Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 9

3:15-20 LUẬT PHÁP VÀ LỜI HỨA

 15 Hỡi anh em, tôi nói theo thói quen người ta rằng: Khi một người đã làm tờ giao ước thành rồi, thì không ai có phép được xóa đi hay thêm vào sự gì. 16 Vả, các lời hứa đã được phán cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi người. không nói: Và cho các dòng dõi người, như chỉ về nhiều người; nhưng nói: Và cho dòng dõi ngươi, như chỉ về một người mà thôi, tức là Đấng Christ. 17 Vậy thì tôi nói rằng: Lời giao ước mà Đức Chúa Trời trước kia đã kết lập thành rồi, thì không có thể bị hủy đi, và lời hứa cũng không có thể bị bỏ đi bởi luật pháp, là sự cách sau bốn trăm ba mươi năm mới có. 18 Vì, nếu cơ nghiệp được ban cho bởi luật pháp, thì không bởi lời hứa nữa. Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng lời hứa mà ban cơ nghiệp cho Áp-ra-ham.

19 Vậy thì làm sao có luật pháp? Luật pháp đã đặt thêm, vì cớ những sự phạm phép, cho tới chừng nào người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã hứa cho; luật pháp được ban ra bởi mấy thiên sứ và truyền ra bởi một người trung bảo. 20 Vả, người trung bảo chẳng phải là người trung bảo về một bề mà thôi, nhưng Đức Chúa Trời chỉ có một.

 

1. Tôi nói theo thói quen người ta (c. 15a) nghĩa là gì?

2. Phao-lô muốn nói điều gì trong câu 15b?

3. Xin đọc Sáng thế ký 22:18 và giải thích điều Phao-lô muốn nói trong câu 16.

4. Xin so sánh câu 15 và 17. Phao-lô muốn nói điều gì trong lý luận nầy?

5. Dựa vào câu 17, kết luận của Phao-lô là gì?

6. Theo câu 19a, tại sao lại có luật pháp?

7. Người dòng dõi (c. 19b) là ai?

8. Người trung bảo (c. 19c) chỉ về ai?

9. Xin giải thích câu 20.

 

Ga-la-ti 3:10-14 là đối chiếu giữa luật phápđức tin: luật pháp buộc phải làm, phải vâng giữ trọn vẹn là điều không ai làm được. Do đó, chỉ đức tin nơi cái chết thay thế của Chúa Giê-xu (Chúa chịu rủa sả thay cho chúng ta khi chịu chết trên thập tự giá, c. 13) mới có thể cứu chúng ta. Tiếp theo, Phao-lô đối chiếu giữa luật pháplời hứa để cho thấy dựa trên lời hứa mà chúng ta được cứu, không phải dựa trên luật pháp.

Phao-lô dùng hình ảnh của đời thường (Tôi nói theo thói quen người ta, c. 15a) để minh họa chân lý nầy. Chân lý đó là:

Khi một người đã làm tờ giao ước thành rồi, thì không ai có phép được xóa đi hay thêm vào sự gì (c. 15b)

Phao-lô dùng ví dụ nầy để áp dụng cho lời giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham trước khi có luật pháp (c. 17) để cho thấy rằng lời hứa của Đức Chúa Trời vượt lên trên luật pháp. Nói khác đi, sự cứu rỗi của chúng ta đặt căn bản trên lời hứa của Đức Chúa Trời, không phải trên luật pháp. Hai chữ giao ướclời hứa trong các câu nầy đồng nghĩa với nhau tương tự như ý nghĩa giao ước và di chúc trong Hê-bơ-rơ 9:15-20.

Các câu 15 và 17 trong phần nầy đi chung với nhau, câu 16 là lời chú thích riêng về ý nghĩa của chữ dòng dõi:

Vả, các lời hứa đã được phán cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi người. không nói: Và cho các dòng dõi người, như chỉ về nhiều người; nhưng nói: Và cho dòng dõi ngươi, như chỉ về một người mà thôi, tức là Đấng Christ (c. 16)

Lời hứa đã được phán cho Áp-ra-ham là lời được ghi trong Sáng thế ký 22:18:

Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn Ta, nên các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước.

Trong câu nầy, chữ dòng dõi không ở dạng số nhiều (chỉ về nhiều người) nhưng ở dạng số ít (chỉ về một người) hàm ý dòng dõi đó chính là Chúa Giê-xu (chỉ về một người mà thôi, tức là Đấng Christ). Các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước nghĩa là “các dân thế gian đều sẽ nhờ Chúa Giê-xu (con người dòng dõi của Áp-ra-ham) mà được phước, được cứu rỗi.”

Các câu 15 và 17 đi chung với nhau cho thấy lý luận của Phao-lô: Người ta không thể xóa bỏ hay thêm vào điều gì trong giao ước và di chúc của con người thể nào, thì cũng vậy, lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham không thể bị luật pháp, là điều mãi về sau mới có, xóa bỏ đi (bốn trăm ba mươi năm nói đến khoảng thời gian giữa Áp-ra-ham và Môi-se).

Câu 18 tóm tắt lại đối chiếu giữa luật pháplời hứa:

Vì, nếu cơ nghiệp được ban cho bởi luật pháp, thì không bởi lời hứa nữa. Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng lời hứa mà ban cơ nghiệp cho Áp-ra-ham.

Chương trình nguyên thủy của Đức Chúa Trời là ban sự cứu rỗi cho con người qua lời hứa, không phải qua luật pháp. Phao-lô dựa vào Kinh Thánh Cựu Ước (luật pháp) để chứng minh điều đó cho những người chủ trương phải vâng giữ luật pháp để được cứu, là chủ trương đang ảnh hưởng trên người Ga-la-ti.

Do đó, câu hỏi được đặt ra là: Vậy thì làm sao có luật pháp (c. 19a)? Phao-lô trả lời:

Luật pháp đã đặt thêm, vì cớ những sự phạm phép, cho tới chừng nào người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã hứa cho (c. 19b)

Luật pháp đã đặt thêm, vì cớ những sự phạm phép nghĩa là thế nào? So sánh với Rô-ma 3:20, điều Phao-lô muốn nói là, mục đích của luật pháp là cho người ta nhìn thấy rõ tội lỗi. Nói khác đi, nếu không có luật thì làm sao có việc phạm luật (Rô-ma 4:15b)? Dĩ nhiên, trước khi có luật pháp cũng đã có tội lỗi nhưng qua luật pháp, tội lỗi được định nghĩa là sự phạm phép, nghĩa là vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Trong ý nghĩa đó, luật pháp xác định rõ tội lỗi là gì và cho con người thấy nhu cầu cứu rỗi của mình.

Phần thứ hai của câu 19:

Cho tới chừng nào người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã hứa cho; luật pháp được ban ra bởi mấy thiên sứ và truyền ra bởi một người trung bảo (c. 19b)

Câu nầy cho thấy tính cách tạm thời và thấp kém của luật pháp so với ân sủng của Chúa. Tạm thời vì cho tới chừng nào người dòng dõi đến. Người dòng dõi chỉ về Chúa Giê-xu (c. 16). Luật pháp mang tính cách tạm thời trong khoảng thời gian giữa Môi-se và Chúa Giê-xu mà thôi. Khi Chúa Giê-xu đến, Ngài là Đấng làm trọn luật pháp (Ma-thi-ơ 5:17).

Phao-lô nói thêm:

Luật pháp được ban ra bởi mấy thiên sứ và truyền ra bởi một người trung bảo (c. 19b)

Vai trò của thiên sứ trong việc ban luật pháp (được ban ra bởi mấy thiên sứ) là điều được mô tả trong Phục truyền 33:2; Thi thiên 68:17 và nói rõ trong Công vụ 7:2 và Hê-bơ-rơ 2:2. Người trung bảo trong việc ban luật pháp là Môi-se (Giăng 1:17). Môi-se là người trung bảo, đối chiếu với Áp-ra-ham là người được Đức Chúa Trời ban cho lời hứa trực tiếp, không qua một trung gian nào. Một lần nữa cho thấy lời hứa vượt trội hơn luật pháp!

Tính cách vượt trội nầy được minh chứng trong câu:

Vả, người trung bảo chẳng phải là người trung bảo về một bề mà thôi, nhưng Đức Chúa Trời chỉ có một (c. 20)

Câu nầy nhằm đối chiếu giữa luật pháp và lời hứa. Luật pháp mang tính cách song phương vì có người trung gian (trung bảo) tức là có hai phía: Đức Chúa Trời và con người. Trong khi lời hứa cho Áp-ra-ham đơn phương đến từ Đức Chúa Trời. Lời hứa đơn phương đến từ Đức Chúa Trời mang tính cách vô điều kiện và đầy ân sủng, không có một đóng góp nào của con người.