Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 64

Gian Dối

Ma-thi-ơ 28:11-15

 

1. Dựa vào câu chuyện nầy, “mấy tên lính canh” (c. 11a) là lính La-mã hay là lính đền thờ của các thầy tế lễ cả? Tại sao?

2. “Mấy tên lính đó lấy bạc và làm theo như lời” (c. 15a) nghĩa là thế nào?

3. Tại sao chúng ta biết điều những người lính nói không phải là sự thật?

Ma-thi-ơ 28:16-20

 

1. “Nghi ngờ” (c. 17b) nghĩa là thế nào? Tại sao họ lại nghi ngờ?

2. “Quyền phép” (c. 18) chỉ về điều gì?

3. Câu 19-20 thường được gọi là “đại mạng lệnh.” Đại mạng lệnh bao gồm những điều gì?

4.  Lời hứa của Chúa trong câu 20b hàm ý điều gì?

 

 

GIAN DỐI

Ma-thi-ơ 28:11-15

Câu chuyện Chúa phục sinh liên tục từ câu 10 đến câu 16. Phần câu 11-15 là phần trong ngoặc nhằm giải thích tiếng đồn trong câu 15b. Theo 27:64-66, các thầy tế lễ cả đã đến xin tổng đốc Phi-lát cho lính canh mộ Chúa và câu trả lời của Phi-lát là: Các ngươi có lính canh, hãy đi canh giữ theo ý các ngươi (c. 65). Câu nầy hàm ý là lính canh của các thầy tế lễ. Tuy nhiên, những chữ, Các ngươi có lính canh (ở thể xác định) cũng có thể dịch ở thể mệnh lệnh là, Hãy đi lấy lính canh! Với hàm ý là lính canh La-mã. Vì vậy những lính canh mộ Chúa có thể là lính La-mã vì các thầy tế lễ cả đã trấn an họ với câu: Nếu điều ấy thấu tai quan tổng đốc, thì chúng ta sẽ khuyên giải người, và làm cho các ngươi khỏi lo sợ (c. 14). Dù là lính của ai, vấn đề là những người lính nầy đã được trả nhiều tiền để nói dối là môn đồ của Chúa đã đến lấy trộm xác Chúa.

Mấy tên lính đó lấy bạc và làm theo như lời (c. 15a). Nghĩa là những người lính nầy đã nói dối như vậy và tiếng ấy đã đồn ra trong dân Giu-đa cho đến ngày nay. Tiếng ấy là tiếng đồn nói rằng, “Môn đồ Chúa đã lấy trộm xác Chúa.” Tuy nhiên, đàng sau tiếng đồn đó chính là sự gian dối của các thầy tế lễ cả (c. 11-13). Có lẽ một trong số các thầy tế lễ cả hay một trong những người lính về sau đã tiết lộ việc gian dối nầy và Ma-thi-ơ đã ký thuật lại.

 

ĐẠI MẠNG LỆNH

Ma-thi-ơ 28:16-20

Chức vụ của Chúa Giê-xu trên trần gian bắt đầu tại Ga-li-lê (4:12) và cũng kết thúc tại Ga-li-lê (c. 16a). Nhóm Mười Hai Người của Chúa Giê-xu (10:1) bây giờ chỉ còn mười một, với sự vắng mặt của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Chúng ta không rõ hòn núi mà Đức Chúa Giê-xu đã chỉ cho ở đâu, có lẽ là một vùng đồi cao trong vùng biển hồ Ga-li-lê. Hai phản ứng của các môn đồ là: thờ lạynghi ngờ. Nghi ngờ không mang ý nghĩa không tin nhưng là ngỡ ngàng, không rõ hư thực thế nào, không biết đây có thật là Chúa của mình đã chết mà nay sống lại hay không.

Đức Chúa Jêsus đến gần (c. 18a) hàm ý Chúa bước vào hay ngồi vào vị thế giảng dạy (5:1). Căn bản hay nền tảng của đại mạng lệnh Chúa Giê-xu sắp truyền cho các môn đồ là quyền phép của Ngài. Quyền phép mang ý nghĩa thẩm quyền (BHĐ). Từ điển BAGD (A Greek Lexicon of the New Testament and Other Early Christian Literature) định nghĩa thẩm quyền là “tự do lựa chọn, tự quyết định, hành động theo ý của mình.” Do đó hàm ý “thẩm quyền tuyệt đối.” Đây là vai trò của Chúa Giê-xu phục sinh. Chúa không còn bị giới hạn trong vai trò của Chúa Giê-xu nhập thể nữa. Giờ đây, Ngài là Chúa Tể của hoàn vũ: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho Ta (c. 18b, đối chiếu với Phi-líp 2:9-11). Trên căn bản đó, Chúa Giê-xu ban bố đại mạng lệnh.

Theo cấu trúc văn phạm của câu 19-20a, đại mạng lệnh được hiểu như sau. Động từ chính của câu nầy là dạy dỗ. Dịch đúng hơn là “đào tạo môn đệ.” “Hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta” (BHĐ). Mạng lệnh chính Chúa Giê-xu truyền cho các môn đồ là họ phải “khiến muôn dân trở nên môn đồ” của Chúa. Và phương cách để làm điều nầy là: (1) Đi. (2) Làm phép báp-têm. (3) Dạy.

Đi hàm ý ra đi, nhưng cũng có nghĩa là đang khi đi (Công vụ 8:4) hay là trong đời sống hàng ngày. Công vụ 1:8 là một dạng khác của đại mạng lệnh, hàm ý đi đến nhiều nơi, từ gần đến xa.

Phép báp-têm của Giăng mang ý nghĩa ăn năn (Mác 1:4), còn phép báp-têm Chúa Giê-xu truyền dạy ngoài ý nghĩa ăn năn (Công vụ 2:38) cũng mang ý nghĩa liên kết vào thân thể của Chúa (I Cô. 12:13; Ê-phê-sô 4:4-6). Môn đệ Chúa là người được liên kết với Chúa trong Hội Thánh của Ngài mà phép báp-têm là dấu hiệu của sự liên kết đó. Điều đáng chú ý trong công thức làm phép báp-têm là Ba Ngôi Đức Chúa Trời được nhắc đến nhưng chữ nhân danh trong nguyên ngữ ở dạng số ít (chỉ có một Danh mà thôi) cho thấy sự hiệp nhất trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

Động từ dạy trong câu, dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi mang ý nghĩa giáo huấn. (Chữ dạy trong câu Hãy đi dạy dỗ muôn dân ở phần đầu của mạng lệnh mang ý nghĩa đào tạo môn đệ, đây là hai động từ khác nhau). Điều quan trọng hơn trong mạng lệnh nầy là chẳng những dạy (truyền đạt kiến thức) nhưng là dạy họ giữ, nhấn mạnh đến thực hành hay áp dụng. Và phạm vi của việc giáo huấn nầy là hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi, nói đến mọi điều họ đã học từ Chúa.

Chúng ta có thể diễn đạt đại mạng lệnh của Chúa như sau: “Hãy khiến muôn dân trở nên môn đồ của Ta bằng cách: (1) Ra đi truyền giảng Phúc Âm cho họ. (2) Đem họ vào trong Hội Thánh qua phép báp-têm. Và: (3) Dạy họ sống vâng giữ lời Ta đã truyền.”

Đại mạng lệnh kết thúc với lời hứa: Và nầy, Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế (c. 20b). Và nầy, bản NIV dịch là “chắc chắn” (surely), đây là một lời bảo đảm. Động từ ở cùng trong thời hiện tại, nghĩa là lúc nào Chúa cũng có mặt. Chữ thường mang ý nghĩa trọn vẹn, Chúa ở với chúng ta trọn vẹn mỗi ngày. Cho đến tận thế cho thấy lời hứa nầy không chỉ dành cho các môn đồ của Chúa lúc đó mà thôi nhưng cho môn đồ của Chúa trong mọi thời đại cho đến khi Chúa tái lâm. Chúa Giê-xu đã và đang thực hiện lời hứa nầy qua Chúa Thánh Linh là Đấng đang hiện diện trong lòng mỗi người tin nhận Ngài (Giăng 14:16-18; Rô-ma 8:9).

BÀI65