Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 1

1:1-5 LỜI MỞ ĐẦU

1 Phao-lô, làm sứ đồ, chẳng phải bởi loài người, cũng không nhờ một người nào, bèn là bởi Đức Chúa Jêsus Christ và Đức Chúa Trời, tức là Cha, Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, 2 cùng hết thảy anh em ở với tôi, gởi cho các Hội thánh ở xứ Ga-la-ti: 3 Nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, là Cha, và bởi Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta, 4 là Đấng phó mình vì tội lỗi chúng ta, hầu cho cứu chúng ta khỏi đời ác nầy, y theo ý muốn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta. 5 Nguyền Ngài được vinh hiển đời đời vô cùng! A-men.

 

1. Điểm Phao-lô nhấn mạnh về chức vụ của ông trong câu 1 là gì? Tại sao?

2. Điểm Phao-lô nhấn mạnh về Chúa Giê-xu trong câu 1 là gì? Tại sao?

3. “Các Hội Thánh ở xứ Ga-la-ti” (c. 2) là những Hội Thánh nào?

4. Xin giải thích hai chữ “ân điển” và “bình an” trong câu 3.

5. Đức Chúa Trời được gọi là Cha và Đức Chúa Giê-xu được gọi là Chúa (c. 3) mang ý nghĩa gì? Áp dụng như thế nào?

6. Theo câu 4, Chúa Giê-xu đã làm gì cho chúng ta? Và chúng ta được điều gì? “Cứu khỏi đời ác nầy” (c. 4b) nghĩa là thế nào?

7. “Y theo ý muốn Đức Chúa Trời là Cha chúng ta” (c. 4c) hàm ý điều gì?

8. Cao điểm của lời mở đầu Thư Ga-la-ti (c. 5) là gì? Hàm ý gì?

 

Điểm Phao-lô nhấn mạnh về chức vụ của ông trong câu 1 là chức vụ sứ đồ. Dựa trên bối cảnh của Thư Ga-la-ti (xem phần mở đầu), những người “làm rối trí… muốn đánh đổ Tin Lành của Đấng Christ” (1:7) đã gieo nghi ngờ cho các tín hữu ở Ga-la-ti, nói rằng Phao-lô không phải là sứ đồ thật. Vì vậy, Phao-lô đã dùng phần đầu của lá thư (1:6 - 2:10) để bênh vực chức vụ sứ đồ của mình và ông nói đến điều nầy ngay ở đầu thư (c. 1). Phao-lô cần khẳng định về chức vụ sứ đồ của ông vì đây là vấn đề thẩm quyền, lời dạy với thẩm quyền. Phao-lô dạy chân lý vì ông là sứ đồ của Chúa Giê-xu không giống như những người rao tin lành khác (1:6-9). Hai bằng chứng về chức vụ sứ đồ là:

1. Từng thấy Chúa Giê-xu (I Cô. 9:1).

2. Nhân chứng về chức vụ của Chúa Giê-xu (Công vụ 1:21-22).

Phao-lô không phải là một trong mười hai sứ đồ nhưng ông đã được Chúa hiện ra riêng cho ông (I Cô. 15:8) và ông cũng nhận mạc khải trực tiếp từ Chúa (Ga-la-ti 1:17; II Cô. 12:1-4).

Phao-lô khẳng định chức vụ sứ đồ của ông đến từ Đức Chúa Trời và từ Chúa Giê-xu (c. 1b). Đối với Chúa Giê-xu, Phao-lô nhấn mạnh Ngài là Chúa phục sinh, Đấng được Đức Chúa Cha khiến từ kẻ chết sống lại (c. 1c). Chúa Giê-xu phục sinh là giáo lý quan trọng nhất trong Tân Ước vì đây là bằng chứng cho thấy Ngài là Con Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:4).

Các Hội Thánh ở xứ Ga-la-ti là các Hội Thánh Phao-lô thành lập trong chuyến truyền giáo thứ nhất (Công vụ 13:13 – 14:26) gồm các Hội Thánh An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, Y-cô-ni, Lít-trơ và Đẹt-bơ. Đây là các Hội Thánh bị những người đến sau khuấy rối, chủ trương rằng, cùng với đức tin nơi Chúa Giê-xu, cũng phải tuân giữ luật pháp Môi-se nữa thì mới được cứu. Thư Ga-la-ti được viết cho các Hội Thánh ở trên để cho họ thấy sai lầm của chủ trương nầy mà Phao-lô gọi là tin lành khác (1:6).

Lối viết thư thông thường trong thế kỷ thứ nhất thường bắt đầu với tên người viết, tên người nhận và lời chào hay lời chúc đầu thư. Phao-lô đã viết theo khuôn mẫu nầy, nhưng trong phần nói về người viết, ông nhấn mạnh về vai trò sứ đồ của mình để xác nhận thẩm quyền của lá thư. Tiếp theo là lời chào đầu thư với hai chữ ân điểnbình an (c. 3a).

Trong tiếng Hy-lạp, hai chữ “chào” và “ân điển” rất gần nhau (chareincharis). Lẽ ra Phao-lô phải dùng chữ charein là lời chào (như lời mở đầu Thư Gia-cơ) nhưng ông đã đổi charein thành charis để nhấn mạnh về giáo lý ân sủng trong Đạo Chúa. Ân sủng hay ân điển là ơn ban cho người không đáng được nhận. Đây là căn bản của sự cứu rỗi Chúa dành cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:8). Đây là lời chào, lời chúc thích hợp cho người tin Chúa. Bình an (shalom) là lời chào của người Do-thái trong mọi trường hợp: gặp nhau, từ giã, chúc nhau… Bình an nói đến sự hưng thịnh, lành mạnh của toàn thể con người (III Giăng 2).

Cả hai từ ân điểnbình an vì vậy rất thích hợp cho người tin Chúa, đây là căn bản cũng như kết quả của sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu. Chúng ta được cứu bởi ân sủng của Chúa, không do công sức, công đức hay cố gắng của con người. Khi đã được cứu, chúng ta tận hưởng bình an, hài hòa trong mối quan hệ với Chúa, với người và với chính mình (bình an trong tâm hồn).

Hai lần trong lời mở đầu, Phao-lô gọi Đức Chúa Trời là Cha (c. 1, 3) nói lên mối quan hệ giữa người tin Chúa và Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta vì chúng ta đã tin nhận Chúa Giê-xu (Giăng 1:12). Người tin Chúa luôn luôn có mối quan hệ Cha-con với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu dạy chúng ta cầu nguyện, “Lạy CHA chúng con ở trên trời.” Phao-lô nhấn mạnh điều nầy cho chính ông và nhắc nhở chúng ta về mối quan hệ thân thiết và cần thiết nầy. Chúng ta luôn luôn là con của Đức Chúa Trời, tận hưởng mối quan hệ Cha-con với Chúa và sống xứng đáng với danh phận làm con của Ngài trên trần gian (Ma-thi-ơ 5:48).

Phao-lô cũng nhấn mạnh Chúa Giê-xu là “Chúa”: Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta (c. 3b). Chúa mang ý nghĩa “người chủ, người cầm quyền.” Chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng cứu chúng ta (Cứu Chúa) nhưng cũng phải để cho Ngài cai trị, cầm quyền trên đời sống chúng ta (Chúa, Chủ).

Trong câu 1, Chúa Giê-xu được nhắc đến trước Đức Chúa Trời, còn trong câu 3, Đức Chúa Trời lại được nhắc đến trước. Điều nầy cho thấy sự bình đẳng giữa Chúa Giê-xu và Đức Chúa Trời, gián tiếp xác nhận thần tính của Chúa Giê-xu (Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời).

Phao-lô chẳng những nói Chúa Giê-xu là Chúa, ông cũng nói đến điều Chúa làm cho chúng ta: Là Đấng phó mình vì tội lỗi chúng ta (c. 4a). Đấng phó mình vì tội lỗi chúng ta nói đến cái chết thay thế của Chúa Giê-xu trên thập tự giá vì chúng ta. Đây là cốt lõi của giáo lý cứu rỗi. Đây là ý nghĩa cái chết của Chúa Giê-xu: Chúa mang tội của chúng ta, chết thay cho chúng ta.

Mục đích của cái chết thay thế nầy là hầu cho cứu chúng ta khỏi đời ác nầy (c. 4b). Chữ cứu trong câu nầy nhấn mạnh đến việc cứu chúng ta ra khỏi sức mạnh của trần gian (quyền lực của tối tăm) chứ không phải đem chúng ta ra khỏi trần gian. Chúng ta vẫn sống trên trần gian nhưng được bảo vệ khỏi những thế lực gian ác của trần gian.

Cả chương trình cứu rỗi nầy nằm trong chương trình và ý định đời đời của Đức Chúa Trời: Y theo ý muốn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta (c. 4c). Việc Chúa Giê-xu giáng trần, chịu chết vì tội của nhân loại để cứu rỗi nhân loại không phải chỉ là sự việc xảy ra trong thời Tân Ước nhưng là một phần của kế hoạch cứu rỗi Đức Chúa Trời thiết lập từ khi con người phạm tội (Sáng thế ký 3:15).

Cao điểm của lời mở đầu lá thư là lời tôn vinh chúc tụng Đức Chúa Cha (c. 5). Những chữ đời đời vô cùng trong câu nầy nhằm đối chiếu với chữ đời ác nầy trong câu 4. Cuộc đời ngắn ngủi gian ác nầy rồi sẽ qua còn vinh quang Chúa sẽ còn mãi đời đời.