Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 17

6:6-10 GIEO GÌ GẶT NẤY

6 Kẻ nào mà người ta dạy đạo cho, phải lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy đó.

7 Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. 8 Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời.

9 Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt. 10 Vậy, đang lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin.

 

1. Xin cho biết hai nhóm người được nhắc đến trong câu 6.

2. “Lấy trong hết thảy của cải mình mà chia” nghĩa là thế nào?

3. “Dối mình” (c. 7a) nghĩa là gì?

4. “Khinh dể” (c. 7b) nghĩa là gì? “Đức Chúa Trời không chịu khinh dể” nghĩa là thế nào?

5. Câu 7-8 nói lên nguyên tắc hay định luật gì ở đời? Chúng ta áp dụng nguyên tắc nầy như thế nào?

6. Xin cho chữ tương đương với “Chớ mệt nhọc” (c. 9a).

7. Thế nào là “Không trễ nải” (c. 9b)?

8. “Làm điều thiện” (c. 10) là làm gì?

 

Hai nhóm người được nhắc đến trong câu 6 là người dạy đạongười được dạy đạo. Người dạy đạo nói đến các giáo sư trong Hội Thánh (Ê-phê-sô 4:11). Đây là các trưởng lão chịu chức rao giảng và dạy dỗ (I Ti. 5:17). Phao-lô cho thấy chu cấp nhu cầu vật chất cho người hầu việc Chúa trọn thời gian là bổn phận của tín đồ, vì người tín đồ đã nhận sự dạy dỗ từ nơi các đầy tớ Chúa. Chữ chia trong câu nầy mang ý nghĩa thông công, nghĩa là trao đổi. Người hầu việc Chúa chia sẻ cho chúng ta Lời Chúa, chúng ta phải chia sẻ của cải vật chất lại cho họ. Những chữ hết thảy của cải mình trong nguyên văn là “mọi điều tốt đẹp” (BHĐ) là uyển ngữ chỉ về tiền bạc.

Câu 7-8 là định luật nhân quả, có gieo thì có gặt và gieo gì thì gặt nấy. Đây là điều tự nhiên trên đời, nhất là đối với Đức Chúa Trời. Dối mình nghĩa là tự nói dối với mình, chỉ về người biết rõ sự thật mà vẫn khước từ hay bỏ qua, không để ý đến. Chữ khinh dể nghĩa đen trong nguyên văn là “hếch mũi lên” mang ý nghĩa coi thường. Đức Chúa Trời không thể bị coi thường vì Ngài có luật nhân quả của Ngài. Chúng ta không thể gặt hái điều tốt đẹp nếu cứ gieo ra những điều xấu xa.

Một lần nữa Phao-lô đối chiếu giữa xác thịtThánh Linh (c. 8). Gieo cho xác thịt nghĩa là sống chiều theo tư dục tội lỗi mà hậu quả là hư nát. Hư nát nói đến giá trị tạm thời, chóng qua. Ngược lại với gieo cho xác thịtgieo cho Thánh Linh, nghĩa là sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, bước theo Thánh Linh (5:16) với kết quả là sự sống đời đời, nói đến giá trị trường tồn, vĩnh cửu.

Câu 9 nhắc lại định luật nhân quả nhưng trong ý nghĩa tích cực. Phao-lô nhắc đến mùa gặt tốt đẹp khi chúng ta gieo ra những điều tốt đẹp. Làm lành không mang ý nghĩa làm việc công đức nhưng là lối sống công chính với những hành động tốt đẹp. Mệt nhọc khi làm việc là điều tự nhiên nhưng lời khuyên của Phao-lô là, Chớ mệt nhọc về sự làm lành, hàm ý khuyên chúng ta không nên nản lòng vì không thấy kết quả của việc làm lành ngay. Vì vậy, Phao-lô nhắc đến mùa gặt: Đến kỳ chúng ta sẽ gặt (c. 9b). Mùa gặt chắc chắn sẽ đến đúng kỳ, đúng lúc. Điều cần làm vì vậy là không trễ nải (“nản lòng”). Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau:

Chớ mệt mỏi trong khi làm việc thiện, vì nếu chúng ta không nản lòng thì đến mùa chúng ta sẽ gặt (c. 9)

Thay vì mệt mỏi, nản lòng, Phao-lô khuyên:

Vậy, đang lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin (c. 10)

Dịp tiện nói đến cơ hội đang có, đúng thời điểm. Điều thiện, theo văn mạch, mang ý nghĩa giúp đỡ vật chất. Anh em chúng ta trong đức tin, trong nguyên văn là “gia đình đức tin” (BHĐ). “Gia đình đức tin” cho thấy những người có cùng đức tin nơi Chúa Giê-xu có mối quan hệ với nhau như anh chị em trong một gia đình. Người tin Chúa được dạy là phải yêu thương, giúp đỡ mọi người, không phân biệt ai. Trong khung cảnh nầy, Phao-lô muốn nói, là anh chị em trong Chúa, giúp đỡ nhau là điều tất nhiên.