Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 28

Tai Vạ Thứ Chín: Sự Tối Tăm

Xuất Ê-díp-tô Ký 10:21-29

“Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy giơ tay ngươi lên trời, hầu cho trên xứ Ê-díp-tô có sự tối tăm dày đến đỗi người ta rờ đụng đến được” (câu 21).

Câu hỏi suy ngẫm: Sự tối tăm ảnh hưởng đến các phương diện cuộc sống của người Ai Cập như thế nào? Vì sao Pha-ra-ôn vẫn khăng khăng giữ súc vật của người Ít-ra-ên ở lại? Sự nổi giận và lời hăm dọa của Pha-ra-ôn nhắc nhở bạn cẩn thận điều gì?

Giống như tai vạ thứ ba và thứ sáu, tai vạ thứ chín Chúa giáng xuống người Ai Cập mà không cảnh báo. Trong khi vùng đất Gô-sen nơi tuyển dân sinh sống, ánh sáng vẫn chan hòa như mọi ngày, thì toàn bộ các vùng đất của người Ai Cập sống bị bóng tối dày đặc bao phủ, đến nỗi người ta không nhìn thấy mặt nhau, mọi người không thể ra đường và làm bất kỳ một công việc gì, kể cả việc thực hiện lễ nghi cúng tế cho thần Ra, vị thần mặt trời tối cao của họ.

Trong chín tai vạ đã giáng xuống Ai Cập, phần lớn Chúa dùng phép lạ để minh chứng sự thờ phượng sai trật của người Ai Cập. Đối tượng thờ phượng của họ chỉ là hư không và bất năng, như thần ếch nhái, ruồi mòng, ngay cả những vị thần được cho là linh thiêng nhất như thần Ha-pi của sông Nile đã không thể ngăn chặn nước sông biến thành máu (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:20), thần đầu bò Hathor bất lực trước dịch lệ làm súc vật chết toàn bộ (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:6), và bây giờ thần mặt trời tối cao đã không thể xua đuổi sự tối tăm bao phủ khắp xứ suốt ba ngày đêm. Thế nhưng một lần nữa, chúng ta lại thấy lòng nhân từ của Chúa cho người Ai Cập, sự tối tăm chỉ bao trùm trên họ một thời gian ngắn để họ có cơ hội suy nghĩ về đối tượng thờ phượng của mình và nhìn biết Đức Giê-hô-va là Đấng thực hữu, năng quyền, Ngài đang tể trị trên toàn cõi vũ trụ.

Dù lần này vua nhân nhượng cho toàn thể dân Chúa ra đi nhưng vua yêu cầu giữ lại bầy súc vật của họ để mong kéo họ trở về Ai Cập, tiếp tục phục vụ. Khi ông Môi-se từ chối lời đề nghị, vua lại nổi giận đuổi ông Môi-se và ông A-rôn ra và hăm dọa: “Khá giữ mình đừng thấy mặt ta nữa, vì ngày nào ngươi thấy mặt ta thì sẽ chết” (câu 28). Vua quên rằng ông đã nhiều lần đuổi ông Môi-se và ông A-rôn ra khỏi mặt mình, rồi sau đó vội vã cho mời hai ông vào để cầu xin Đức Giê-hô-va rút tai vạ trên người Ai Cập. Một điều rất quan trọng mà vua không biết là vua không có quyền tra tay vào sự sống của con dân Chúa nếu Ngài không cho phép. Con người dễ bộc lộ cơn giận nếu không thỏa mãn điều mình mong muốn. Khi nổi giận, con người mất khôn ngoan; giận cá chém thớt, phát ngôn bừa bãi, và có những hành động gây hậu quả khôn lường.

Bạn có dễ nổi giận không? Bạn làm gì khi nổi giận?

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con luôn nhận ra những thần tượng hư không, trung tín tôn thờ Ba ngôi Đức Chúa Trời hằng hữu và năng quyền. Xin giúp con biết kiềm chế lời nói và hành vi của mình khi nóng giận.

(c) 2024 svtk.net