Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 11

4:1-11 KHI KỲ HẠN ĐƯỢC TRỌN

1 Vả, tôi nói rằng người kế tự dầu là chủ của mọi vật, mà đang còn thơ ấu, thì chẳng khác chi kẻ tôi mọi; 2 phải ở dưới quyền kẻ bảo hộ và kẻ coi giữ, cho đến kỳ người cha đã định. 3 Chúng ta cũng như vậy, khi còn thơ ấu, phải phục dưới các lề thói của thế gian. 4 Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, 5 để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài. 6 Lại vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta, kêu rằng: A-ba! Cha! 7 Dường ấy, ngươi không phải là tôi mọi nữa, bèn là con; và nếu ngươi là con, thì cũng là kẻ kế tự bởi ơn của Đức Chúa Trời.

8 Xưa kia, anh em chẳng biết Đức Chúa Trời chi hết, thì làm tôi các thần vốn không phải là thần. 9 Nhưng hiện nay anh em biết Đức Chúa Trời lại được Đức Chúa Trời biết đến nữa, sao còn trở hướng về lề thói hèn yếu nghèo nàn đó mà suy phục nữa ư? 10 Anh em hãy còn giữ ngày, tháng, mùa, năm ư! 11 Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em.

 

1. Xin giải thích những chữ sau (c. 1-3):

Người kế tự: ____________________________________________

Kẻ tôi mọi: ______________________________________________

Kẻ bảo hộ: ______________________________________________

Kẻ coi giữ: _______________________________________________

Lề thói của thế gian: ____________________________________

2. “Kỳ hạn” (c. 4a) chỉ về điều gì? “Kỳ hạn đã được trọn” nghĩa là thế nào?

3. “Bởi một người nữ sinh ra” (c. 4b) nói lên điều gì?

4. “Sinh ra dưới luật pháp” (c. 4c) nói lên điều gì?

5. Xin cho biết hai mục đích Chúa Giê-xu đến trần gian:

(1) __________________________________________

(2) __________________________________________

6. Theo câu 6, dấu hiệu của con cái Đức Chúa Trời là gì?

7. Sự khác nhau giữa “tôi mọi” và “con” (c. 7) là gì? “Kẻ kế tự” mang ý nghĩa gì?

8. Phao-lô trách độc giả điều gì trong câu 8-11?

 

Ga-la-ti 4:1-7 tiếp tục chủ đề được nêu ra trong  3:21-29. Phao-lô cho thấy người tin Chúa là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa (3:29b).

Kẻ kế tự hay người kế tự (4:1a) nói đến người thừa hưởng gia tài, tức là người con trong gia đình.

Đối chiếu với người kế tự là kẻ tôi mọi (c. 1b) hay nô lệ, không có những đặc quyền như con trong gia đình.

Phao-lô dùng hình ảnh người con trong xã hội La-mã thời đó để so sánh với tình trạng của người tin Chúa trước và sau khi Chúa Giê-xu giáng sinh. Xã hội La-mã thời Phao-lô cũng tương tự như xã hội Do-thái và Hy-lạp thời đó, có một ấn định thời gian xác nhận khi nào là đến tuổi trưởng thành. Người Do-thái ấn định tuổi trưởng thành là mười hai và người Hy-lạp là mười tám. Đối với người La-mã, tuổi trưởng thành nầy do người cha quyết định. Khi nào thấy con trưởng thành đủ thì quyết định đó là lúc cho con trở thành người lớn. Trong ngày đó có một nghi lễ để người cha công khai chính thức nhận đứa con đó là người kế tự của mình (nhận làm “con nuôi”). Đó là ý nghĩa của câu cho đến kỳ người cha đã định (c. 2b).

Những chữ kẻ bảo hộ, kẻ coi giữ (c. 2a) đồng nghĩa với chữ thầy giáo trong 3:24 chỉ về người quản giáo, đặc trách chăm sóc, bảo vệ con cháu các gia đình quyền quý từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Ý nghĩa của Ga-la-ti 4:1-2 được diễn tả như sau trong Bản Hiệu Đính:

Tôi muốn nói rằng bao lâu người thừa kế còn thơ ấu, dù làm chủ toàn bộ tài sản, thì cũng không khác gì một nô lệ. Người ấy còn phải ở dưới quyền của những người giám hộ và quản gia cho đến thời hạn mà người cha đã định.

Phao-lô dùng hình ảnh đó để so sánh với người tin Chúa. Khi còn thơ ấu là nói lúc Chúa Giê-xu chưa đến (chúng ta biết điều nầy dựa vào câu 4). Các lề thói của thế gian, Bản Hiệu Đính dịch là “các thần sơ đẳng trong thế gian” hay “nguyên lý cơ bản của vũ trụ.” Từ nầy trong nguyên ngữ là stoicheia nói về nguyên lý cơ bản của vũ trụ theo hiểu biết của người xưa gồm thổ, hỏa, khí và thủy. Stoicheia cũng được dùng để chỉ về mặt trời, mặt trăng và các hành tinh mà người xưa tin rằng mỗi vật đó là một vị thần. Do đó Bản Hiệu Đính đã dịch stoicheia là “các thần sơ đẳng trong thế gian.” Dựa vào mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao mà người ta có những ngày lễ hội để tôn thờ các vị thần đó. Phao-lô ám chỉ điều này trong các câu 8-11. Phải phục dưới các lề thói của thế gian vì vậy nghĩa là làm nô lệ cho các thần tượng hư không, cho thế giới thần linh của ma quỷ.

Tiếp tục với hình ảnh người cha trong xã hội La-mã, Phao-lô nói, Khi kỳ hạn đã được trọn (c. 4a) theo ý cho đến kỳ người cha đã định (c. 2b). Thời điểm Chúa Giê-xu giáng sinh để cứu chuộc nhân loại do Đức Chúa Cha quyết định, tương tự như việc người cha trong xã hội La-mã quyết định ngày con của mình thành nhân. Chúa Giê-xu giáng sinh khi kỳ hạn được trọn mang ý nghĩa đúng thời điểm trong chương trình của Đức Chúa Trời. Trên phương diện lịch sử, kỳ hạn được trọn mang ý nghĩa đúng lúc để Phúc Âm của Chúa phát triển dễ dàng với các yếu tố chính trị, giao thông và ngôn ngữ.

Về phương diện chính trị, thế giới trong thế kỷ thứ nhất kinh nghiệm điều mà các sử gia gọi là pax Romana (“Nền hòa bình của La-mã”) khi La-mã chinh phục trọn các vùng đất có nền văn minh lúc bấy giờ. La-mã cũng thiết lập các hệ thống giao thông đường bộ và hàng hải quy mô khiến việc di chuyển từ nơi nầy đến nơi kia dễ dàng. Có những con đường người La-mã thiết lập 2,000 năm trước, ngày nay vẫn còn sử dụng được. Dù thế giới nằm dưới quyền cai trị của La-mã nhưng ảnh hưởng của văn minh Hy-lạp vẫn còn sâu đậm. Tiếng Hy-lạp bình dân (koine) được sử dụng làm ngôn ngữ của thế giới lúc bấy giờ. Thánh Kinh Tân Ước được viết trong ngôn ngữ đó khi Phúc Âm được rao giảng trong thế kỷ thứ nhất. Kỳ hạn đã thật sự được trọn trong ý nghĩa đó.

Việc Chúa Giê-xu giáng sinh được mô tả là:

Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp (c. 4b).

Bởi một người nữ sinh ra nói lên nhân tính của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu thật sự là người, được sinh hạ qua thân xác của trinh nữ Ma-ri. Bởi một người nữ sinh ra cũng hàm ý nhắc đến lời hứa trong Sáng thế ký 3:15 về “dòng dõi người nữ.”

Sinh ra dưới luật pháp nói đến việc Chúa Giê-xu sinh ra là người Do-thái, phải vâng giữ mọi điều luật pháp bắt buộc. Chúa Giê-xu là người duy nhất có thể vâng giữ luật pháp và làm cho trọn luật pháp (Ma-thi-ơ 5:17). Sinh ra dưới luật pháp cũng hàm ý Chúa phải mang sự rủa sả của luật pháp vì chúng ta (3:13).

Mục đích Chúa Giê-xu giáng sinh là:

(1) Để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp (c. 5a). Ở dưới luật pháp nghĩa là phải tuân giữ mọi điều của luật pháp và sẽ bị rủa sả nếu không tuân giữ trọn. Chúa Giê-xu có thể chuộc những người ở dưới luật pháp vì Chúa đã chịu rủa sả thay cho họ. John Calvin nói, Chúa Giê-xu chuộc những kẻ ở dưới luật pháp là “Chúa đã tự xiềng mình lại để xiềng xích của người khác được tháo gỡ!” (trích Hansen). Đối với Dân Ngoại, Chúa Giê-xu chuộc chúng ta ra khỏi các lề thói của thế gian (c. 3b) tức là chúng ta không còn phải “làm nô lệ cho các thần sơ đẳng trong thế gian” (BHĐ).

(2) Cho chúng ta được làm con nuôi Ngài (c. 5b). Làm con nuôi theo ý nghĩa được chính thức công nhận quyền làm con tương tự như đứa con trưởng thành trong xã hội La-mã (Giăng 1:12).

Giáo lý Ba Ngôi trong chương trình cứu rỗi được thấy rõ trong các câu 4-6: Đức Chúa Trời sai Con Ngài và Đức Chúa Trời sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta. Dấu hiệu của con cái Đức Chúa Trời là sự hiện diện của Chúa Thánh Linh trong lòng người tin Chúa. Chúa Thánh Linh tác động trong chúng ta để chúng ta có thể gọi Đức Chúa Trời là Cha trong ngôn ngữ thân thương của một người con. A-ba là tiếng trẻ con gọi cha trong tiếng A-ram, ngôn ngữ của người Do-thái lúc bấy giờ. A-ba nói lên mối thâm tình cha-con là mối thâm tình giữa chúng ta với Đức Chúa Trời vì đã được cứu qua Chúa Giê-xu.

Phao-lô thay đổi cách xưng hô trong câu 7 (ngươi thay vì anh em) như để nói riêng với từng người trong các Hội Thánh vùng Ga-la-ti. Mỗi người phải kinh nghiệm cách cá nhân về việc chính mình được làm con của Đức Chúa Trời. Làm con mang ý nghĩa không còn là nô lệ nữa:

Dường ấy, ngươi không phải là tôi mọi nữa, bèn là con (c. 7a).

Sự khác nhau giữa con và nô lệ là, con có quyền thừa kế (kẻ kế tự) thừa hưởng gia sản của cha mẹ, nô lệ thì không. Là con của Đức Chúa Trời, chúng ta được hưởng gia sản cứu rỗi của Ngài ( I Phi-e-rơ 1:4-5). Điều nầy là bởi ơn của Đức Chúa Trời (c. 7b) nhấn mạnh sự cứu rỗi đến từ ân sủng không phải bởi luật pháp.

Hoàn cảnh của các Hội Thánh vùng Ga-la-ti khi Phao-lô viết Thư Ga-la-ti là họ đang có khuynh hướng quay trở lại việc tuân giữ luật pháp Môi-se vì những người chủ trương Do-thái hóa Phúc Âm đến trong các Hội Thánh nầy (1:6-7). Sau khi lý luận với họ về chân lý Phúc Âm: được xưng công chính bởi đức tin không phải bởi luật pháp (Chương 2-3), Phao-lô đặt câu hỏi cho họ:

Xưa kia, anh em chẳng biết Đức Chúa Trời chi hết, thì làm tôi các thần vốn không phải là thần. Nhưng hiện nay anh em biết Đức Chúa Trời lại được Đức Chúa Trời biết đến nữa, sao còn trở hướng về lề thói hèn yếu nghèo nàn đó mà suy phục nữa ư? (c. 8-9)

Phao-lô ôn lại lịch sử tin nhận Chúa của các tín hữu Ga-la-ti để cho họ thấy những điều sau:

1. Trước khi tin Chúa, họ là nô lệ cho những thần tượng hư không: Các thần vốn không phải là thần, c. 8.

2. Hiện nay họ đã tin nhận Đức Chúa Trời, đã kinh nghiệm Ngài: Biết Đức Chúa Trời lại được Đức Chúa Trời biết đến nữa, c. 9a.

3. Nếu bây giờ họ lại cố gắng vâng giữ luật pháp Môi-se để được cứu thì chẳng khác gì trở lại tình trạng trước khi tin Chúa: Trở hướng về lề thói hèn yếu nghèo nàn đó mà suy phục, c. 9b.

Hèn yếu là không có sức mạnh để giải phóng con người như cách Chúa Giê-xu đã làm. Nghèo nàn mang ý nghĩa “phá sản,” ngược lại với gia sản cứu rỗi Chúa ban cho con cái Ngài (c. 7).

Phao-lô ngạc nhiên trước ý định muốn trở lại đường lối cũ của các tín hữu Ga-la-ti. Ông cho họ thấy rằng, nếu họ cố gắng tuân giữ luật pháp Môi-se để được cứu thì cũng chẳng khác gì tin tưởng vào các thần tượng hư không trước kia vì cả hai đều dựa vào việc làm của con người thay vì đức tin, qua ân sủng của Đức Chúa Trời để được cứu.

Tuân giữ luật pháp Môi-se bao gồm việc giữ ngày, tháng, mùa, năm (c. 10). Ngày nói đến ngày Sa-bát. Tháng liên quan đến những lễ lạc vào ngày trăng mới (Ê-sai 1:14). Mùa là những lễ lạc kéo dài hơn một ngày như Vượt Qua, Ngũ Tuần, Lều Tạm… Năm nói đến Năm Sa-bát và Năm Hân Hỉ. Phao-lô không hẳn chống đối những ngày lễ nầy nhưng hàm ý rằng đây là những điều tương đương với lề thói thế gian của Dân Ngoại ông vừa nói (c. 3, 9). Luật pháp đến từ Đức Chúa Trời nhưng khi con người cố gắng tuân giữ, cho rằng nhờ đó được cứu rỗi là điều sai lầm, đưa đến chủ trương duy luật (nhờ tuân giữ luật pháp để được cứu).

Phao-lô giảng Phúc Âm cho người Ga-la-ti, khẳng định rằng, Người ta được xưng công bình, chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu, bèn là cậy đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ (2:16a). Người Ga-la-ti đã tiếp nhận Phúc Âm đó nhưng nếu bây giờ họ lại cậy vào luật pháp để được cứu thì Phao-lô cho thấy rằng, như vậy là ông đã làm việc luống công (c. 11): “E rằng tôi đã lao nhọc vô ích vì anh em” (Bản Hiệu Đính).