Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 4

2:1-10 MƯỜI BỐN NĂM SAU!

1 Sau đó mười bốn năm, tôi lại lên thành Giê-ru-sa-lem với Ba-na-ba, có đem Tít cùng đi nữa. 2 Tôi vâng theo lời tỏ ra mà lên đó, phô bày Tin Lành mà tôi đã giảng trong người ngoại đạo ra cho anh em; lại phô bày riêng cho những kẻ có danh vọng hơn hết, kẻo sự chạy của tôi trước kia và bây giờ hóa ra vô ích chăng. 3 Dầu Tít, kẻ cùng đi với tôi, là người Gờ-réc, cũng không bị ép phải cắt bì. 4 Chúng tôi đã làm như vậy, vì cớ mấy người anh em giả, lẻn vào trong vòng chúng tôi, để rình xem sự tự do mà chúng tôi được trong Đức Chúa Jêsus Christ, đặng bắt chúng tôi làm tôi mọi. 5 Chúng tôi không nhường họ một giây phút nào, chối chẳng chịu thuộc dưới quyền họ, hầu cho lẽ thật của Tin Lành được vững bền trong anh em.

6 Còn như những kẻ mà người ta tôn trọng lắm, (trước kia là kẻ thể nào, thì chẳng can dự gì với tôi, Đức Chúa Trời không tây vị ai hết), tôi nói, những kẻ đó dầu tôn trọng lắm, cũng chẳng làm cho tôi thêm ích chút nào. 7 Trái lại, họ thấy sự giảng Tin Lành cho kẻ không chịu phép cắt bì đã giao cho tôi, cũng như sự giảng Tin Lành cho người chịu phép cắt bì đã giao cho Phi-e-rơ vậy, 8 vì Đấng đã cảm động trong Phi-e-rơ để sai người làm sứ đồ cho những kẻ chịu cắt bì, cũng cảm động trong tôi để sai tôi làm sứ đồ cho dân ngoại, 9 và nhận biết ân điển đã ban cho tôi, thì Gia-cơ, Sê-pha, Giăng là những người được tôn như cột trụ, trao tay hữu giao kết với chúng tôi, tức là Ba-na-ba và tôi, hầu cho chúng tôi đi đến cùng dân ngoại, còn các người ấy thì đến cùng những kẻ chịu phép cắt bì. 10 Các người ấy chỉ dặn dò tôi phải nhớ đến kẻ nghèo nàn, là điều tôi cũng đã ân cần làm lắm.

 

1. “Sau đó mười bốn năm” (c. 1a) là sau việc gì (1:18)?

2. Xin đọc Công vụ 15:2 và cho biết Phao-lô và Ba-na-ba lên Giê-ru-sa-lem (2:1) vào dịp nào?

3. Tại sao Phao-lô dẫn theo Tít với ông trong chuyến đi nầy (c. 3-4)?

4. Công vụ 15:2 và Ga-la-ti 2:2a có mâu thuẫn với nhau không? Tại sao?

5. “Những kẻ có danh vọng hơn hết” (c. 2) chỉ về ai?

6. “Sự chạy của tôi trước kia và bây giờ” (c. 2b) nói đến điều gì? “Hóa ra vô ích” nghĩa là thế nào?

7. Phao-lô muốn nói đến điều gì trong câu 4-5?

8. “Những kẻ mà người ta tôn trọng lắm” (c. 6a) chỉ về ai?

9. Điểm Phao-lô muốn nhấn mạnh trong câu 6 là gì?

10. Phao-lô cho thấy điều gì trong công tác truyền bá Phúc Âm (c. 7-9)?

11. Điểm chung giữa Phao-lô và các sứ đồ khác là gì (c. 10)? Dạy chúng ta điều gì?

 

Chương 2 bắt đầu một phần mới của Thư Ga-la-ti. Trong Chương 1, Phao-lô cho thấy chức vụ sứ đồ của ông đến từ Đức Chúa Trời, độc lập đối với các sứ đồ. Trong Chương 2, Phao-lô cho thấy sự hiệp nhất giữa chức vụ sứ đồ của ông và các sứ đồ nguyên thủy của Chúa Giê-xu (Phi-e-rơ, Giăng…)

Thứ tự thời gian Phao-lô nhắc đến trước đó là trong 1:18, nói đến việc ông gặp Phi-e-rơ lần đầu tiên. Sau đó mười bốn năm là sau việc gặp gỡ nầy. Đối chiếu với Công vụ 15:2, việc Phao-lô và Ba-na-ba lên Giê-ru-sa-lem nhắc đến ở đây là khi có giáo hội nghị tại Giê-ru-sa-lem để giải quyết vấn đề phải làm phép cắt bì cho những người ngoại (Công vụ 15:5). Phao-lô dẫn theo Tít cùng đi với ông trong trường hợp nầy là để chứng minh cho mọi người thấy rằng, Dân Ngoại không cần phải chịu phép cắt bì khi tin nhận Chúa Giê-xu (c. 3).

Công vụ 15:2 ghi:

Người ta nhất định Phao-lô và Ba-na-ba với mấy người trong bọn kia đi lên thành Giê-ru-sa-lem…

Ga-la-ti 2:2a thì ghi:

Tôi vâng theo lời tỏ ra mà lên đó

Hai điều nầy không mâu thuẫn nhau vì có thể lời tỏ ra là tỏ ra cho Hội Thánh tại An-ti-ốt và vì vậy Hội Thánh đã cử Phao-lô và Ba-na-ba lên Giê-ru-sa-lem. Cũng có thể lời tỏ ra nầy đến với Phao-lô, xác nhận điều Hội Thánh An-ti-ốt muốn làm.

Những kẻ có danh vọng hơn hết (c. 2b) là các sứ đồ (“Những nhân vật được tôn trọng,” BHĐ). Vấn đề Dân Ngoại không phải chịu cắt bì được Phao-lô trình bày riêng với các sứ đồ (Công vụ 15:4) để họ có thì giờ thảo luận trước khi đi đến quyết định (Công vụ 15:7). Nếu không được giải thích trước cho các sứ đồ, có thể có những quyết định đi ngược lại với điều Phao-lô truyền giảng, khiến cho công khó của Phao-lô từ trước đến nay (sự chạy của tôi trước kia và bây giờ) trở nên vô ích.

Vấn đề chính khiến Phao-lô viết thư Ga-la-ti là những người theo phái duy luật (legalism) chủ trương rằng Dân Ngoại phải tuân giữ luật Môi-se, đặc biệt là phải chịu phép cắt bì thì mới được cứu rỗi. Phao-lô mạnh dạn đả phá chủ trương sai lầm đó vì nó đi ngược lại với Phúc Âm chân chính, chỉ nhờ ân sủng, chỉ do đức tin (Ê-phê-sô 2:8-9).

Phao-lô gọi những người nầy là những anh em giả (c. 4a). Anh em giả nghĩa là “giả làm anh em” (BHĐ). Tương tự như trong II Cô-rinh-tô 11:26, “những kẻ giả danh anh em” (BHĐ), chỉ về những người xưng là tín đồ nhưng không phải tín đồ, chỉ giả danh tín đồ. Đây là những người lẻn vào trong vòng chúng tôi (c. 4b). Lẻn vào, tương tự như trong II Phi-e-rơ 2:1 mang ý nghĩa lén lút: “bí mật truyền bá các tà giáo nguy hại” (BHĐ). Rình xem trong câu rình xem sự tự do (c. 4c) nghĩa là “rình rập”: “theo dõi sự tự do” (BHĐ). Bắt chúng tôi làm tôi mọi (c. 4d) mang ý nghĩa quân thù đánh ập vào một nơi để bắt dân chúng nơi đó làm nô lệ.

Phao-lô dùng những danh từ có tính cách quân sự để mô tả những người chủ trương duy luật cho thấy tính cách nguy hiểm và hung hãn của họ. Họ là: (1) Anh em giả, những người trá hình giống như điệp viên. (2) Lẻn vào, len lỏi. (3) Rình xem, theo dõi. (4) Bắt làm tôi mọi, khắc phục người khác theo chủ trương của mình. Đây cũng là đặc tính của các tà giáo len lỏi vào Hội Thánh của Chúa.

Phao-lô chống đối những người nầy cách mãnh liệt: Chúng tôi không nhường họ một giây phút nào, chối chẳng chịu thuộc dưới quyền họ (c. 5a) với lý do là, hầu cho lẽ thật của Tin Lành được vững bền trong anh em (c. 5b). Lẽ thật của Tin Lành là đối tượng mà Phao-lô bảo vệ. Lẽ thật của Tin Lành nói đến Phúc Âm chân chính, đối lại với tin lành khác (1: 6) đang gieo xáo trộn trong Hội Thánh Ga-la-ti. Phao-lô muốn chân lý của Phúc Âm mà Phao-lô rao giảng từ đầu tiếp tục ở trong họ: “Để chân lý của Tin Lành được vững bền trong anh em” (BHĐ).

Trong phân đoạn nầy, sứ đồ Phao-lô nhắc đến các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem (Gia-cơ, Sê-pha và Giăng, c. 9a) với giọng hơi gay gắt. Phao-lô gọi họ là những kẻ có danh vọng hơn hết (c. 2), những kẻ mà người ta tôn trọng lắm (c. 6). Lý do là vì Phao-lô muốn nhấn mạnh vào nguồn gốc Phúc Âm mà ông rao giảng. Những người chủ trương duy luật có thể đã dùng danh nghĩa của các sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem để cho rằng Phúc Âm Phao-lô rao giảng không có giá trị như của các vị sứ đồ nầy. Phao-lô muốn các tín hữu Ga-la-ti biết rằng ông đã tiếp nhận Phúc Âm trực tiếp từ Chúa Giê-xu (1:12) và vì vậy, dù là sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem họ cũng chẳng làm cho tôi thêm ích chút nào (“chẳng đóng góp thêm gì cho tôi,” c. 6b BHĐ).

Hai câu 7-8 cho thấy có một sự phân định và đồng ý rõ ràng trong công tác truyền giáo: Phao-lô giảng cho Dân Ngoại (kẻ không chịu phép cắt bì) và Phi-e-rơ giảng cho người Do-thái (người chịu phép cắt bì). Trao tay hữu giao kết (c. 9b) là một hành động cụ thể, xác nhận việc hợp tác với lòng tin cậy (The Amplified Bible). Phao-lô cho các tín hữu Ga-la-ti thấy rằng có một sự đồng ý và hợp tác chặt chẽ giữa ông và các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem. Hai bên không giảng hai Phúc Âm khác nhau, cùng một Phúc Âm nhưng cho hai đối tượng khác nhau. Gia-cơ được nhắc trong câu 9 là Gia-cơ anh em của Chúa (1:19), lúc đó là người lãnh đạo Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem (Công vụ 15:13; Ga-la-ti 2:12).

Kẻ nghèo nàn (c. 10) chủ yếu là các tín hữu Do-thái tại Giê-ru-sa-lem là những người cần được giúp đỡ. Phao-lô đã thực hiện điều nầy nhiều lần xuyên suốt chức vụ của mình: truyền giáo cho Dân Ngoại, giúp đỡ vật chất cho người Do-thái (Công vụ 24:17; Rô-ma 15:26; I Cô. 16:3-4; II Cô. 8-9). Đây là quân bình trong việc đáp ứng nhu cầu vật chất và tâm linh.