Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

Muối Của Đất

Chúng ta đang nghiên cứu lời dạy của Chúa Giê-xu trong bài giảng trên núi, ghi trong Phúc Âm Ma-thi-ơ chương 5. Bài này chúng ta sẽ học câu 13 của chương năm:

"Các con là muối của đất, nhưng nếu mất tính mặn, thì sẽ lấy gì làm cho mặn lại được? Muối ấy không về việc gì được, phải bỏ ra ngoài và bị người ta dẫm chân lên."

Theo một bản dịch khác câu này là:

"Các con là muối giữa đời; nếu muối mất phẩm chất thì có cách gì phục hồi được? Muối vô vị như thế phải bỏ đi và bị người ta dẫm chân lên."

Bài học Kinh-thánh này chúng ta sẽ trả lời các câu hỏi:

1. Môi trường sống của người theo Chúa như thế nào?

2. Khi nói "các con là muối của đất", Chúa ngụ ý gì?

3. Bài học rút trong câu Kinh-thánh này là gì?

Chúng ta sẽ lần lượt trả lời các câu hỏi kể trên.

1. Môi trường sống của người theo Chúa như thế nào?

Để trả lời câu hỏi này ta cần xem thử muối có những tính chất nào? Trong phần đầu của bài giảng trên núi, Chúa Giê-xu đã liệt kê ra các đức tính của một người tin Chúa chân thật. Câu 13 Chúa đưa vào áp dụng những đức tính đó. Nói cách khác, chúng ta đã thấy chân dung người tín đồ mẫu mực, bây giờ được nhìn vào thực tế, người tín đồ lý tưởng đó chứng tỏ đức tính ra sao.

Người tin Chúa không phải là người sống tách biệt. Người ấy sống ngay trong trần thế, nhưng không thuộc về trần thế. Trong Kinh-thánh chúng ta thường hay thấy hai điều đi song song. Người tin Chúa được dạy là tâm trí và tầm nhìn không chú mục vào trần tục, nhưng không có nghĩa là người ấy phải hoàn toàn thoát tục, nghĩa là rời khỏi thế gian này đi nơi nào khác.

Người theo Chúa có tâm hồn nghèo khó, thương xót, nhu mì, thèm khát công chính để có thể làm "muối của trần gian." Chúng ta qua phần chiêm ngưỡng đức tính của người tín đồ để vào phần phận sự và mục đích của cuộc đời người ấy. Nghĩa là mối quan hệ giữa người tin Chúa và đời thường như thế nào.

"Các con là muối của đất" Câu này không phải chỉ nói đến tính chất của người tin Chúa trong cuộc đời, nhưng còn cho thấy cuộc đời mà người tin Chúa đang sống nữa. "Đất" đây nói chung về nhân loại, những người không tin Chúa.

Khi nói "muối của đất" chúng ta phải hiểu Chúa muốn nói về đất nào? Đất ấy đang ở trong tình trạng nào? Đó là xã hội thối nát, băng hoại. Thứ xã hội có khuynh hướng đi vào chỗ ô nhiễm, trở nên thối tha và làm hại. Đó là lối Kinh-thánh nhìn vào xã hội loài người. Trần gian này sa ngã, tội lỗi và hư hỏng. Có khuynh hướng độc hại đưa đến những cuộc chiến tranh. Giống như thịt để ra ngoài trời, dễ bị thiu, thối rã nát. Một thứ cần phải bảo vệ cho tốt lành bằng chất chống nhiễm trùng nào đó.

Thế giới này xem như tiến bộ về đủ mọi mặt, nhưng thật ra là ngược lại. Buông ra không kềm hãm, thế giới đi đến chỗ thối tha. Trong mỗi con người đều có những loại vi khuẩn đục khoét, nếu không chữa chạy, chế ngự, sẽ ăn lan ra nhiều. Ngay từ những năm đầu tiên của nhân loại, con người đã có khuynh hướng hư hỏng, chọn điều trái mạng Chúa, giết hại nhau, phạm những tội kinh khủng đến nỗi Chúa phải diệt bằng nước lụt như trong thời Nô-ê và bị lửa thiêu rụi như hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Ngay tội đồng tính luyến ái cũng đã có từ nghìn xưa, và Chúa cũng đã lên án. Thế giới tiến bộ, nhưng luân lý càng ngày càng đồi trụỵ hơn, và tội ác có thêm nhiều phương cách để phát triển.

Đó là môi trường sống được gọi là "đất" trong câu này.

2. Khi nói "Các con là muối của đất", Chúa có ngụ ý gì?

Trước tiên chúng ta phải nhìn lại những phước lành Chúa nói đến ở đầu bài giảng. Chúng ta hoàn toàn khác với đời. Điểm này đã tỏ tường. Muối chủ yếu là phải khác với mọi môi trường chung quanh nó, theo một nghĩa, nó xử dụng hết cá tính của nó bằng cách khác biệt. Tính mặn của muối nói lên khác biệt của nó với môi trường. Chỉ cần một ít muối có mặt trong môi trường là đã làm thay đổi môi trường đó. Người tin Chúa hoàn toàn khác với mọi người chung quanh mình. Người ấy khác như muối khác với thịt mà ta xát muối vào. Người ấy cũng khác như muối bỏ lên trên vết thương để trừ độc.

Người tin Chúa không phải chỉ khác biệt, nhưng người ấy phải là một loại người biệt riêng ra, duy nhất, nổi bật lên, có cái gì trong con người ấy làm cho người khác thấy được, cảm nhận được. Mỗi chúng ta thử tự xét xem mình có thật sự khác với thế giới chung quanh mình không?

Nhiệm vụ chính của người tín đồ trong xã hội là được sử dụng như chất kháng sinh. Muối ướp thịt để bảo vệ cho thịt khỏi bị vi trùng làm hư hỏng.

Nhiệm vụ thứ hai của muối là thêm vị cho thức ăn khỏi nhạt nhẽo. Cuộc đời không có người tin Chúa thì thật là nhạt nhẽo. Thế giới ngày nay có chứng minh điểm này được hay không? Hãy nhìn vào những cuộc vui chơi trong đời. Người ta vì buồn chán, rảnh rỗi phải tìm thú vui. Nhưng người tin Chúa không cần các cuộc mua vui đó vì người ấy mang tính mặn trong đời, đó là đức tin. Cuộc đời không có Chúa vô vị đến nỗi người ta phải đi tìm một ít hương vị giả tạo trong các cuộc giải trí mua vui, thỏa mãn nhục dục, vì chẳng có lý tưởng nào cao hơn mà đeo đuổi.

Người tin Chúa phải thêm vị cho cuộc đời như thế nào?

Nhiều người chủ trương làm muối cho đời có nghĩa là Hội Thánh phải tuyên bố lập trường về hoàn cảnh chung trên thế giới, về chính trị, kinh tế và các việc khác thuộc quốc tế nữa. Thí dụ như có những phần tử quá khích đề nghị Hội Thánh phải xác định lập trường đối với thực dân, phát-xít và cộng sản. Nhưng nghĩ như thế là hiểu lầm lời dạy của Chúa, và Kinh-thánh không có chỗ nào dạy như vậy.

Thật ra Chúa dạy người tin Chúa phải đem tính mặn cá nhân vào môi trường đời. Người ấy sống ngay trong nơi làm việc của mình. Khi một người tín đồ thật vào một nơi, thì dù người ấy không nói gì cả, người khác cũng nhận ra được và thay đổi cách nói năng. Người ấy nếu là người tín đồ chân chính thì không những trong gia đình, nơi làm việc mà cả đến đất nước cũng nhận ra cái khác biệt đó. nhưng như thế mới là về phương diện tiêu cực.

Ta nên nhớ rằng nhiệm vụ đầu tiên của Hội Thánh là truyền bá Phúc Âm, là giảng truyền tin mừng. Nếu Hội thánh chỉ lo bài bác các ý thức hệ của loài người thì sẽ sao nhãng việc truyền bá Phúc Âm. Làm sao ta vừa bài bác một người mà lại vừa mong người ấy trở lại tin Chúa được?. Như thế thay vì truyền bá Phúc Âm cho những người chưa biết Phúc Âm, ta có thể tự ngăn cản mình làm việc đó bằng thái độ phê bình chỉ trích. Tự ta đóng cửa truyền giáo lại. Ta cần nhớ rằng con người phạm tội có mặt trong mọi chế độ, mọi chủ nghĩa, và ai cũng cần được nghe Phúc Âm để tin Chúa và tìm ra ý nghĩa cuộc đời.

Xã hội quanh ta, đất nước ta sống nếu có nhiều người tin Chúa chân thật thì sẽ đưa đến những đổi thay. Trong gia đình vui vẻ hòa thuận hơn, hàng xóm láng giềng tốt hơn, vào nơi buôn bán hay công xưởng ăn nói thành thật và làm việc chăm chỉ hơn. Bất cứ nơi nào có người tín đồ thật của Chúa, thì nơi đó phải có ảnh hưởng tốt, từ lời nói đến cử chỉ và việc làm.

Thế gian thù nghịch với người tin Chúa, nhưng ta chỉ có thể thắng bằng những thái độ Chúa dạy trong tám phước lành tức là tính mặn của mỗi người tin Chúa. Mất tính mặn này, ta còn xấu hơn người chưa tin Chúa nữa.

Ta cũng cần để ý đến lời Chúa nói về mất tính mặn. Đã là muối không bao giờ mất tính mặn cả, vì như thế sao gọi là muối được? Nhưng buồn thay nhiều người tự nhận là tín đồ của Chúa nhưng không mang một tính mặn nào cả, chỉ toàn cay độc, rác rưởi mà thôi. Thay vì làm cho môi trường bớt ung thối, lại về hùa với môi trường để bị băng hoại chung.

3. Bài học rút ra từ câu Kinh-thánh này là gì?

a. Ta phải nhận định cho đúng như thế nào là một người tín đồ thật của Chúa. Bạn cần đọc lại tám phước lành của Chúa và phải hiểu đó là bản sắc của người tín đồ thật.

b. Ta cũng cần nhận định cho rõ về môi trường sống của ta. Một môi đường đang trên đường đi đến hư hỏng, thối nát, băng hoại. Nói như thế không phải để than phiền, nhưng là để có thái độ dứt khoát với mọi cám dỗ và đứng riêng hẳn sang một bên để bênh vực cho công chính, thánh thiện. Người tin Chúa không lánh đời, nhưng đem thánh tính cải tạo cuộc đời. Nên nhớ rằng chỉ có quyền năng Chúa mới làm được điều này, tự ta, ta không thể làm gì cả.

c. Nên nhớ, đừng bao giờ vì bất cứ lý do gì mà để cho tính mặn bị biến chất. Cuộc đời này chỉ có những người thật lòng tin Chúa mới làm cho môi trường đáng sống mà thôi. Ta đừng làm mất tính mặn, mà phải vun xới trau giồi cho tính mặn đó đậm đặc hơn hữu ích hơn trong mọi hoàn cảnh.

d. Hãy yên lặng sống và biểu lộ cử chỉ thái độ của mình theo như lời dạy của Chúa, tính mặn trong ta sẽ được mọi người cảm biết và có thể đến với Chúa.

Cầu xin Chúa giúp bạn trở thành muối men trong cuộc đời nhiều tội ác này.