Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Báp-têm và Đời Sống Cơ Đốc Nhân

I Phi-e-rơ 3:18-22

"Trong lễ báp-têm, chúng ta xác nhận mình được cứu nhờ kêu cầu Thượng Đế tẩy sạch tội lỗi trong tâm hồn chúng ta, bởi sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu, chứ không phải nhờ nước rửa sạch thân thể" (câu #21 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Trong phân đoạn này Phao-lô cho thấy phép báp-têm của chúng ta có ý nghĩa thế nào? Liên hệ thế nào đến sự chịu khổ của chúng ta? Phép báp-têm mà bạn đã nhận có ý nghĩa và tác dụng thế nào trên đời sống bạn? Phân đoạn Kinh Thánh này được xem là một bài giảng cho những tân tín hữu vừa mới chịu báp-têm trong Hội Thánh đầu tiên. Bài giảng giải thích đời sống trong Chúa Cứu Thế trong ý nghĩa sống giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian. Tác giả khích lệ các tín hữu trong hoàn cảnh bị bách hại lý cớ "không thuộc về thế gian" này. Tuy sự chịu khổ của Chúa Cứu Thế cũng như các môn đồ Ngài là một thực tế đau đớn nhưng cũng đầy ý nghĩa, vì đi kèm là lời hứa về sự đắc thắng vinh quang (câu #18 và 22). Mầu nhiệm về sự giải hòa giữa chúng ta với Đức Chúa Trời bao gồm trong sự chịu khổ và chết của Chúa Giê-xu. Ngài đã chết như một con người nhưng đã được Đức Chúa Trời làm sống lại và tôn cao. Điều này liên hệ đến ý nghĩa báp-têm trong các câu #19-21. Báp-têm của chúng ta (câu #20-21) trước hết mang ý nghĩa sống vượt trên trần gian. Chiếc tàu Nô-ê trôi nổi giữa một thế giới đầy chết chóc là hình ảnh chúng ta không thuộc về thế gian, cho dầu còn phải lênh đênh trên biển trần. Thứ hai, báp-têm là dấu hiệu của sự tẩy rửa tội lỗi trong tâm hồn chúng ta để có thể sống trong mối tương quan với Đức Chúa Trời. Thứ ba, báp têm cũng là phương tiện của ân sủng vì qua đó quyền năng phục sinh của Chúa Cứu Thế trở nên hiệu quả trong đời sống chúng ta (câu #21). Qua báp-têm, chúng ta đồng hóa với Chúa Giê-xu trong sự chết và sống lại của Ngài. Chúng ta không đồng hóa với thế gian nhưng vượt trên thế gian. Chúng ta sống giữa thế gian nhưng không thuộc thế gian. Chúng ta không thuộc về thế giới của sự chết nhưng ở trong con tàu cứu rỗi, được che chở, an toàn, và hi vọng. Vì thế dầu trong tình trạng lênh đênh chúng ta vẫn thấy an tâm. Chúa vẫn còn đặt chúng ta ở giữa trần gian để sống cho trần gian, để làm trọn sứ mạng của Chúa giao cho giữa trần gian hư vong, cho dù phải chịu khổ vì cớ đức tin và sứ mạng. Xin Chúa giúp con nhận thức và kinh nghiệm được ý nghĩa của báp-têm mà con đã nhận lãnh để có thể bước đi theo dấu chân Ngài.

(c) 2024 svtk.net