Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

I Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-4 - SỰ GIẢNG ĐẠO CỦA PHAO-LÔ

1 Hỡi anh em, chính anh em biết rõ rằng chúng tôi đã đến nơi anh em, ấy chẳng phải là vô ích đâu, 2 nhưng sau khi bị đau đớn và sỉ nhục tại thành Phi-líp, như anh em đã biết, thì chúng tôi trông cậy Đức Chúa Trời, cứ rao truyền đạo Tin Lành của Đức Chúa Trời cách dạn dĩ giữa cơn đại chiến. 3 Vì sự giảng đạo của chúng tôi chẳng phải bởi sự sai lầm, hoặc ý không thanh sạch, cũng chẳng dùng điều gian dối. 4 Nhưng vì Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng giao cho việc giảng Tin Lành, nên chúng tôi cứ nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng chúng tôi.

 

1. “Vô ích” (c. 1b) mang ý nghĩa gì?

2. Xin đọc Công vụ 16:16-40 và cho biết “đau đớn và sỉ nhục tại thành Phi-líp” Phao-lô nhắc đến ở đây là gì?

3. Phao-lô muốn nói điều gì khi nhắc đến “cơn đại chiến” (c. 2c)?

4. Xin cho biết những lý do Phao-lô không dựa vào khi rao giảng Phúc Âm tại Tê-sa-lô-ni-ca (c. 3-4).

5. Lý do nào thúc đẩy Phao-lô rao giảng Phúc Âm tại Tê-sa-lô-ni-ca (c. 4a).

6. Phao-lô ngụ ý gì khi nói: “Đức Chúa Trời là Đấng dò xét lòng chúng tôi” (c. 4c)?

 

Tê-sa-lô-ni-ca là Hội Thánh được Phao-lô thành lập trong chuyến truyền giáo thứ hai (Công vụ 15:40-18:22) nhưng ông không ở lại đây được lâu vì sự chống đối của người Do-thái (Công vụ 17:5-10a). Vì phải rời khỏi Tê-sa-lô-ni-ca sớm và vì những lời cáo gian của người Do-thái trước đó (Công vụ 17:7), Phao-lô thấy cần phải minh định lập trường của mình với các tín hữu tại đây để khích lệ họ.

Trước hết, ông xác nhận việc rao giảng Phúc Âm của ông chẳng phải là vô ích đâu (c. 1b). Vô ích mang ý nghĩa trống rỗng hay vô nghĩa, không có thực chất. Sở dĩ Phao-lô nói như vậy vì ông và các bạn đã bị vu cáo là sai lầm, không thanh sạch, gian dối, dùng lời dua nịnh, làm vì tư lợi… (c. 3, 5). Đối chiếu với vô ích là rao truyền đạo Tin Lành của Đức Chúa Trời cách dạn dĩ giữa cơn đại chiến (c. 2b). Phao-lô nhắc lại kinh nghiệm của ông và các bạn tại Phi-líp (Công vụ 16:16-40) mà ông gọi là đau đớn và sỉ nhục: bị bắt giữ như tội phạm, bị xé áo, đánh đòn, cùm chân trong ngục…

Phao-lô và các bạn đã đến Tê-sa-lô-ni-ca sau kinh nghiệm đau thương đó (Công vụ 17) nhưng họ trông cậy Đức Chúa Trời, cứ rao truyền đạo Tin Lành của Đức Chúa Trời cách dạn dĩ giữa cơn đại chiến (c. 2b). Bí quyết của họ là trông cậy Đức Chúa Trời, nghĩa là nhờ sức của Chúa, họ đã rao truyền đạo Tin Lành của Đức Chúa Trời cách dạn dĩ. Dạn dĩ mang ý nghĩa bạo dạn, dám làm, không sợ chống đối. Cơn đại chiến nói đến sự chống đối mãnh liệt của kẻ thù tại cả hai nơi: Phi-líp và Tê-sa-lô-ni-ca:

Như anh em biết, dù đã chịu đau khổ và sỉ nhục tại Phi-líp, chúng tôi vẫn mạnh dạn trong Đức Chúa Trời để rao truyền cho anh em Tin Lành của Đức Chúa Trời giữa nhiều chống đối (c. 2, BHĐ)

Sau khi nói về việc mạnh dạn rao giảng Phúc Âm giữa nhiều chống đối, Phao-lô cho thấy động cơ nào thúc đẩy ông và các bạn rao giảng Lời Chúa (ngược lại với lời vu cáo của những người chống đối). Phao-lô KHÔNG dựa vào những điều sau để rao giảng Phúc Âm:

(1) Sự sai lầm.

(2) Ý không thanh sạch.

(3) Điều gian dối.

(4) Để đẹp lòng loài người.

Sai lầm là ngược lại với chân lý. Phao-lô khẳng định là bao giờ ông cũng rao giảng chân lý của Đức Chúa Trời, không giảng điều gì trái với chân lý. Ý không thanh sạch nói đến động cơ thúc đẩy không tốt. Gian dối mang ý nghĩa đánh lừa người khác:

Sự rao giảng của chúng tôi không xuất phát từ sự sai lầm, cũng không có ý đồ xấu xa hoặc để lừa dối ai (Bản Hiệu Đính)

Một điều quan trọng khác là Phao-lô không rao giảng để đẹp lòng loài người nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời (c. 4b). Có hai điều về Đức Chúa Trời trong câu nầy:

(1) Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng giao cho việc giảng Tin Lành (c. 4a).

(2) Đức Chúa Trời là Đấng dò xét lòng chúng tôi (c. 4c).

Bản Hiệu Đính dịch như sau:

Chúng tôi đã được Đức Chúa Trời thử nghiệm và ủy thác Tin Lành, nên chúng tôi cứ thế mà rao giảng, không phải để làm vừa lòng loài người, nhưng để làm vừa lòng Đức Chúa Trời là Đấng dò xét tấm lòng chúng tôi (c. 4)

Phúc Âm Phao-lô rao giảng bắt nguồn từ Đức Chúa Trời, ông tiếp nhận từ Chúa và tiếp tục thi hành sứ mạng Chúa giao phó. Phao-lô minh định rõ ràng cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca thấy điều đó.