Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 31

Làm Chứng Nhân Tại La Mã

Công-vụ Các Sứ-đồ 28:17-31

“…từ buổi sáng đến chiều, người cứ làm chứng và giảng giải với họ về nước Đức Chúa Trời, lấy luật pháp Môi-se và các đấng tiên tri mà gắng sức khuyên bảo họ về Đức Chúa Giê-xu” (câu 23b).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô làm chứng nhân cho Chúa Giê-xu tại La Mã ra sao? Bạn rút ra những bài học nào từ công việc và cuộc đời của nhà truyền giáo này? Bạn và Hội Thánh địa phương đang làm gì để viết tiếp trang sử của Cơ Đốc giáo?

Sứ đồ Phao-lô đã làm chứng nhân cho Chúa tại La Mã theo như lời Ngài truyền dạy cho ông: “Hãy giục lòng mạnh mẽ, ngươi đã làm chứng cho Ta tại thành Giê-ru-sa-lem thể nào, thì cũng phải làm chứng cho Ta tại thành Rô-ma thể ấy” (Công-vụ Các Sứ-đồ 23:11). Cách truyền giảng của Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta một số bài học. Trước tiên, ông biết tận dụng thì giờ. Chỉ sau ba ngày đến La Mã, ông đã tìm và mời các lãnh đạo của người Do Thái đến để trải lòng về hoàn cảnh tù đày của ông là vì tình yêu đồng bào và niềm hy vọng của họ (câu 17-20). Thứ hai, ông làm chứng bắt đầu từ người Do Thái là những người biết luật pháp và lời tiên tri của Chúa, thuyết phục họ về Chúa Giê-xu, Đấng Mết-si-a đã được hứa ban (câu 21-28) và sau đó ông tiếp đón và làm chứng cho mọi người (câu 30). Thứ ba, sứ điệp của Sứ đồ Phao-lô vẫn không thay đổi theo thời gian và đối tượng được nghe. Ông giảng về Nước Đức Chúa Trời, và dạy về Chúa Cứu Thế Giê-xu (câu 31).

Trong suốt hai năm ở La Mã, Sứ đồ Phao-lô đã hăng say, tận tụy, và trung thành làm chứng về Chúa cho mọi người (câu 23, 30-31). Mặc dù người Do Thái tại La Mã không có thành kiến với Cơ Đốc nhân do không bị ảnh hưởng của nhóm người Do Thái quá khích ở

Giê-ru-sa-lem, nhưng họ vẫn thắc mắc tại sao niềm tin này bị chống đối khắp nơi (câu 22).

Cơ Đốc nhân bị chống đối và bị bức hại khắp nơi vì họ tôn thờ và tuân theo mệnh lệnh của vị Vua cao cả hơn là vua chúa của đời này. Đúng như Chúa Giê-xu đã khuyến cáo: “Tôi tớ không hơn chủ!” Chúng ta cần tỉnh thức và sẵn sàng đón nhận sự chống đối của người thế gian. Mặc dù chân lý đã được rao giảng cách hết lòng nhưng chắc chắn không phải mọi người đều tiếp nhận, chúng ta không ngạc nhiên hay thất vọng khi Phúc Âm bị chối từ. Vì họ đã bị quyền lực của sự tối tăm trói buộc; nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy, lòng họ đã trở nên tối tăm (câu 26-27).

Sách Công-vụ Các Sứ-đồ tường thuật diễn tiến Hội Thánh Chúa đã được thành lập và phát triển như thế nào, những dấu kỳ phép lạ mà Chúa Thánh Linh đã thi thố qua các sứ đồ. Sách Công-vụ Các Sứ-đồ có kết thúc mở để mỗi thế hệ Cơ Đốc nhân viết tiếp sách này cho đến khi Chúa Giê-xu tái lâm. Bạn viết gì vào sách Công-vụ Các Sứ-đồ của mình hôm nay?

Tạ ơn Chúa đã thiết lập Hội Thánh, dùng con cái tín trung của Ngài rao giảng Phúc Âm hơn hai ngàn năm qua để giờ đây con nhận được ơn cứu rỗi. Cầu xin Chúa cho con biết tận dụng thì giờ và hết lòng làm chứng về Ngài để Phúc Âm sớm được loan báo khắp đất.

(c) 2024 svtk.net