Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 23

Cần Phải Buồn Rầu

I Cô-rinh-tô 5:1-5

“Anh em còn lên mình kiêu ngạo! Anh em chẳng từng buồn rầu, hầu cho kẻ phạm tội đó bị trừ bỏ khỏi vòng anh em thì hơn!” (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Ngoài tội chia rẽ, Sứ đồ Phao-lô còn được biết tội trọng nào giữa vòng tín hữu tại Cô-rinh-tô? Tại sao họ không buồn rầu, than khóc? Bạn có phản ứng thế nào trước tội lỗi tỏ tường?

Thành phố Cô-rinh-tô là nơi đô hội của mọi thứ xa hoa, cám dỗ, và lắm tội ác, đặc biệt là những tội lỗi liên quan đến tình dục. Thứ tội lỗi ghê gớm ấy chẳng những đầy dẫy giữa vòng Dân Ngoại, nay lại lan tràn vào trong cả Hội Thánh. Chính vì thế, tin xấu giữa vòng những tín hữu tại Hội Thánh Cô-rinh-tô phạm sự dâm loạn được loan đi khắp nơi (câu 1), và đã đến tai của Sứ đồ Phao-lô. Đó là giữa vòng họ, có người đã không còn quan tâm đến luân thường đạo lý mà lấy vợ kế của cha mình. Trong thời Cựu Ước, theo Luật Môi-se người nào phạm tội trọng này sẽ bị xử tử, bởi vì hành động ấy gây nhục cho chính cha của mình và chẳng xứng đáng được ở giữa vòng dân Chúa (Lê-vi Ký 20:11). Thế nhưng, tín hữu Hội Thánh Cô-rinh-tô lại tỏ ra như chẳng có chuyện gì. Thay vì buồn rầu, than khóc về tình trạng tội lỗi ấy thì họ lại lo khoe về sự khôn ngoan, về ân tứ, và xem mình là trọn vẹn.

Lời so sánh của Sứ đồ Phao-lô “…dâm loạn đến thế, dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy” thật đáng phải suy nghĩ. Người ngoại đạo lại còn chẳng chấp nhận lối sống tà dâm như vậy, thế mà tội lỗi kinh khiếp ấy lại hiện diện giữa Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Chẳng những không bị lên án, mà còn được mọi người làm ngơ, bao che để tội lỗi cứ tái diễn. Sứ đồ Phao-lô nói rằng đáng ra anh em phải than khóc khi nghe được điều tệ hại này. Anh em cần ý thức sự nguy hại của tội tà dâm trong Hội Thánh, vì vậy người phạm tội cần phải được “trừ bỏ khỏi vòng anh em” (câu 2), nghĩa là người ấy bị dứt khỏi mối tương giao giữa vòng những anh em cùng đức tin. Dù ông ở xa nhưng cũng công bố rằng, người ấy đáng phải bị cô lập và có thời gian để nhìn thấy điều tội lỗi mình đã vi phạm, qua đó, người ấy có thể ăn năn lìa bỏ tội lỗi mà được cứu trong ngày của Chúa (câu 5).

Nếp sống thánh khiết là điều mà mỗi Cơ Đốc nhân cần đeo đuổi mỗi ngày. Khi chúng ta vì một lý do nào đó mà im lặng, bao che tội lỗi, tức là chúng ta chấp nhận, đồng lõa, và dung dưỡng tội lỗi. Chỉ khi nào chúng ta yêu thương, quan tâm đến anh chị em mình, mong muốn anh chị em mình sống thánh khiết thì chúng ta mới có thể buồn rầu, than khóc, và quyết không yên lặng trước tội lỗi.

Bạn có thường bao che hoặc không dám lên tiếng trước tội lỗi trong Hội Thánh không?

Kính lạy Đức Chúa Trời Thánh Khiết, Yêu Thương! Xin giúp con biết đau buồn khi nghe anh chị em mình phạm tội và có thái độ đúng đắn, không dung dưỡng nhằm giúp anh chị em nhận ra tội lỗi đã phạm và có cơ hội ăn năn tội với Ngài.

(c) 2024 svtk.net