Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 58

26:57-75 - Trước Mặt Cai-phe

1. “Những kẻ đã bắt Đức Chúa Jêsus” (c. 57a) là ai? Họ làm gì sau đó? Tại sao?

2. “Các thầy tế lễ cả và cả tòa công luận kiếm chứng dối về Ngài, cho được giết Ngài” (c. 59) cho thấy điều gì về các thầy tế lễ cả và tòa công luận?

3. “Dầu có nhiều người làm chứng dối có mặt tại đó, song tìm không được chứng nào cả” (c. 60a) cho thấy điều gì?

4. Lời chứng nói rằng, “Người nầy đã nói Ta có thể phá đền thờ của Đức Chúa Trời, rồi dựng lại trong ba ngày” (c. 60b-61) có đúng không? Tại sao?

5. Tại sao Chúa Giê-xu yên lặng khi thầy cả thượng phẩm hỏi Chúa (c. 62-63a)?

6. Câu trả lời của Chúa Giê-xu trong câu 64b hàm ý điều gì?

7. Tại sao thầy cả thượng phẩm lại xé áo sau câu trả lời của Chúa Giê-xu (c. 65a)?

8. Tại sao thầy cả thượng phẩm lại cho rằng Chúa đã nói phạm thượng (c. 65b)?

9. Người ta đã làm gì cho Chúa sau khi nói rằng Chúa đáng chết (c. 67-68)?

10. Xin kể lại ba lần chối Chúa của Phi-e-rơ.

11. “Khóc lóc cách đắng cay” cho thấy điều gì về Phi-e-rơ?

12. Câu chuyện Chúa bị xử trước tòa công luận (c. 59-68) và việc Phi-e-rơ chối Chúa ba lần (c. 69-75) dạy chúng ta những bài học gì?

 

 

Trước mặt cai-phe

Ma-thi-ơ 26:57-75

 

Theo 22:47, những kẻ đã bắt Đức Chúa Jêsus là những người mà các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân đã sai đến. Từ đầu chương 26, chúng ta đã biết các thầy tế lễ cả và các trưởng lão là những người quyết tâm muốn khai trừ Chúa Giê-xu, muốn giết Ngài (26:3-4). Do đó, những diễn biến chúng ta đã thấy là:

1. Họ bàn với nhau dùng mưu chước gì để bắt Chúa Giê-xu (c. 4).

2. Họ trả tiền cho Giu-đa phản nộp Chúa (c. 15).

3. Họ sai người đến bắt Chúa (c. 47).

Và bây giờ Chúa bị giải về cho họ (c. 57). Họ đây là các thầy tế lễ cả và cả tòa công luận (c. 59). Giết Chúa Giê-xu là định tâm của họ từ đầu, tuy nhiên vì Palestine đang bị La-mã cai trị cho nên án tử hình phải được chính quyền La-mã phê chuẩn (Giăng 18:31). Do đó, chúng ta thấy Chúa Giê-xu phải trình diện trước hai tòa án: (1) Tòa công luận của người Do-thái với thầy cả thượng phẩm Cai-phe đứng đầu. (2) Tòa án La-mã với quan tổng đốc Phi-lát (27:1-2).

Trước tòa công luận, người ta không có lý do gì để buộc tội Chúa, do đó họ phải kiếm chứng dối về Ngài cho được giết Ngài (c. 59). Nhưng cố gắng đó cũng không thành công vì dầu có nhiều người làm chứng dối có mặt tại đó, song tìm không được chứng nào cả (c. 60). Đối chiếu hai điều nầy (“kiếm chứng dối” và “tìm không được chứng nào cả”) cho thấy việc làm của các thầy tế lễ cả thật trắng trợn và Chúa Giê-xu thật là người vô tội.

Cuối cùng người ta tìm được hai người chứng buộc tội Chúa như sau:

Sau hết, có hai người đến, nói như vầy: Người nầy đã nói, Ta có thể phá đền thờ của Đức Chúa Trời, rồi dựng lại trong ba ngày (c. 60b-61).

Giăng 2:18-21 cho chúng ta thấy bối cảnh và lời tuyên bố của Chúa như sau cho thấy những người chứng đã bóp méo sự thật như thế nào:

Các người Giu-đa cất tiếng thưa cùng Ngài rằng: Thầy làm như vậy thì cho chúng tôi xem thấy phép lạ chi? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy phá đền thờ nầy đi, trong ba ngày ta sẽ dựng lại! Người Giu-đa lại nói: Người ta xây đền thờ nầy mất bốn mươi sáu năm, mà thầy thì sẽ dựng lại trong ba ngày! Nhưng Ngài nói về đền thờ của thân thể mình. 

Đối chiếu lời của hai nhân chứng với điều đã thật sự xảy ra, chúng ta thấy:

1. Lý do Chúa Giê-xu tuyên bố lời nầy là vì thách thức của các người Giu-đa sau khi Chúa dẹp sạch đền thờ. Chính họ xin Chúa cho họ một phép lạ, đúng hơn là dấu lạ (BHĐ) hay dấu hiệu.

2. Chúa Giê-xu không nói, Ta có thể phá đền thờ của Đức Chúa Trời, rồi dựng lại trong ba ngày (đó là lời của nhân chứng) nhưng Chúa nói, Hãy phá đền thờ nầy đi, trong ba ngày ta sẽ dựng lại hàm ý phép lạ hay dấu lạ là ở đó.

3. Điều Chúa muốn nói là sự phục sinh của Ngài sau ba ngày trong mồ mả.

Như vậy, những người gọi là nhân chứng đã nghe không đầy đủ và đã trích lại không đúng với khung cảnh khi lời nầy được tuyên bố.

Chúa Giê-xu đã yên lặng trước lời cáo buộc đó có lẽ vì Chúa nghĩ rằng Ngài không cần phải bào chữa cho một lời không đúng với sự thật như vậy. Điều nầy cũng phù hợp với lời tiên tri đã nói trước về Chúa (Ê-sai 53:7). Chúa Giê-xu đã tiếp tục yên lặng trước lời thúc hối của thầy cả thượng phẩm:

Những người nầy làm chứng mà kiện ngươi, ngươi không thưa lại gì sao (c. 62)?

Vì không thể buộc tội Chúa Giê-xu với lời cáo buộc của các nhân chứng, thầy cả thượng phẩm bây giờ đặt Chúa vào chỗ phải nói những lời mà dựa vào đó người ta có thể lên án chết cho Chúa.

Thầy cả thượng phẩm lại nói với Ngài rằng: Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng (c. 63)?

Câu: Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề tương tự như lời tuyên thệ trước tòa án. Thầy cả thượng phẩm với tư cách là vị chánh án đã buộc Chúa Giê-xu phải tuyên thệ để xác nhận Chúa có phải là Đấng Mê-si-a hay không. Đấng Christ (Mê-si-a) và Con Đức Chúa Trời là hai danh hiệu mà Chúa Giê-xu không dùng khi nói về Ngài. Chúa chỉ xác nhận điều nầy sau lời xưng nhận của Phi-e-rơ mà thôi (16:16-17). Vì không thể dựa vào lời khai của nhân chứng để buộc tội tử hình, nên thầy tế lễ Cai-phe muốn dựa vào lời của chính Chúa để buộc tội Ngài. Chúa Giê-xu đã không trực tiếp trả lời câu hỏi của Cai-phe nhưng muốn dùng chính câu hỏi của ông để xác nhận. Chúa đáp: Thật như lời (c. 64a). Câu nầy trong nguyên ngữ là: “Chính ngươi đã nói thế” (BHĐ). Cai-phe muốn nghe chính Chúa Giê-xu xác nhận Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời để buộc tội Ngài, nhưng Chúa đã khéo léo đáp lại với hàm ý, “Đó là lời ngươi nói, ngươi đã nói như vậy!” Câu nầy cũng hàm ý rằng Cai-phe và Chúa Giê-xu hiểu chữ Đấng Christ (Đấng Mê-si-a) khác nhau. Cai-phe và người Do-thái lúc bấy giờ hiểu Mê-si-a là vị cứu tinh của dân tộc còn Chúa Giê-xu biết chức vụ Mê-si-a của Ngài là giải thoát con người khỏi tội lỗi (1:1, 21).

Dầu vậy Chúa cũng nói thêm:

Ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời và ngự trên mây từ trời mà xuống (c. 64b).

Câu nầy gián tiếp xác nhận Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời: (1) Con Người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời. Ngồi bên hữu nói đến vị trí cao quý nhất trong Nước Đức Chúa Trời. (2) Ngự trên mây từ trời mà xuống. Nói đến quyền cai trị của Đức Chúa Trời trong ngày cuối cùng. Phản ứng của Cai-phe trước lời tuyên bố nầy của Chúa Giê-xu là:

Thầy cả thượng phẩm bèn xé áo mình mà nói rằng: Nó đã nói phạm thượng, chúng ta còn cần gì người làm chứng nữa sao? (c. 65a).

Xé áo biểu lộ lòng kinh dị cực độ trước lời tuyên bố quá phạm thượng đối với Cai-phe. Ông nói, Nó đã nói phạm thượng, chúng ta còn cần gì người làm chứng nữa sao? Và kêu gọi hội đồng kết án Chúa:

Các ngươi vừa nghe lời phạm thượng đó, thì nghĩ làm sao? (c. 65b).

Câu 66 nói lên bản án của Chúa: Nó đáng chết! Sau lời buộc tội đó, người ta đã: (1) Nhổ trên mặt Ngài. (2) Đấm Ngài. Và: (3) Vả vào mặt Ngài. Mác 14:65 ghi thêm chi tiết đậy mặt Ngài lại. Vì vậy họ chế nhạo Chúa:

Hỡi Đấng Christ, hãy nói tiên tri đi, cho chúng ta biết ai đánh ngươi (c. 68).

Đang lúc Chúa Giê-xu bị xử án như vậy thì:

Phi-e-rơ theo Ngài xa xa cho đến sân của thầy cả thượng phẩm, vào ngồi với các kẻ canh giữ đặng coi việc ấy ra làm sao (c. 58).

Phi-e-rơ đã gặp hai người đầy tớ gái và một số người khác và đã ba lần phủ nhận không biết Chúa như sau:

 

 

Người hỏi

Câu trả lời của Phi-e-rơ

Lần 1

Ngươi cũng là kẻ ở với Jêsus, người Ga-li-lê?

 

Ta không hiểu ngươi nói chi!

Lần 2

Người nầy cũng ở với Jêsus, người Na-xa-rét!

 

Ta chẳng hề biết người ấy!

Lần 3

Chắc thật, ngươi cũng thuộc về đảng ấy, vì tiếng nói của ngươi khai ngươi ra!

 

Ta không biết người đó đâu!

 

Sau lần chối thứ ba, Kinh Thánh ghi: Tức thì gà gáy (c. 74b). Lúc đó:

Phi-e-rơ nhớ lại lời Đức Chúa Jêsus đã phán rằng: Trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần. Đoạn, người đi ra và khóc lóc cách đắng cay (c. 75).

Lời báo trước của Chúa Giê-xu một vài giờ trước đó (c. 34) nay đã trở thành sự thật và Phi-e-rơ đã đi ra và khóc lóc cách đắng cay (c. 75b). Khóc lóc cách đắng cay là khóc lớn tiếng với nỡi đau đớn và sầu khổ. Đây là tiếng khóc ăn năn, thống hối của người môn đệ luôn luôn trung thành với Chúa, chỉ chối Chúa trong một phút yếu lòng.

Những bài học ghi nhận:

1. Hành động tội lỗi luôn luôn bắt đầu từ ý định trong lòng. Vì đã định tâm giết Chúa nên các thầy tế lễ cả đã tìm đủ mọi cách để khai trừ Chúa, bất kể là phương cách nào.

2. Khi sự thật bị thêm bớt hay sửa đổi sẽ không còn là sự thật nữa. Một phần sự thật không phải là sự thật (lời cáo gian của hai nhân chứng).

3. Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a không phải trên phương diện chính trị hay quân sự nhưng là Đấng “cứu dân mình ra khỏi tội.” Chúng ta phải tiếp nhận Chúa Giê-xu trong ý nghĩa đó.

4. Chúa Giê-xu vô tội nhưng bị cáo gian, sỉ vả, hành hung… ứng nghiệm lời tiên tri (Ê-sai 53:1-9) và nêu gương chịu khổ cho chúng ta.

5. Chúng ta phải cẩn thận để không vấp ngã trong những lúc ít ngờ đến nhất như Phi-e-rơ.

6. Lòng ăn năn, thống hối thật bao giờ cũng được Chúa biết và tha thứ (Thi thiên 51:17).