Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 2

1:6-10 TIN LÀNH KHÁC

6 Tôi lấy làm lạ cho anh em đã vội bỏ Đấng gọi anh em bởi ơn Đức Chúa Jêsus Christ, đặng theo tin lành khác. 7 Thật chẳng phải có tin lành khác, nhưng có mấy kẻ làm rối trí anh em, và muốn đánh đổ Tin Lành của Đấng Christ. 8 Nhưng nếu có ai, hoặc chính chúng tôi, hoặc thiên sứ trên trời, truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành chúng tôi đã truyền cho anh em, thì người ấy đáng bị a-na-them! 9 Tôi đã nói rồi, nay lại nói lần nữa: Nếu ai truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành anh em đã nhận, thì người ấy đáng bị a-na-them!10 Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.

 

1. Phao-lô phân biệt giữa “Tin Lành của Đấng Christ” (c. 7b) và “tin lành khác” (c. 6b). Hai “Tin Lành” nầy khác nhau như thế nào?

2. Truyền “tin lành khác” có gì nguy hiểm mà Phao-lô phải cảnh cáo thật nghiêm trọng như vậy (c. 8-9)?

3. Sứ đồ Phao-lô muốn nói điều gì trong câu 10?

4. Xin cho biết đặc điểm của Tin Lành mà Phao-lô rao truyền (c. 11-12)

 

Trong các lá thư khác, thường sau lời mở đầu là lời tạ ơn Chúa, lời cảm ơn hay lời khen Hội Thánh. Nhưng trong Thư Ga-la-ti, Phao-lô bắt đầu với lời khiển trách: Tôi lấy làm lạ cho anh em đã vội bỏ Đấng gọi anh em bởi ơn Đức Chúa Jêsus Christ, đặng theo tin lành khác (c. 6). Mục đích chính của Phao-lô khi viết Thư Ga-la-ti là để khiển trách các tín hữu đã từ bỏ chính giáo (Tin Lành của Đấng Christ, c. 7b) đặng theo tin lành khác (c. 6b).

Điều khiến Phao-lô kinh ngạc là các tín hữu Ga-la-ti vội bỏ Đấng gọi anh em (c. 6b). Bỏ mang ý nghĩa đào ngũ (từ bỏ), thay đổi thái độ. Theo cách dùng động tự trong nguyên ngữ (middle voice) hàm ý đây là điều họ tự ý làm chứ không phải bị đưa vào chỗ từ bỏ.

Điều đáng nói nữa là không phải họ từ bỏ một triết thuyết hay một tôn giáo nhưng họ đã từ bỏ chính Đức Chúa Trời (Anh em đã vội bỏ ĐẤNG gọi anh em bởi ơn Đức Chúa Jêsus Christ). Chúng ta biết rằng vấn đề Phao-lô phải đương đầu tại Ga-la-ti là chủ thuyết duy luật (legalism) chủ trương phải tuân giữ luật pháp mới được cứu rỗi. Đối với Phao-lô, chủ trương như vậy, là khước từ chính Đức Chúa Trời vì Phao-lô nói Đức Chúa Trời là Đấng gọi anh em. Đức Chúa Trời GỌI nghĩa là sự cứu rỗi của chúng ta nằm trong chương trình và kế hoạch của Ngài. Chủ trương phải tuân giữ luật pháp mới được cứu rỗi là thay thế đường lối của Đức Chúa Trời bằng đường lối của con người. Theo tin lành khác (chủ thuyết duy luật) vì vậy là từ bỏ Đức Chúa Trời!

Điểm đáng nói của chủ thuyết duy luật là dựa vào việc làm và công đức của con người để được cứu nhưng Phao-lô cho các tín hữu Ga-la-ti thấy họ được cứu là bởi ơn Đức Chúa Giê-xu Christ. Đây là đối chiếu giữa ân sủng và việc làm. Chúng ta được cứu là nhờ ân sủng, bởi đức tin, không phải nhờ việc làm (Ê-phê-sô 2:8-9).

Như vậy lời Phao-lô khiển trách các tín hữu tại Ga-la-ti (c. 6) cho thấy chủ thuyết duy luật (tin lành khác) khước từ hai điều: (1) Khước từ chính Đức Chúa Trời. (2) Khước từ ân sủng (thay thế ân sủng bằng việc làm).

Một điều nữa khiến Phao-lô kinh ngạc là sự khước từ nầy xảy ra quá vội: VỘI bỏ Đấng gọi anh em bởi ơn Đức Chúa Jêsus Christ. Vội hàm ý trong một thời gian ngắn sau khi họ tin nhận Chúa.

Phao-lô nói đến tin lành khác (c. 6b) nhưng thật ra chỉ có một Tin Lành mà thôi. Tất cả những chủ thuyết khác không thể được gọi Tin Lành: Thật chẳng phải có tin lành khác (c. 7a). Phao-lô cho thấy những người truyền dạy cho các tín hữu ở Ga-la-ti tin lành khác là những người:

(1) Làm rối trí (“quấy rối,” BHĐ) tức là gây xáo trộn trong Hội Thánh.

(2) Muốn đánh đổ Tin Lành của Đấng Christ (“muốn xuyên tạc Tin Lành của Đấng Christ,” BHĐ). Đánh đổ hay xuyên tạc hàm ý có một phần sự thật trong đó nhưng thay đổi, biến thể, làm cho sai lạc.

Xưa nay, những xáo trộn trong Hội Thánh thường không đến từ bên ngoài, nhưng từ bên trong. Từ những người đưa ra những chủ trương đi ngược với niềm tin chân chính. Để tránh xáo trộn nầy, Hội Thánh của Chúa phải nắm vững Phúc Âm và giảng dạy Phúc Âm chân chính.

Phúc Âm chân chính là Phúc Âm Phao-lô đã truyền dạy cho các tín hữu ở Ga-la-ti cho nên bây giờ bất cứ ai truyền giảng điều gì khác thì đó không phải là Phúc Âm, dù cho điều đó đến từ chính Phao-lô đi nữa:

Nếu có ai, hoặc chính chúng tôi, hoặc thiên sứ trên trời, truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành chúng tôi đã truyền cho anh em, thì người ấy đáng bị a-na-them! (c. 8)

Phao-lô nói đến thiên sứ trên trời (c. 8a) cho thấy nội dung của Phúc Âm là điều quan trọng. Xưng là thiên sứ mà không truyền dạy đúng Phúc Âm thì cũng không thể chấp nhận. Thiên sứ trên trời đây cũng có thể hàm ý Sa-tan giả dạng (II Cô. 11:14-15).

A-na-them là tiếng Hy-lạp liên quan đến chữ herem trong tiếng Hy-bá, mang ý nghĩa biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời để hủy diệt (Giô-suê 7:1). A-na-them vì vậy nghĩa là “đáng bị nguyền rủa” (Bản Hiệu Đính). Bản NIV dịch là “bị kết tội đời đời.”

Phao-lô dùng ngôn ngữ thật mạnh ở đây cho thấy tính cách quan trọng của Phúc Âm chân chính. Đây không phải là chuyện tầm thường nhưng là chương trình cứu rỗi đời đời của Đức Chúa Trời cho nhân loại qua cái chết thay thế của Chúa Giê-xu trên thập giá, không thể thay thế bằng bất cứ điều gì khác! Chúng ta không thể xem thường ân sủng lớn lao của Đức Chúa Trời (không thể thay thế bằng bất cứ điều gì của con người) cũng như không thể coi nhẹ chân lý Phúc Âm!

Vì vấn đề nghiêm trọng như vậy, Phao-lô một lần nữa lặp lại điều ông vừa nói:

Tôi đã nói rồi, nay lại nói lần nữa: Nếu ai truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành anh em đã nhận, thì người ấy đáng bị a-na-them! (c. 9)

Lời lặp lại trong câu 9, Phao-lô nói tổng quát hơn câu 8:

 

Câu 8

Câu 9

Ai, chính chúng tôi,

thiên sứ trên trời

AI

Chúng tôi đã TRUYỀN

ANH EM đã NHẬN

 

Kết luận phần nầy, Phao-lô nói:

Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ (c. 10).

Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau:

Còn bây giờ, tôi muốn được lòng loài người hay Đức Chúa Trời? Có phải tôi đang cố gắng làm đẹp lòng loài người không? Nếu tôi vẫn cố làm đẹp lòng loài người thì tôi chẳng phải là đầy tớ của Đấng Christ (c. 10, BHĐ).

Qua câu nầy, Phao-lô cho thấy ông là người trung thành với Đức Chúa Trời và Phúc Âm của Ngài. Những lời quở trách nặng ông vừa nói cho thấy nếu cố gắng làm đẹp lòng loài người thì ông đã không có những lời quở trách nặng như vậy. Qua câu nầy Phao-lô cũng khẳng định lòng trung thành của ông đối với Chúa, là Chủ mà ông là nô lệ: Thì tôi chẳng phải là tôi tớ (nô lệ) của Đấng Christ (c. 10b).