Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 15

5:13-26 XÁC THỊT VÀ THÁNH LINH

13 Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau. 14 Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời nầy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. 15 Nhưng nếu anh em cắn nuốt nhau, thì hãy giữ, kẻo kẻ nầy bị diệt mất bởi kẻ khác.

16 Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. 17 Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm. 18 Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp.

19 Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, 20 thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, 21 ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời.

22 Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: 23 không có luật pháp nào cấm các sự đó.

24 Vả, những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tự giá rồi. 25 Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy. 26 Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau.

 

1. “Sự tự do” Phao-lô nói trong câu 1 là gì?

2. “Ăn ở theo tánh xác thịt”(c. 13b) là ăn ở như thế nào?

3. Xin giải thích câu, “Lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau” (c. 13c)

4. “Cắn nuốt nhau” (c. 15a) nói đến điều gì?

5. Làm thế nào để chúng ta có thể “bước đi theo Thánh Linh” (c. 16a)?

6. Xin liệt kê các việc làm của xác thịt (c. 19-21a). Chúng ta có thể xếp loại các việc làm nầy như thế nào?

7. Chúng ta có thể xếp loại những trái của Thánh Linh (c. 22) như thế nào?

8. “Không có luật pháp nào cấm các sự đó” (c. 23) nghĩa là thế nào?

 

Chủ đề của Thư Ga-la-ti là tự do (2:4; 4:26, 31; 5:1), trong phần còn lại Phao-lô cho thấy tự do đó mang ý nghĩa gì. Trên phương diện tiêu cực, tự do không phải là phóng túng, muốn sống thế nào cũng được. Trong phương diện tích cực, tự do mang ý nghĩa phục vụ Chúa và người khác. Trên cả hai phương diện, người tự do trong Chúa là người sống bởi Thánh Linh và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Linh sống cho Chúa thay vì làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt (c. 16b). Phần còn lại của Thư Ga-la-ti cũng cho thấy đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương (5:6b) mang ý nghĩa như thế nào trong đời sống.

Nói về tự do của người tin Chúa, hai hiểm họa có thể xảy ra:

(1) Bị rơi trở lại vào vòng nô lệ (c. 1).

(2) Sống bừa bãi, phóng túng, chiều theo xác thịt (c. 13).

Phao-lô cảnh báo về cả hai hiểm họa nầy. Để không bị rơi lại vào vòng nô lệ của tội lỗi, chúng ta hãy đứng vững (c. 1). Để không sống chiều theo xác thịt, chúng ta phải phục vụ nhau trong yêu thương (c. 13).

Ăn ở theo tánh xác thịt (c. 13b) nghĩa là chiều theo mọi tư dục và ham muốn xấu xa. Ngược lại, chúng ta phải lấy lòng yêu thương mà làm đầy tớ lẫn nhau (c. 13c). Điều Phao-lô trình bày nghe như nghịch lý nhưng rất hợp lý. Ông bảo chúng ta là người tự do, đừng sống làm nô lệ cho tội lỗi (c. 1) nhưng là người tự do đó chúng ta sẵn sàng làm nô lệ cho nhau (trong nguyên ngữ, làm đầy tớlàm nô lệ cùng một chữ). Không làm nô lệ cho tội lỗi nhưng chúng ta làm nô lệ cho nhau, sẵn sàng phục vụ nhau. Đây là hành động tự nguyện, không phải bị bắt buộc vì nó phát xuất từ tình yêu thương. Câu 14 cho thấy sức mạnh của tình yêu thương đó:

Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời nầy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình (c. 14)

Vâng giữ trọn vẹn luật pháp là điều không ai làm được, nhưng người tin Chúa, với đức tin và sức của Chúa Thánh Linh, khi yêu thương người khác như chính bản thân là chúng ta đã làm trọn luật pháp.

Dựa vào câu 15, một vấn đề khác có thể đang xảy ra tại Ga-la-ti:

Nhưng nếu anh em cắn nuốt nhau, thì hãy giữ, kẻo kẻ nầy bị diệt mất bởi kẻ khác (c. 15)

Cắn nuốt là hình ảnh của loài thú hoang cắn xé nhau. Phao-lô dùng hình ảnh nầy để mô tả những phe phái có thể đang tranh chiến với nhau trong Hội Thánh mà hậu quả là kẻ nầy bị diệt mất bởi kẻ khác (c. 15b). Diệt mất nghĩa là bị tiêu hủy. Phao-lô cho thấy hiểm họa lớn lao có thể xảy ra nếu tiếp tục có vấn đề bè phái trong Hội Thánh.

Phần câu 13-15 là lời khuyên tổng quát. Trong lời khuyên chính (c. 16-26), Phao-lô phân biệt giữa:

(1) Việc làm của xác thịt (c. 19-21).

(2) Trái của Thánh Linh (c. 22).

Việc làm của xác thịt là điều chúng ta phải tránh và trái của Thánh Linh là điều chúng ta phải có. Trước khi đi vào chi tiết, Phao-lô nêu tiền đề về mối tranh chấp giữa Thánh Linh và xác thịt (c. 16-18). Đối với Thánh Linh, chúng ta phải bước đi theo Thánh Linh và với xác thịt, không làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt (c. 16).

Bước đi là lối nói của người Do-thái chỉ về đời sống. Bước đi nghĩa là sống (Ê-phê-sô 5:8b). Bước đi theo Thánh Linh là sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Ngược lại với bước đi theo Thánh Linhlàm trọn những điều ưa muốn của xác thịt, nghĩa là, “Thỏa mãn những dục vọng xác thịt” (BHĐ). Câu 17 cho thấy Thánh Linh và xác thịt là hai sức mạnh đối chọi nhau, có điều nầy thì không thể có điều kia. So sánh với Rô-ma 7:15-16, Không làm được điều mình muốn làm hàm ý con người tự nhiên chúng ta không thể sống theo Thánh Linh. Chúng ta phải nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, nghĩa là phải sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh thì mới có thể sống vượt lên trên những đòi hỏi của luật pháp (luật pháp trong ý nghĩa định luật của xác thịt).

Dựa vào những điều Phao-lô kể ra trong câu 19-21a, chúng ta có bảng liệt kê phân các việc làm của xác thịt như sau (trang 80). Chúng ta có thể phân những điều nầy thành bốn loại:

(1) Những tội liên quan đến tình dục: gian dâm, ô uế, luông tuồng. (2) Những tội liên quan đến vấn đề tâm linh: thờ hình tương, phù phép. (3) Những tội trong mối quan hệ với người khác: thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ. (4) Những tội trong đời sống cá nhân: say sưa, mê ăn uống.

Chủ đề của Thư Ga-la-ti là đối chiếu giữa việc tuân giữ luật pháp và đức tin nơi Chúa Giê-xu. Tuân giữ luật pháp là cố gắng của con người, việc làm của con người, còn đức tin là việc làm của Chúa Thánh Linh, đem lại kết quả tự nhiên. Chính vì vậy, chúng ta thấy Phao-lô đối chiếu giữa VIỆC LÀM của xác thịt (c. 19) với TRÁI của Thánh Linh (c. 22).

Những việc làm đầu tiên của xác thịt liên quan đến những tội trên phương diện tình dục. Gian dâm nói đến mọi hình thức tà dâm, bao gồm ngoại tình và quan hệ tình dục giữa những người không phải là vợ chồng. Ô uếluông tuồng chỉ về những hình thức tình dục trái tự nhiên (đồng giới).

Thờ hình tượng chẳng những nói đến việc thờ lạy những hình tượng do con người làm nên nhưng cũng nói đến việc tham dự vào việc ăn uống, cúng kiến (I Cô. 10:7, 14) và mọi hình thức tham lam (Cô-lô-se 3:5). Phù phép là những hình thức tà thuật ngày xưa, thường đi chung với việc sử dụng bùa ngải để làm hại người khác. Thờ hình tượng ngày nay có nghĩa là khi chúng ta xem bất cứ điều gì cao hơn Đức Chúa Trời. Phù phép là theo những hình thức ma thuật hay sử dụng độc dược, ma túy.

Những hành vi tội lỗi trong mối quan hệ với người khác là: thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ. Bản Hiệu Đính cho những từ tương đương, giải thích những hành vi nầy: “thù oán, gây gổ, ghen ghét, giận dữ, ích kỷ, bất bình, phe đảng, ganh tị.” Những người chủ trương duy luật, cố gắng tuân giữ luật pháp thì việc làm theo luật pháp của họ đã biến thành việc làm của xác thịt trong mối quan hệ không tốt đẹp với người khác.

Đối với bản thân, việc làm của xác thịt là say sưamê ăn uống. Hai điều nầy liên quan đến việc say sưa chè chén trong những lễ cúng thần tượng ngày xưa nhưng không phải là không có trong xã hội ngày nay, nhất là trong giới trẻ với cuộc sống buông thả.

 

HÀNH VI

LIÊN QUAN ĐẾN

1. Gian dâm

Tình dục

2. Ô uế

3. Luông tuồng

4. Thờ hình tượng

Tâm linh

5. Phù phép

6. Thù oán

 

 

Người khác

7. Tranh đấu

8. Ghen ghét

9. Buồn giận

10. Cãi lẫy

11. Bất bình

12. Bè đảng

13. Ganh gổ

14. Say sưa

Bản thân

15. Mê ăn uống

Cùng các sự khác giống như vậy (c. 21b) cho thấy còn nhiều điều xấu xa khác trong việc làm của xác thịt mà Phao-lô không kể ra hết. Ông cũng nghiêm trọng cảnh cáo những người sống theo xác thịt:

Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời (c. 21c)

Không được hưởng nước Đức Chúa Trời cho thấy những người sống theo xác thịt không thật sự là người tin Chúa vì người tin Chúa chắc chắn được hưởng nước Đức Chúa Trời. Nếp sống theo xác thịt chứng tỏ họ chưa thật sự tin Chúa. Điều nầy cũng cho thấy sống tự do trong Chúa (c. 13) không phải là sống phóng túng, buông thả theo tội lỗi nhưng là sống với những kết quả đến từ Chúa Thánh Linh.

Ngược lại với việc làm của xác thịttrái của Thánh Linh (c. 22). Trái nghĩa là kết quả tự nhiên, không do công sức hay cố gắng của con người. Trái của Thánh Linh là kết quả của đời sống có Chúa Thánh Linh dẫn dắt (c. 18a). Chữ trái trong nguyên văn ở dạng số ít (không phải những trái) mang ý nghĩa một kết quả toàn thể, không đơn lẻ. Đời sống do Chúa Thánh Linh hướng dẫn bao gồm tất cả chín đặc tính cùng một lúc chứ không rời rạc từng điều một. Trái của Thánh Linh có thể phân loại như sau:

(1) Nội tâm: yêu thương, vui mừng, bình an.

(2) Quan hệ với người: nhịn nhục, nhân từ, hiền lành.

(3) Cá nhân: trung tín, mềm mại, tiết độ.

Yêu thương mang những ý nghĩa sau trong Thư Ga-la-ti:

·         Phục vụ (c. 13)

·         Làm trọn luật pháp (c. 14)

·         Thể hiện của đức tin (c. 6)

·         Thể hiện của hy sinh (2:20)

Vui mừng nói lên niềm vui đến từ bên trong, không tùy thuộc hoàn cảnh. Phao-lô gọi đó là vui mừng trong Chúa (Phi-líp 4:4).

Bình an là mối tương quan hài hòa tốt đẹp giữa người với Chúa (II Cô. 5:18-20). Từ đó đem lại bình an trong tâm hồn và bình an với mọi người.

Nhịn nhục nói lên lòng kiên nhẫn với người (nhịn nhục trong Gia-cơ 1:3-4 nói về nhịn nhục trong hoàn cảnh khó khăn).

Nhân từ (Hy văn: chrestotes) mang ý nghĩa bao dung, rộng lượng.

Hiền lành (Hy văn: agathosyne) dịch là “nhân lành” trong Lu-ca 18:18-19, nói lên đặc tính của Đức Chúa Trời, Ngài là “Đấng nhân lành” hay thiện lành (goodness). Hiền lành cũng mang ý nghĩa rộng lượng nhưng nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực, thể hiện trong hành động.

Ba đặc tính nhịn nhục, nhân từ, hiền lành (khoan dung, nhân hậu, thiện lành) là cách người tin Chúa đối xử với người khác vì có Chúa Thánh Linh ngự trị tâm hồn. Những đặc tính còn lại: trung tín, mềm mại, tiết độ là đặc điểm cá nhân của người tin Chúa.

Trung tín (từ gốc là “đức tin”) nói lên lòng trung thành, giữ lời hứa, giữ lời cam kết, người khác có thể tin tưởng, tin cậy.

Mềm mại (nhu mì) là đặc tính của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 11:29) và của Môi-se (Dân số 12:3). Người mềm mại là người khiêm nhường, quan tâm đến nhu cầu của người khác và nghĩ đến người khác, không ích kỷ, chỉ biết có mình (Phi-líp 2:3-4).

Tiết độ (tự chế) là người có kỷ luật bản thân, không đắm mình vào tội lỗi, ngược với say sưa, mê ăn uống của con người sống theo xác thịt (c. 21). Người tự chế là “người có sức mạnh, không chiều theo bản ngã theo những đòi hỏi của xác thịt tội lỗi” (Hansen).

Phao-lô kết thúc phần nầy với câu:

Không có luật pháp nào cấm các sự đó (c. 23)

Phao-lô nói như vậy vì vấn đề trong suốt lá thư là tranh chấp giữa luật pháp và đức tin. Câu kết luận nầy là lời thách thức với những người chủ trương duy luật. Phao-lô cho thấy rằng tin Chúa Giê-xu, để cho Chúa Thánh Linh hướng dẫn là đã tự nhiên sống đời sống mà luật pháp đòi hỏi. Điều Phao-lô muốn nói là, “Nếu thật sự muốn tuân giữ luật pháp, chỉ cần để Chúa Thánh Linh cai trị và hướng dẫn là đủ. Người sống theo Thánh Linh không thể là người vi phạm luật pháp!”

Câu 16-23 cho thấy tương phản giữa đời sống theo xác thịt và Thánh Linh. Câu 24-25 cho thấy bí quyết để chiến thắng xác thịt. Trên phương diện tiêu cực:

Những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tự giá rồi (c. 24)

Tiêu cực là diệt trừ xác thịt. Phao-lô dùng động từ đóng đinh để mô tả điều nầy. Đóng đinh nghĩa là xử tử. Người tin Chúa là người đã khai trừ con người xác thịt của mình: Những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt… trên thập tự giá rồi! Tình dụcdâm dục chẳng những nói về những tội liên quan đến tính dục nhưng cũng chỉ về tất cả những ham muốn xấu xa: “Những người thuộc về Đấng Christ Jêsus đã đóng đinh xác thịt cùng với các đam mê và dục vọng mình trên thập tự giá rồi” (Bản Hiệu Đính). Kể con người cũ như đã chết.

Trên phương diện tích cực, chúng ta bước theo Thánh Linh hay đồng bước, hòa cùng một điệu với Đức Thánh Linh, sống trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh:

Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy (c. 25)

Kết luận phần nầy, Phao-lô viết:

Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau (c. 26)

Trong câu 15, Phao-lô nói về việc anh em cắn nuốt nhau hàm ý có những xung đột trong Hội Thánh mà nguyên nhân là danh vọng giả dối (c. 26). Bản Hiệu Đính dịch là “hư danh”:

Chớ tìm kiếm hư danh mà khiêu khích và ganh ghét nhau (BHĐ)

Nguyên nhân của những tỵ hiềm, ganh ghét, chia rẽ trong Hội Thánh thường là vì tìm kiếm hư danh. Phương thuốc để chữa trị bệnh “tìm kiếm hư danh” không gì khác hơn là “khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3).