Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 18

6:11-18 DÒNG CHỮ CUỐI

11 Hãy xem chính tay tôi viết thơ nầy cho anh em, chữ lớn là dường nào.

12 Hết thảy những kẻ muốn cho mình đẹp lòng người theo phần xác, ép anh em chịu cắt bì, hầu cho họ khỏi vì thập tự giá của Đấng Christ mà bị bắt bớ đó thôi. 13 Vì chính những kẻ đó đã chịu cắt bì, không vâng giữ luật pháp đâu, nhưng họ muốn anh em chịu cắt bì, hầu để khoe mình trong phần xác của anh em.

14 Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy! 15 Vì điều yếu cần, chẳng phải sự chịu cắt bì, hay là sự chẳng chịu cắt bì, bèn là trở nên người mới.

16 Nguyền xin sự bình an và sự thương xót giáng trên hết thảy những kẻ noi theo mẫu mực nầy, lại giáng trên dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời nữa!

17 Ước gì từ nay về sau, chẳng ai làm khó cho tôi, vì trong mình tôi có đốt dấu vết của Đức Chúa Jêsus vậy.

18 Hỡi anh em, nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta ở với tâm thần anh em! A-men.

 

1. “Chữ lớn” (c. 11) mang ý nghĩa gì?

2. “Muốn cho mình đẹp lòng người theo phần xác” (c. 12a) nghĩa là thế nào?

3. “Vì thập tự giá của Đấng Christ mà bị bắt bớ” nghĩa là gì?

4. “Khoe mình trong phần xác của anh em” (c.13b) nghĩa là thế nào?

5. “Khoe về thập tự giá của Đức Chúa Giê-xu Christ” (c. 14a) là khoe về điều gì?

6. Xin giải thích câu: “Bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy” (c. 14b).

7. Chịu phép cắt bì hay không được đối chiếu với việc trở nên người mới (c. 15) cho thấy điều gì?

8. “Mẫu mực nầy” (c. 16) là mẫu mực gì?

9. “Dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” chỉ về ai?

10. Phao-lô muốn nói về điều gì khi ông nói, “Trong mình tôi có đốt dấu vết của Đức Chúa Giê-xu” (c. 17)?

11. Tại sao Phao-lô nói, “Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta ở với tâm thần anh em” (c. 18)? “Tâm thần” nhấn mạnh về điều gì?

 

Phân đoạn cuối cùng của Thư Ga-la-ti bắt đầu với câu:

Hãy xem chính tay tôi viết thơ nầy cho anh em, chữ lớn là dường nào (c. 11)

Trong thời của sứ đồ Phao-lô, có những người chuyên làm công việc viết thư cho người khác (amanuensis). Tẹt-tiu là người viết thư Rô-ma (Rô-ma 16:22). Sin-vanh viết thư I Phi-e-rơ (I Phi-e-rơ 5:12). Đến cuối thư, tác giả thường tự tay viết thêm một dòng để kết thúc, tương tự như chữ ký để xác nhận tính cách xác thực của lá thư (I Cô. 16:21; Cô-lô-se 4:18; II Tê. 3:17). Thư Ga-la-ti cũng vậy, Phao-lô đã chính tay mình viết dòng chữ cuối trong 6:11. Phao-lô nói đây là chữ lớn, có thể vì mắt Phao-lô không nhìn rõ (xem giải thích 4:15) nên phải viết lớn. Cũng có thể chữ lớn mang ý nghĩa nhấn mạnh, tương tự như cách chúng ta in đậm hay gạch dưới.

Phao-lô kết luận lá thư với lời cảnh cáo về những người chủ trương duy luật (c. 12-13) đi ngược lại với đường lối và Phúc Âm chân chính của Phao-lô (c. 14-15). Lỗi lầm của những người chủ trương duy luật là:

1. Muốn cho mình đẹp lòng người theo phần xác (c. 12a)

Nghĩa muốn tạo ấn tượng tốt. Theo phần xác nghĩa là theo xác thịt. Đối với những người chủ trương duy luật và muốn người khác trở thành người Do-thái như họ thì dấu hiệu cắt bì là điều họ hãnh diện nhất. Muốn cho mình đẹp lòng người theo phần xác nhấn mạnh bề ngoài và đối với con người. Người tin Chúa trái lại, chỉ muốn làm đẹp lòng Chúa, với những gì đến từ bên trong do Chúa Thánh Linh (ngược lại với xác thịt).

2. Khỏi vì thập tự giá của Đấng Christ mà bị bắt bớ (c. 12b)

Phúc Âm Phao-lô rao giảng đặt căn bản trên thập tự giá: được cứu rỗi qua đức tin vào sự chết thay thế của Chúa Giê-xu, không nhờ vâng giữ luật pháp Môi-se. Đây là điều người Do-thái không chấp nhận và họ đã bắt bớ, gây khó khăn cho ông mọi nơi trong vùng Ga-la-ti (Công vụ 13:45, 50; 14:2, 5, 19). Vì vậy, những người chủ trương Do-thái hóa thêm vào Phúc Âm việc giữ phép cắt bì để không gặp khó khăn với những người Do-thái khác. Như vậy, Phao-lô cho thấy động cơ thúc đẩy họ muốn các tín hữu chịu cắt bì là để tránh bị bắt bớ.

3. Để khoe mình trong phần xác của anh em (c. 13)

Khoe mình trong phần xác của anh em nghĩa là muốn kể ra có nhiều người chịu phép cắt bì như họ. Đây là một sai lầm lớn, chẳng những vì động cơ thúc đẩy sai lầm (muốn kể số người) mà thực chất cũng không đúng, vì chính những người nầy cũng đã không thể vâng giữ luật pháp: “Chính những kẻ đã chịu cắt bì đó cũng không tuân giữ luật pháp” (BHĐ).

Đối chiếu với những lỗi lầm trên của những người chủ trương duy luật và Do-thái hóa là Phúc Âm mà Phao-lô rao giảng. Hai đặc điểm của Phúc Âm là thập tự giá (c. 14) và trở nên người mới (c. 15).

Thập tự giá mang hai ý nghĩa:

(1) Cứu rỗi (c. 14a)

Đối với Phao-lô, thập tự giá là trọng tâm của đời sống (I Cô. 2:2; Ga-la-ti 2:20). Những người dạy tà giáo thì sợ bị bắt bớ vì thập tự giá (c. 12) còn Phao-lô thì hãnh diện (khoe mình) về thập tự giá. Thập tự giá chỉ về cái chết thay thế của Chúa Giê-xu vì tội lỗi của nhân loại. Thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta (c. 14a) là nói đến cái chết thay thế đó.

(2) Dứt khoát với trần gian (c. 14b)

Phao-lô nói:

Bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy (c. 14b)

Bị đóng đinh nghĩa là bị xử tử. Thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh nghĩa là Phao-lô Phao-lô kể như mình như đã chết đối với đời. Và đời đối với ông cũng vậy. Bị đóng đinh nói lên thái độ dứt khoát, không còn vương vấn.

Có thể nói, trọn Thư Ga-la-ti được Phao-lô gói ghém lại trong câu 15:

Vì điều yếu cần, chẳng phải sự chịu cắt bì, hay là sự chẳng chịu cắt bì, bèn là trở nên người mới (c. 15)

Những người dạy tà giáo tại Ga-la-ti đòi người tin Chúa phải chịu phép cắt bì (trở nên người Do-thái) còn Phúc Âm chân chính của Phao-lô là trở nên người mới! Đây cũng là kết luận của chúng ta. Sự cứu rỗi không đến từ việc thi hành một nghi lễ tôn giáo hay cậy công sức của con người nhưng đến từ ơn tái sinh Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần ở trong Chúa Giê-xu, liên kết với Ngài bằng đức tin, tự nhiên chúng ta có đời sống mới và sống đời sống đó (II Cô. 5:17).

Phao-lô kết luận Thư Ga-la-ti với hai lời chúc phước (c. 16, 18).

Nguyền xin sự bình an và sự thương xót giáng trên hết thảy những kẻ noi theo mẫu mực nầy, lại giáng trên dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời nữa!

Hai điều Phao-lô chúc phước là bình anthương xót (c. 16a). Hai ơn phước nầy đến với hết thảy những kẻ noi theo mẫu mực nầy (c. 16a). Mẫu mực hay khuôn mẫu hay nguyên tắc nói đến điều Phao-lô vừa nói trong câu 15, tức là đức tin nơi Chúa Giê-xu để được đổi mới chứ không theo việc làm của xác thịt. Đây cũng là mẫu mực Phúc Âm. Noi theo nghĩa là tiếp tục sống theo chân lý đó. Sống như vậy, mới thật là dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời (c. 16b). Chúng ta nhớ rằng những người dạy tà giáo tại Ga-la-ti một mực muốn các tín đồ tại đây trở thành dân Y-sơ-ra-ên như họ. Phao-lô cho thấy, người sống theo chân lý Phúc Âm mới thật là dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời chứ không phải nhờ phép cắt bì mà trở nên con dân của Chúa.

Trước lời chúc phước thứ hai (c. 18) là một lời yêu cầu hay khẩn khoản của sứ đồ Phao-lô với các tín hữu tại Ga-la-ti:

Ước gì từ nay về sau, chẳng ai làm khó cho tôi, vì trong mình tôi có đốt dấu vết của Đức Chúa Jêsus vậy (c. 17)

Làm khó cho tôi mang ý nghĩa “gây phiền toái” (BHĐ). Ý Phao-lô muốn nói là xin các tín hữu tại Ga-la-ti hãy ngưng, đừng nghe theo chủ trương Do-thái hóa nữa. Làm như vậy là gây thêm khó khăn cho ông vì trong mình tôi có đốt dấu vết của Đức Chúa Jêsus vậy (c. 17b). “Đốt dấu vết” (stigmata) nói đến những vết sẹo trong người Phao-lô khi phải chịu khổ vì Chúa như bị ném đá, đánh đòn, v.v… (Công vụ 14:5, 19; II Cô. 11:23-27). Đốt dấu vết cũng mang ý nghĩa dấu hiệu quyền sở hữu như cách người ta đóng dấu vào các con vật hay nô lệ. Phao-lô cho biết, ông là người mang dấu vết làm nô lệ của Chúa Giê-xu. Phao-lô cũng có ý đối chiếu đốt dấu vết của Đức Chúa Giê-xu với dấu vết cắt bì vô ích mà những người chủ trương Do-thái hóa muốn áp đặt lên các tín hữu Ga-la-ti.

Lời chúc phước cuối thư (c. 18) nói đến ân điển của Chúa Giê-xu, nhưng Phao-lô đặc biệt nhấn mạnh ở với tâm thần anh em (c. 18b). Tâm thần nói đến khía cạnh tâm linh là yếu tố quan trọng, quyết định mọi điều khác trong đời sống (Ma-thi-ơ 6:33).