia và các môn đồ sẽ đứng tránh một bên, nhường chỗ cho đám tang đi qua. Nhưng không, khi nhìn thấy đám tang và người đàn bà đau khổ thì vị Thầy động lòng thương. Người bước lại gần bên bà và nói: "Bà ơi, đừng khóc nữa." Người đàn bà ngước nhìn Người vừa bảo bà đừng khóc và nghĩ thầm trong lòng: "Làm sao mà tôi không khóc được. Đứa con trai yêu dấu của tôi đã chết, niềm hy vọng duy nhất của đời tôi đã mất, tôi còn gì để mà vui sống nữa đâu!" Vị thầy kia không nói gì thêm với người đàn bà, nhưng bước về phía những người khiêng xác chết. Những người khiêng cáng lúng túng không biết làm gì nên cũng dừng lại. Người bước lại gần, đưa tay rờ người chết. Những người khiêng cáng hơi lo, không biết ông thầy này định làm gì đây, nhưng họ chỉ yên lặng nhìn chứ không dám hỏi gì.
Tất cả mọi người có mặt trong đám tang đều ngạc nhiên vô cùng. Từ xưa đến giờ, mỗi khi có đám tang đi qua đường là người ta cúi đầu chào và tránh sang một bên. Chưa bao giờ thấy có ai chận đám tang lại và đến rờ vào xác chết như vậy. Trong khi mọi người còn đang ngơ ngẩn chưa biết phản ứng làm sao thì vị Thầy đó gọi người chết và nói: "Cậu ơi, ngồi dậy đi!" Người chết bỗng ngồi dậy và bắt đầu nói. Vị Thầy đưa tay đỡ chàng thanh niên bước xuống khỏi cáng và dẫn lại cho bà mẹ. Người đàn bà đau khổ ngước nhìn con, mặt vẫn còn đầy nước mắt. Có lẽ bà không dám tin điều bà đang chứng kiến, bà không biết đây là mơ hay thật cho đến khi bà ôm chặt đứa con yêu dấu vào lòng. Bà sung sướng quá, con bà đã chết mà bây giờ lại sống.
Các em thử tưởng tượng, đang đi đưa đám tang mà người chết sống lại và nói thì ai mà không sợ phải không? Có lẽ lúc đó một số người bỏ chạy, một số khác đứng lại nhưng che mặt hoặc ôm lấy nhau. Người ta hỏi nhau: "Người này là ai mà có quyền kêu người chết sống lại vậy?" Khi biết rằng Người vừa làm phép lạ lớn lao đó là Chúa Giê-xu, Con của Đức Chúa Trời, là Đấng đến thế gian để cứu mọi người, người ta vui mừng la lên, và ca ngợi Đức Chúa Trời. Họ nói với nhau: "Đây là Đấng tiên tri lớn đã đến với chúng ta! Đức Chúa Trời đã đoái thương dân Ngài!" Tiếng đồn về việc Chúa Giê-xu cứu người chết sống lại tại làng Na-in được loan truyền nhanh chóng, không những chỉ trong làng đó mà dân chúng trong các làng khác cũng biết nữa. Nhiều người nghe phép lạ Chúa Giê-xu làm liền tin Chúa và đi theo Ngài.
Thế là đám tang buồn tẻ bỗng trở thành vui như đám hội. Người ta xúm lại

hỏi thăm chàng thanh niên vừa mới được Chúa gọi sống lại. Người thì đến chúc mừng bà mẹ của chàng. Không ai có thể mô tả được nỗi vui mừng của người đàn bà lúc ấy. Cuộc đời bà tưởng đã hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng Chúa Giê-xu đã đến, Ngài đã ban lại cho bà hy vọng. Người con yêu dấu của bà tưởng đã mất nay lại còn. Còn niềm vui nào lớn hơn niềm vui đó phải không các em?
Trước nỗi đau buồn lớn lao của người đàn bà góa chồng, không ai có thể giúp được bà, nhưng Chúa Cứu Thế đã đến, Ngài đã đổi buồn đau ra vui mừng, Ngài lau ráo nước mắt cho bà và ban cho bà hy vọng. Ngày nay, Chúa Giê-xu cũng đang đến với mọi người, Ngài sẵn sàng ban niềm vui và hy vọng cho những ai đặt lòng tin nơi Ngài. Chúa không những giúp chúng ta có một cuộc sống vui vẻ, bình an trong đời này mà Ngài còn ban sự sống đời đời phước hạnh cho chúng ta trong đời sau nữa.
Chúa Giê-xu đã đến trần gian, chịu chết để cứu chúng ta. Nếu các em tin Chúa, Ngài sẽ tha thứ tội cho các em và ban cho các em sự sống đời đời. Các em muốn nhận được niềm vui mà Chúa đã đem đến không?
CÂU HỎI
1. Câu chuyện trên xảy ra tại đâu?
2. Đây là đám tang của ai?
3. Khi đám tang gặp Chúa Giê-xu, chuyện gì đã xảy ra?
4. Khi nghe phép lạ Chúa làm, người ta làm gì?
5. Ngày nay nếu muốn nhận được niềm vui của Chúa chúng ta phải làm gì?